Thành lập thị trấn thuộc tỉnh Thanh Hóa, Đồng Nai, Tuyên Quang từ 1/7/2021

Thứ Ba, 27/04/2021, 10:00
Sáng 27/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét, quyết định thành lập thị trấn thuộc các tỉnh Thanh Hóa, Đồng Nai, Tuyên Quang; điều chỉnh địa giới một số đơn vị hành chính thuộc tỉnh Tuyên Quang và TP Hà Nội.


Thành lập 6 thị trấn, điều chỉnh địa giới 4 xã, 9 tổ dân phố

Theo Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày, tỉnh Thanh Hóa đề nghị thành lập thị trấn Quý Lộc và thị trấn Yên Lâm trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của xã Quý Lộc và xã Yên Lâm thuộc huyện Yên Định. Sau khi thành lập, tỉnh Thanh Hóa có 559 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: 469 xã, 60 phường, 30 thị trấn. Trong đó, huyện Yên Định có 26 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 22 xã và 4 thị trấn.

Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày tờ trình của Chính phủ.

Tỉnh Đồng Nai đề nghị thành lập thị trấn Long Giao trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của xã Long Giao thuộc huyện Cẩm Mỹ. Sau khi thành lập, tỉnh Đồng Nai có 170 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 40 phường, 9 thị trấn và 121 xã. Trong đó, huyện Cẩm Mỹ có 12 xã và 1 thị trấn.

Tỉnh Tuyên Quang đề nghị điều chỉnh địa giới hành chính và thành lập thị trấn thuộc huyện Lâm Bình, huyện Yên Sơn. Theo đó, điều chỉnh toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Phúc Sơn và toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Minh Quang thuộc huyện Chiêm Hóa về huyện Lâm Bình quản lý.

Thành lập thị trấn Lăng Can thuộc huyện Lâm Bình trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của xã Lăng Can. Điều chỉnh 0,58 km2 diện tích tự nhiên, 923 người của xã Lang Quán và 2,29 km2 diện tích tự nhiên, 1.788 người của xã Tứ Quận về xã Thắng Quân quản lý. Thành lập thị trấn Yên Sơn thuộc huyện Yên Sơn trên cơ sở 29,21 km2 diện tích tự nhiên, 22.041 người của xã Thắng Quân (sau khi điều chỉnh và đổi tên đơn vị hành chính). Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính và thành lập thị trấn, tỉnh Tuyên Quang có 138 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 122 xã, 10 phường và 6 thị trấn.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra.

Đối với TP Hà Nội, đề nghị điều chỉnh toàn bộ phần diện tích tự nhiên của 8 tổ dân phố khu vực Bắc Nghĩa Tân của phường Nghĩa Tân (gồm các tổ: 25, 26, 27, 28, 29, 30, 31, 32) đang thuộc địa giới hành chính của phường Cổ Nhuế 1 (quận Bắc Từ Liêm) về địa giới hành chính của phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) quản lý. Diện tích điều chỉnh 10,32 ha; dân số 6.096 người.

Điều chỉnh toàn bộ phần diện tích tự nhiên của tổ dân phố số 28- tập thể Bệnh viện 19-8 của phường Mai Dịch đang thuộc địa giới hành chính của phường Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm) về địa giới hành chính của phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy) quản lý. Diện tích điều chỉnh 1,86 ha; dân số 703 người.

Đối với Tổ dân phố Hoàng 4 của phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm (trước đây là thôn Hoàng 4 của xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm) nằm giữa các tổ dân phố Bắc Nghĩa Tân do phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy quản lý giữ nguyên hiện trạng.

Xem xét quy hoạch, tránh tình trạng vỏ đô thị nhưng ruột vẫn nông thôn

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban cơ bản tán thành với sự cần thiết việc điều chỉnh địa giới và thành lập các đơn vị hành chính của các tỉnh Thanh Hóa, Đồng Nai, Tuyên Quang và TP Hà Nội; tiêu chuẩn, điều kiện, hồ sơ, trình tự, thủ tục được chuẩn bị nghiêm túc, đúng quy định. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thảo luận tại phiên họp.

Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị cơ quan trình Đề án giải trình một số nội dung liên quan đến việc thành lập đơn vị hành chính ở đô thị, như giải pháp huy động vốn và định hướng sử dụng nguồn vốn để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đô thị, nâng cao chất lượng đô thị nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân; việc chuyển đổi con dấu, giấy tờ của người dân trên địa bàn sau khi thị trấn mới được thành lập...

Ủy ban Pháp luật đề nghị xác định thời điểm có hiệu lực của các Nghị quyết là từ ngày 1/7/2021 (dự thảo Nghị quyết do Chính phủ trình chưa xác định thời điểm Nghị quyết có hiệu lực thi hành) để các cơ quan, tổ chức và địa phương có thời gian để kiện toàn tổ chức bộ máy, thay đổi con dấu, giấy tờ của công dân, đáp ứng các điều kiện cần thiết khác cho hoạt động của đơn vị hành chính mới và không làm ảnh hưởng đến công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận xét, hồ sơ đề án được các cơ quan chuẩn bị chặt chẽ, kỹ lưỡng, tạo sự đồng thuận cao, thống nhất với thời điểm có hiệu lực các Nghị quyết từ 1/7/2021. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý cần xử lý, giải quyết khéo léo, rà soát, điều chỉnh các quy hoạch cho phù hợp.

UBTVQH biểu quyết thông qua các nghị quyết.

"Việc lập thêm phường, thị trấn mới là chuyện tất yếu trong quá trình đô thị hóa, song nếu chỉ có quyết định hành chính để biến một xã thành một thị trấn đơn thuần thì không có ý nghĩa. Quan trọng là phải xem xét quy hoạch phát triển đô thị, phát triển hạ tầng giao thông gắn với phát triển kinh tế đô thị, tránh tình trạng vỏ lên đô thị nhưng ruột vẫn 100% lao động nông nghiệp, 100% kinh tế nông thôn", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch Quốc hội, việc điều chỉnh địa giới hành chính ở TP Hà Nội nghe có vẻ thuận nhưng nếu không làm ngay việc đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân thì lại thành vấn đề. Chẳng hạn vấn đề liên quan hộ tịch hộ khẩu, căn cước công dân, liên quan thủ tục hành chính, dịch vụ công... nếu không được giải quyết kịp thời sẽ gây ách tắc cho người dân và doanh nghiệp thì quá trình tổ chức thực hiện sẽ gặp khó khăn.

Sau khi thảo luận, nhất trí cao, UBTVQH cũng đã biểu quyết thông qua 4 Nghị quyết về việc thành lập các thị trấn thuộc các tỉnh: Thanh Hóa, Đồng Nai, Tuyên Quang; điều chỉnh địa giới một số đơn vị hành chính thuộc tỉnh Tuyên Quang và TP Hà Nội.

Quỳnh Vinh
.
.
.