Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra 3 dấu ấn nổi bật của GMS-6
- Tìm kiếm động lực tăng trưởng kinh tế mới cho khu vực GMS
- Việt Nam – thành viên tích cực của Chương trình Hợp tác kinh tế GMS
Trả lời câu hỏi của phóng viên về ý nghĩa và dấu ấn nổi bật của chương trình Hội nghị Thượng đỉnh GMS-6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Hội nghị Thượng đỉnh GMS-6 mang ý nghĩa quan trọng, đánh dấu 25 năm thành lập và hợp tác của GMS; đồng thời đề ra những định hướng hợp tác lớn trong trung hạn, và khởi động tiến trình xây dựng tầm nhìn hợp tác dài hạn của GMS.
Là những sự kiện đa phương lớn nhất được tổ chức tại Việt Nam trong năm 2018, Thủ tướng cho rằng dấu ấn nổi bật đầu tiên của Hội nghị chính là sự tham gia đông đảo của các thành phần đại biểu trong và ngoài nước với con số lên đến 3000 lượt. Quan trọng không kém là sự tác nghiệp, đưa tin của gần 400 phóng viên đại diện cho các cơ quan truyền thông của Việt Nam và quốc tế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ về kết quả Hội nghị Thượng đỉnh GMS-6 với các phóng viên trong nước và quốc tế. |
Thứ hai, Thủ tướng cũng cho biết, để phát huy sự tham gia mạnh mẽ hơn của các đối tác phát triển và đặc biệt là khu vực tư nhân vào hợp tác GMS, Việt Nam đã có sáng kiến lần đầu tiên tổ chức Diễn đàn Thượng đỉnh Kinh doanh GMS.
Diễn ra ngày 30-3, Diễn đàn thu hút sự tham gia của đông đảo các thành phần đại biểu, với quy mô lên tới 2000 người. Các hoạt động đối thoại, trao đổi, chia sẻ tầm nhìn, chiến lược, cơ hội hợp tác tại Diễn đàn đã diễn ra hết sức sôi động và có nhiều thảo luận hết sức bổ ích.
Dấu ấn đặc biệt nổi bật của Hội nghị Thượng đỉnh lần này theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chính là việc thông qua ba văn kiện quan trọng là Tuyên bố chung của Hội nghị, Kế hoạch Hành động Hà Nội 2018-2022 và Khung đầu tư tiểu vùng 2022 với danh sách hơn 222 dự án hết sức cụ thể với quy mô khoảng hơn 65 tỷ USD.
Tại buổi họp báo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh các nước GMS chú trọng phát triển bền vững, trong đó cần chú trọng môi trường và văn hóa, xã hội song song với phát triển kinh tế để đảm bảo môi trường hài hòa vì lợi ích của mọi người dân.
"Chúng ta phát triển hài hòa để mọi người dân cùng hưởng lợi, trên tinh thần không có ai bị bỏ sót lại phía sau", Thủ tướng cho biết.