Thiêng liêng Đại lễ cầu siêu các anh hùng, liệt sỹ mặt trận phía Bắc

Thứ Sáu, 26/08/2016, 13:43
Sáng nay, 26-8, Đại lễ cầu siêu tưởng niệm anh linh các anh hùng, liệt sỹ hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc trên mặt trận phía Bắc đã diễn ra tại Nghĩa trang liệt sỹ Vị Xuyên, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.

Đại lễ cầu siêu do Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hà Giang và Công ty Thanh Bình tổ chức, nhân kỷ niệm 69 năm Ngày Thương binh, liệt sỹ 27-7 và kỷ niệm 35 năm Ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Các đại biểu thực hiện nghi lễ dâng hương

Dự Đại lễ cầu siêu có hơn 4.000 tăng ni phật tử, các cấp lãnh đạo, các mẹ Việt Nam anh hùng, các đồng chí lão thành cách mạng, cựu chiến binh, thân nhân các anh hùng, liệt sỹ và quần chúng nhân dân cả nước.

Toàn cảnh buổi lễ.

Phát biểu khai mạc Đại lễ, Hoà thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ôn lại truyền thống đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước của nhân dân ta, khẳng định vai trò to lớn của Đảng, Bác Hồ và các anh hùng, liệt sỹ.

Hoà thượng Thích Thanh Nhiễu khẳng định, cuộc chiến đã đi qua, đất nước đã hồi sinh, đang phát triển trong thời kỳ hội nhập quốc tế nhưng trong ký ức, đời sống tâm linh của những người con Việt Nam luôn tự hào khi nhớ về chiến tích, những kỷ niệm thiêng liêng của những người thân, người đồng chí, đồng đội và các chiến sỹ đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường phía Bắc cũng như các chiến trường khác.

Khoảng 4.000 người dự Đại lễ cầu siêu.

“Xin cầu nguyện anh linh các chiến sỹ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì sự bình yên của đất nước luôn được an nhàn trong cõi tịnh. Nơi núi rừng phía Bắc bạt ngàn, mong các anh hùng, liệt sỹ an nghỉ cho ngàn thu in bóng, mảnh hình hoà quyện với non sông, sẽ sống mãi trong lòng dân tộc và trong trang sử rạng ngời của đất nước. Cầu nguyện cho thân nhân, quyến thuộc còn sinh tiền được bình an, cát tường, như ý; cầu nguyện đất nước giàu mạnh, hùng cường và phát triển bền vững”, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhấn mạnh.

Nhiều cựu chiến binh thăm lại chiến trường xưa và cầu siêu cho đồng đội

Thể hiện lòng tri ân và báo ân của Đạo Phật, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam, tại Đại lễ cầu siêu các đại biểu đã thực hiện nghi thức dâng hương kính bái anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh, các anh hùng, liệt sỹ; tưởng niệm và nguyện cầu cho anh linh những người lính đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc được siêu sinh thoát hoá…

Nhân dịp này, Ban tổ chức cũng đã tặng quà tri ân, động viên các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp được Đoàn 3 chiến dịch rước trang trọng

Là một cựu chiến binh từng chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên, Đại tá Nguyễn Lư, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 3 Sao Vàng xúc động chia sẻ những khó khăn, gian khổ cũng như kỷ niệm một thời chiến đấu đầy oanh liệt của ông và đồng đội.

Suốt 10 năm trời (1979 – 1989), Vị Xuyên là nơi mà giặc đánh phá trọng điểm. Đã có 16 sư đoàn, 4 lữ đoàn và rất nhiều các đơn vị độc lập đã về chiến đấu tại đây.

Cùng với đó là những hình ảnh ghi dấu những mốc son lịch sử.

“Chính tại mặt trận này đã diễn ra những trận đấu ác liệt nhất, giành đi giật lại với địch từng tấc đất. Có những trận địa ta và địch chỉ cách nhau trong tầm ném lựu đạn 10-15m, chiến sỹ phải lấy đất nhào với nước trét lên người, chỉ trừ 2 con mắt để hoà với đất mà đánh giặc, mà giữ đất. Có những trận đánh bom đạn của địch dội xuống hàng tấn mà anh em đặt tên là “cối xay thịt”; cũng ở chính mặt trận này tạo nên những địa danh huyền thoại như “thác âm phủ”, “suối gọi hồn”, “cửa tử Vị Xuyên”…”, ông nhớ lại.

Đại tá Nguyễn Lư chia sẻ những kỷ niệm chiến đấu xúc động

Gian khổ, ác liệt là vậy nhưng chiến sỹ mặt trận Vị Xuyên vẫn “một tấc không đi một li không rời”, nhiều đồng chí bị thương nhưng vẫn không rời trận địa, xin được băng bó để tiếp tục chiến đấu, viết lên thành chiến hào lời nguyền quyết tâm đấu tranh đến cùng bảo vệ biên giới Tổ quốc.

Trong hàng ngàn liệt sỹ đã hy sinh tại đây, Nghĩa trang liệt sỹ Vị Xuyên đã quy tụ được hơn 1.000 hài cốt, còn hơn 1.000 đồng chí vẫn nằm rải rác bên bờ cây, bụi chuối, ven đường, hốc núi, khe đá…, khiến mỗi lần về lại Vị Xuyên, Đại tá Nguyễn Lư và đồng đội đều không cầm được nước mắt tưởng nhớ anh em…

Ban tổ chức tặng quà những gia đình chính sách hoàn cảnh khó khăn tại Đại lễ cầu siêu.

Đại lễ cầu siêu anh linh các anh hùng, liệt sỹ - những người con ưu tú của Tổ quốc đã anh dũng hy sinh tại mặt trận phía Bắc vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và đồng bào tử nạn trong thời kỳ chiến tranh đầy máu lửa, hào hùng của dân tộc là một trong những hoạt động ý nghĩa hướng về nguồn cội sâu sắc, góp phần tiếp nối truyền thống và lưu giữ những giá trị lịch sử quý báu cho thế hệ hôm nay và mai sau…

Quỳnh Vinh
.
.
.