Thông qua nhiều nghị quyết quan trọng, tác động trực tiếp tới đời sống người dân
Điều chỉnh 9 tổ dân phố quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm về Cầu Giấy
Với 100% đại biểu có mặt tán thành, HĐND TP Hà Nội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính giữa các quận Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm.
Theo Nghị quyết, phương án điều chỉnh giữa quận Cầu Giấy và quận Bắc Từ Liêm là chuyển toàn bộ phần diện tích đất tự nhiên khu vực tám tổ dân phố Bắc Nghĩa Tân, phường Nghĩa Tân (gồm các tổ: 25, 26, 27, 28, 29, 30, 31, 32) đang thuộc địa giới hành chính của phường Cổ Nhuế 1 (quận Bắc Từ Liêm) về địa giới của phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy).
Diện tích khu vực đề nghị điều chỉnh địa giới khoảng 10,32ha, với dân số là 6.096 người. Phương án điều chỉnh được thông qua giữa quận Cầu Giấy và quận Nam Từ Liêm là: Chuyển toàn bộ phần diện tích đất tự nhiên của tổ dân phố số 28, phường Mai Dịch đang thuộc địa giới phường Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm) về địa giới của phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy) quản lý. Diện tích khu vực điều chỉnh là 1,86ha. Dân số khu vực điều chỉnh là 703 người.
Sau khi Nghị quyết được thông qua, UBND thành phố được giao nhiệm vụ tập trung phối hợp với Bộ Nội vụ hoàn thiện hồ sơ, đề án trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bảo đảm tính chính xác, chặt chẽ và đầy đủ.
100% đại biểu có mặt tại kỳ họp tán thành việc ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn. |
Việc điều chỉnh là cần thiết nhằm giải quyết cơ bản những vướng mắc về việc quản lý các tổ dân phố nêu trên theo đúng quy định của pháp luật về địa giới hành chính và được sự đồng thuận của nhân dân trong khu vực. UBND thành phố đã báo cáo xin ý kiến Bộ Nội vụ về chủ trương này và được Bộ Nội vụ thống nhất chủ trương thực hiện
Cũng trong buổi sáng làm việc, các đại biểu dự kỳ họp cũng đã thông qua Nghị quyết về số lượng, chức danh, phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách cấp xã. HĐND TP quyết nghị: Quy định đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn gồm: Số lượng người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn loại 1 có tối đa 14 người, loại 2 tối đa 12 người, loại 3 tối đa 10 người.
Tại nghị quyết này, HĐND TP khuyến khích các xã, phường, thị trấn bố trí kiêm nhiệm chức danh: Cán bộ, công chức cấp xã kiêm nhiệm các chức danh không chuyên trách ở cấp xã; người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và ở thôn, tổ dân phố nếu kiêm nhiệm chức danh không chuyên trách khác được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm bằng 50% mức phụ cấp của chức danh không chuyên trách kiêm nhiệm.
Trường hợp kiêm nhiệm nhiều chức danh cũng chỉ được hưởng một mức phụ cấp kiêm nhiệm bằng 50% mức phụ cấp chức danh cao nhất. Phụ cấp kiêm nhiệm chức danh không dùng để tính đóng, hưởng chế độ BHXH, BHYT.
Đến năm 2030: 100% người dân đô thị, nông thôn Hà Nội sử dụng nước sạch
Tại Tờ trình của UBND thành phố xin ý kiến thông qua Đồ án điều chỉnh quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nói về sự cần thiết điều chỉnh quy hoạch, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết, nhu cầu dùng nước trong những năm tiếp theo sẽ có sự thay đổi so với trước đây, vì vậy, rất cần thiết phải tính toán lại đểđiều chỉnh các phương án cấp nước, đáp ứng nhu cầu của người dân Thủ đô.
