Lấy ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản QPPL
Ngay sau lễ khai mạc, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành thảo luận, cho ý kiến.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu ý kiến tại phiên họp. |
Tại Báo cáo một số vấn đề xin ý kiến về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày đã nêu ra 2 vấn đề lớn đo là: Trách nhiệm chủ trì việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật; và lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.
Về trách nhiệm chủ trì việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, tại Kỳ họp thứ 8, cả 2 phương án của Chính phủ trình đã được đại biểu Quốc hội thảo luận, phân tích, làm rõ ưu điểm, hạn chế của từng phương án, đa số đại biểu Quốc hội đề nghị lựa chọn phương án 2. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho tiếp thu theo ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội là tiếp tục quy định cơ quan chủ trì thẩm tra chủ trì việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật như hiện nay; đồng thời bổ sung một số quy định nhằm xác định cụ thể trách nhiệm của từng cơ quan trong giai đoạn tiếp thu, chỉnh lý. Theo đó, sau khi Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự án luật, Tổng Thư ký Quốc hội tổ chức việc tổng hợp ý kiến của đại biểu Quốc hội để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời gửi cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan trình dự án luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chung Lưu điều hành phiên thảo luận. |
Theo đó, quy trình tiếp thu, chỉnh lý dự án luật bao gồm 4 bước. Một là cơ quan trình nghiên cứu, đề xuất nội dung dự kiến giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật gửi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời gửi cơ quan chủ trì thẩm tra. Đối với những chính sách mới được đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung vào dự thảo luật, trong trường hợp cần thiết, cơ quan soạn thảo đánh giá tác động về chính sách để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội.
Hai là cơ quan chủ trì thẩm tra chủ trì, phối hợp với cơ quan trình, Ủy ban Pháp luật, Bộ Tư pháp và cơ quan, tổ chức có liên quan trao đổi, thống nhất về nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật và xây dựng dự thảo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật. Đối với dự án luật có những vấn đề quan trọng, vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau, Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách dự án luật chủ trì cuộc làm việc với lãnh đạo cơ quan trình, cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo, Ủy ban Pháp luật, Bộ Tư pháp và cơ quan, tổ chức có liên quan để cho ý kiến, thống nhất về nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng báo cáo một số vấn đề xin ý kiến về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. |
Ba là cơ quan trình dự thảo luật có ý kiến chính thức bằng văn bản về những nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý trước khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bước cuối cùng là Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thảo luận về dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và dự thảo luật đã được chỉnh lý. Sau đó, việc hoàn chỉnh dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu và dự thảo luật tiếp tục được thực hiện như theo quy định hiện hành.
Cho ý kiến về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị áp dụng quy trình lấy ý kiến thảo luận qua 2 hoặc 3 vòng. Lần thứ nhất, sau khi Chính phủ trình Quốc hội, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ. Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp ý kiến của các đại biểu Quốc hội để Chính phủ giải trình. Sau đó, Chính phủ trình bày báo cáo giải trình, đồng thuận với ý kiến nào, không đồng thuận với ý kiến nào trước khi Quốc hội tổ chức thảo luận ở hội trường. Lần thứ hai, Chính phủ trình Quốc hội báo cáo giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại hội trường để Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường. Nếu vẫn còn ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chịu trách nhiệm giải trình để Quốc hội thảo luận ở hội trường lần thứ 3. Nếu không đồng tình với quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ có quyền rút toàn bộ dự án luật. Nếu Chính phủ đồng thuận với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội biểu quyết thông qua. Như vậy, Chính phủ sẽ đi đến cùng với dự án luật của mình.
Quang cảnh phiên họp 41 Ủy ban Thường vụ Quốc hội . |
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị giữ nguyên như quy trình hiện nay nhưng có bổ sung thêm quy định để tăng thêm vai trò của Chính phủ trong việc bảo vệ dự án luật do Chính phủ trình. Lần thứ nhất, sau khi Quốc hội thảo luận, Chính phủ sẽ chịu trách nhiệm báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý. Trong lần giải trình này, nếu đại biểu Quốc hội có đề xuất chính sách mới, Chính phủ phải có đánh giá tác động. Sau khi Chính phủ tiếp thu lần đầu sẽ chuyển sang cơ quan thẩm tra. Cơ quan thẩm tra tiếp tục phản biện rồi xây dựng báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Căn cứ vào thảo luận và kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan chủ trì thẩm tra xây dựng báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý để trình Quốc hội.
Kết luận nội dung này sau khi nghe ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với phương án đề xuất của Ủy ban Pháp luật là tiếp tục quy định cơ quan thẩm tra chủ trì giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật như hiện hành, đồng thời bổ sung quy định nhằm xác định cụ thể hơn về trách nhiệm của từng cơ quan trong giai đoạn tiếp thu, chỉnh lý. Phương án này có ưu điểm là bảo đảm sát nhất với chức năng lập pháp của Quốc hội theo quy định của Hiến pháp, không làm xáo trộn quy trình trong điều kiện ổn định từ năm 2003 đến nay, tạo sự chủ động cho các cơ quan của Quốc hội trong việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật. Đồng thời vẫn phát huy được vai trò, trách nhiệm của cơ quan trình trong việc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội.
Theo dự kiến, tiếp tục chương trình phiên họp 41 vào ngày mai (10-1), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận, cho ý kiến vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Đồng thời sẽ xem xét, quyết định việc sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện tại 18 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.