Thí điểm sáp nhập sở phải thận trọng, được cơ quan có thẩm quyền cho phép

Thứ Năm, 19/07/2018, 08:11
Theo Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân, hiện nay có nhiều tỉnh đang thực hiện sáp nhập cơ quan chuyên môn nhưng chủ yếu làm theo thẩm quyền phân cấp. Việc thí điểm phải thận trọng, phải có cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Trao đổi với phóng viên về việc hợp nhất, sáp nhập các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và cấp huyện theo tinh thần dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 24/2014/NĐ-CP quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và Nghị định số 37/2014/NĐ-CP quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết: Bộ Nội vụ ủng hộ những tỉnh hiện nay thực hiện theo dự thảo của Nghị định sửa đổi.

“Còn tất cả những nơi chưa làm thì nên chờ nghị định của Chính phủ ban hành. Vì người quyết định cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh đó là Chính phủ”. Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, hiện nay có nhiều tỉnh đang thực hiện sáp nhập cơ quan chuyên môn nhưng chủ yếu làm theo thẩm quyền phân cấp. Việc thí điểm phải thận trọng, phải có cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 24/2014/NĐ-CP đã được Bộ Nội vụ lấy ý kiến rộng rãi và đang hoàn thiện để trình Chính phủ ban hành. Theo dự thảo này, sau khi sáp nhập, sẽ giảm tối thiểu 46 sở. Trong đó, Bộ Nội vụ đề xuất 4 sở: Tư pháp; Tài nguyên và Môi trường; Lao động - Thương binh và Xã hội; Y tế được tổ chức thống nhất trên phạm vi cả nước nhằm bảo đảm tính kế thừa, ổn định đối với các sở đã được sắp xếp, tổ chức theo mô hình tổ chức sở quản lý đa ngành, đa lĩnh vực và các sở có chuyên ngành chuyên sâu được quy định và đang thực hiện tại Nghị định số 24/2014/NĐ-CP.

Các Sở Kế hoạch - Đầu tư và Tài chính hợp nhất thành Sở Tài chính - Kế hoạch. Sở Giao thông Vận tải và Sở Xây dựng hợp nhất thành Sở Giao thông Vận tải - Xây dựng. Hợp nhất Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Sở Công Thương thành Sở Công nghiệp, Nông nghiệp và Thương mại. Sở Thông tin và Truyền thông được hợp nhất với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (hoặc Sở Văn hóa, Thể thao) thành Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch hoặc Sở Văn hóa, Thông tin và Thể thao. Sở Khoa học và Công nghệ sẽ hợp nhất với Sở Giáo dục và Đào tạo thành Sở Giáo dục và Khoa học, Công nghệ.

Bộ Nội vụ cũng đề xuất sáp nhập, thành lập hoặc không thành lập Sở Ngoại vụ, Ban Dân tộc, Sở Du lịch và Sở Quy hoạch - Kiến trúc (ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh), để tiếp tục đẩy mạnh trao quyền chủ động cho chính quyền địa phương cấp tỉnh trong việc sắp xếp, thu gọn đầu mối tổ chức cơ quan chuyên môn cấp tỉnh. Trường hợp không thành lập các sở này thì giao Văn phòng UBND cấp tỉnh (hoặc Văn phòng chính quyền địa phương cấp tỉnh) thực hiện chức năng tham mưu quản lý nhà nước về lĩnh vực ngoại vụ và dân tộc; giao Sở Văn hóa, Thể thao (hoặc Sở Văn hóa, Thông tin và Thể thao) thực hiện chức năng, nhiệm vụ tham mưu quản lý nhà nước về du lịch và đổi tên sở này thành Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch.

Đối với Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, trường hợp không thành lập Sở Quy hoạch - Kiến trúc thì sáp nhập sở này vào Sở Xây dựng (hoặc Sở Giao thông Vận tải - Xây dựng).

Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ cũng đề xuất giao thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quyết định giữ ổn định hoặc thực hiện thí điểm hợp nhất Sở Nội vụ với Ban Tổ chức thành Sở Tổ chức - Nội vụ; Thanh tra tỉnh với Ủy ban Kiểm tra thành Kiểm tra - Thanh tra tỉnh; Văn phòng UBND cấp tỉnh với Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Văn phòng HĐND cấp tỉnh thành Văn phòng địa phương cấp tỉnh.

Đối với 4 sở đặc thù, chuyên ngành, không được tổ chức thống nhất giữa các địa phương gồm Sở Quy hoạch - Kiến trúc thuộc UBND Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, 3 sở do Chính phủ quy định tiêu chí thành lập (Ban Dân tộc, Sở Ngoại vụ, Sở Du lịch), Bộ Nội vụ đề xuất giao UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quyết định giữ ổn định hoặc sáp nhập; thành lập hoặc không thành lập (kể cả khi đáp ứng đủ các tiêu chí thành lập).

Lào Cai là một trong số ít tỉnh tiên phong trong sáp nhập sở theo tinh thần dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 24/2014/NĐ-CP. UBND tỉnh này vừa ban hành văn bản sáp nhập hai Sở Xây dựng và Giao thông Vận tải thành Sở Giao thông Vận tải - Xây dựng từ ngày 15-7. Theo đó, Sở Giao thông Vận tải - Xây dựng gồm 26 nhiệm vụ và quyền hạn, chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của UBND tỉnh Lào Cai...

Sở Giao thông Vận tải - Xây dựng có 10 phòng chuyên môn, nghiệp vụ; một tổ chức thuộc Sở là Chi cục Giám định xây dựng và một Trung tâm Giám định chất lượng xây dựng. Sở có một giám đốc và không quá 3 phó giám đốc.

Việc tinh gọn tổ chức bộ máy tinh gọn đầu mối cấp sở sẽ hạn chế việc trùng chéo chức năng nhiệm vụ, tiết kiệm biên chế kinh phí thường xuyên, thuận lợi cho việc lãnh chỉ đạo điều hành nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Tổ chức quản lý thống nhất hai lĩnh vực này trong một cơ quan nhà nước sẽ nâng cao hiệu quả, khắc phục những bất cập, chồng chéo, thiếu đồng bộ và đảm bảo tinh gọn đầu mối tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW và Chỉ thị số 02/CT-TTg.

Chu Thanh Vân
.
.
.