Việc điều chỉnh quy hoạch này phù hợp với hiện trạng và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội; đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước, đảm bảo cấp nước an toàn và bền vững, cấp nước cho khu vực đô thị và nông thôn với cùng một tiêu chuẩn về chất lượng nước sạch của Bộ Y tế.
Theo chỉ tiêu, đến năm 2030, tỷ lệ dân cư đô thị trung tâm, dân cư đô thị vệ tinh và dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch đạt 100%. Dự báo, tổng nhu cầu dùng nước của toàn thành phố đạt 2,041 triệu m3/ngày vào năm 2020; 2,766 triệu m3/ngày vào năm 2030 và 3,393 triệu m3/ngày vào năm 2050.
Để đáp ứng nhu cầu dùng nước của thành phố giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cả hai nguồn nước mặt và nước ngầm đều được sử dụng. Tuy nhiên, thành phố ưu tiên khai thác nguồn nước mặt, từng bước giảm dần khai thác nguồn nước ngầm. Các nhà máy nước ngầm giảm dần công suất, chuyển thành các trạm bơm tăng ápnguồn nước dự phòng khi có nguồn nước mặt thay thế và dừng hoạt động từ năm 2050. Nguồn nước mặt bổ sung và thay thế cho nước ngầm là các nguồn nước sông Đà, sông Hồng, sông Đuống.
Nhiều chính sách ưu đãi trong đầu tư bến, bãi đỗ xe
Bước sang ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ 9, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVđã biểu quyết thông qua Nghị quyết về "Ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn; khuyến khích đầu tư xây dựng, khai thác bến xe, bãi đỗ xe ôtô và phương tiện cơ giới khác; áp dụng công nghệ cao trong quản lý, điều hành hệ thống giao thông vận tải” với100% đại biểu có mặt tán thành.
Theo đó, để khuyến khích người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, thành phố miễn tiền vé sử dụng đối với người có công, người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em dưới 6 tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo.
Ngân sách thành phố hỗ trợ 50% giá vé tháng đối với học sinh, sinh viên, công nhân các khu công nghiệp; hỗ trợ 30% giá vé tháng đối với cán bộ, nhân viên tại các văn phòng, công sở, doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp mua vé tháng theo hình thức tập thể...
Cũng theo Nghị quyết, cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, xây dựng khai thác bến xe, bãi đỗ xe và phương tiện cơ giới khác, gồm: Hỗ trợ 100% tiền thuê đất trong 10 năm đầu kể từ khi phát sinh nghĩa vụ nộp tiền thuế đất; 100% tiền thuế nhập khẩu phải nộp đối với các thiết bị, dây chuyền công nghệ nhập khẩu phục vụ trực tiếp cho dự án; được vay vốn từ Quỹ đầu tư phát triển thành phố với lãi suất ưu đãi. Các bãi đỗ xe ngầm đầu tư theo hình thức xã hội hóa được phép sử dụng tối đa 30% tổng diện tích sàn xây dựng để khai thác dịch vụ thương mại, dịch vụ khác hỗ trợ cho bãi đỗ xe ngầm.
Thành phố khuyến khích các cá nhân, hộ gia đình sở hữu nhà, quyền sử dụng đất hợp pháp trên địa bàn bốn quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và Đống Đa đầu tư bãi đỗ xe ngầm, cao tầng cho ôtô và phương tiện cơ giới khác, phục vụ nhu cầu công cộng.
Phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 9, HĐND TP Hà Nội khóa XV, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định: Sau hơn 2 ngày làm việc, với tinh thần nghiêm túc trách nhiệm, Kỳ họp đã hoàn thành chương trình đề ra.
Trong ngày 10-7, HĐND TP biểu quyết miễn nhiệm Ủy viên UBND TP đối với ông Lê Vinh, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc đã nghỉ chế độ; bầu bổ sung Ủy viên UBND TP với ông Nguyễn Trúc Anh, Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc; bãi nhiệm đại biểu HĐND TP đối với ông Hoàng Mạnh Phú (tổ Phúc Thọ) do vi phạm kỷ luật. |