Thẳng thắn và nghiêm khắc với người tung thông tin bịa đặt

Thứ Hai, 04/01/2010, 11:07
Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, càng ngày chúng ta thu nhận càng nhiều thông tin chưa được thẩm định. Những thông tin đó đến với cán bộ, nhân dân bằng nhiều con đường khác nhau nhưng đều có tác động nhất định, trong đó có một số tác động ngược chiều.

Do đó, dư luận xã hội đòi hỏi phải có một thái độ thẳng thắn và nghiêm khắc đối với những người tung thông tin này. Chúng ta không thể bàng quan trước những hiện tượng muốn nói thế nào, muốn viết thế nào cũng được, nhất là những vấn đề thuộc về quá khứ, những vấn đề liên quan đến lịch sử, vấn đề thuộc về bí mật nội bộ, vấn đề liên quan đến rất ít người, những người biết thì hầu như đã mất, chỉ còn duy nhất người nêu lại sự việc.

Họ nêu lại cốt để chứng minh họ đúng và bị oan, những người đã phê phán, kỷ luật họ là sai. Nhưng không dừng lại đó, họ đưa ra những quy kết, chụp mũ nặng nề với những người đã phê phán, kỷ luật họ và tệ hơn nữa, họ còn kể ra những khuyết tật của những người đó, thậm chí cả những chuyện về cuộc sống riêng tư.

Những vấn đề ấy có thật hay không? Đúng hay sai? Vẫn chưa có câu trả lời thẳng thắn. Dư luận cũng rất bất bình vì những thông tin đưa ra cố tình bôi lem và xuyên tạc. Những chuyện chỉ nghe nói, nghe đồn đại mà họ lại viết thành bài, thành sách, giấy trắng mực đen hẳn hoi rồi lan truyền lung tung.

Có những chuyện quả thực phải chờ sự công bố của những cơ quan chức năng thì mới biết rõ đúng, sai thế nào. Nhưng có những chuyện mới nghe đã nhận ra ngay là không thể có được, bịa đặt hoàn toàn bởi những người nói, viết có dụng ý hạ uy tín người khác.

Trải qua hai cuộc kháng chiến và hơn 34 năm xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, từ TW đến địa phương, có rất nhiều cán bộ thực sự mẫu mực về mọi phương diện. Vậy mà bây giờ, có một số người bị dựng chuyện bôi lem.

Trước một hành vi đầy sai trái như vậy, sự thẳng thắn phê phán và nghiêm khắc xử lý của chúng ta chưa rõ ràng và chưa đủ độ. Vừa qua, đã có một số bài báo phê phán, nhưng sự phê phán đó còn "tế nhị", chưa chỉ đích danh người bị phê phán do đó chưa thực sự có nhiều tác dụng.

Có lẽ đó là một nguyên nhân làm cho hiện tượng tung thông tin bôi lem vẫn còn tiếp diễn. Chúng ta tránh kiểu "đao to búa lớn", nhưng với những người cố tình hạ uy tín người khác, gây hại đối với cộng đồng thì với "đao nhỏ, búa nhỏ" làm sao trị được!

Ai cũng biết mỗi một vấn đề đều được nhìn nhận, giải quyết, đánh giá theo quan điểm lịch sử cụ thể của nó. Thực tế đó tồn tại không chỉ ở nước ta mà ở các nước trên thế giới ngay từ xã hội phong kiến. Không một xã hội nào mà mọi việc đều suôn sẻ, nhất là trong bối cảnh lịch sử phải trải qua những bước thăng trầm. Những tồn tại đó nếu có sẽ được thế hệ sau điều chỉnh, sửa sai và có những trường hợp được minh oan.

Bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm làm tốt việc này, những khuyết điểm về quản lý xã hội trong thời kỳ bao cấp đã được kịp thời sửa chữa. Một số trường hợp trước đây đánh giá chưa đúng, bị kỷ luật thì nay đã được đánh giá lại, được minh oan và có trường hợp còn được tôn vinh.

Điều đó đã làm tăng thêm sức mạnh lòng tin và sự đoàn kết nhất trí của toàn xã hội. Vì vậy, không thể để cho một ý kiến, nhận định phiến diện của cá nhân nào làm tổn thương đến lòng tin của xã hội, băng hoại đến truyền thống dân tộc và cần khắc phục tư tưởng né tránh vẫn còn đâu đó, lấy lý do "tế nhị nội bộ" mà bỏ qua.

Tất nhiên có việc cần nêu ra, có việc chưa cần, nhưng phải có quan điểm rõ ràng về vấn đề này. Phải chống việc lạm dụng nêu ý kiến chủ quan, cá nhân để phản ánh sai bản chất sự việc, sai về đồng chí, đồng đội trong quá khứ và hiện tại. Những biểu hiện đó phải được phê bình, xử lý một cách thẳng thắn và nghiêm khắc hơn.

Mặt khác cũng cần có cơ quan phát ngôn chính thức đối với từng vụ việc mà dư luận quan tâm. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Khuyết điểm cũng như chứng bệnh. Phê bình cũng như uống thuốc. Sợ phê bình cũng như có bệnh mà giấu bệnh, không dám uống thuốc. Để đến nỗi bệnh ngày càng nặng, không chết cũng la lết” (Hồ Chí Minh Toàn tập - tập 4 trang 477, NXB Sự thật).

Thiết nghĩ, cần phải tiếp tục tìm hiểu ngọn nguồn và xử lý nghiêm khắc hơn với những người tung thông tin thất thiệt, xuyên tạc, gây rối nội bộ... thì chắc chắn xã hội còn lành mạnh, phát triển hơn

Phúc Quang
.
.
.