Tạo điều kiện mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa với điều kiện kinh tế, xã hội mới và trước yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đòi hỏi Hiến pháp sửa đổi vừa phải khắc phục những khó khăn, vướng mắc, vừa phải đón trước, bắt kịp với sự biến đổi của tình hình và thực tiễn bảo vệ Tổ quốc, xứng tầm là một văn bản pháp lý cao nhất, là cơ sở quan trọng cho sự hoàn thiện, phát triển hệ thống pháp luật đúng hướng, bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phóng viên Báo CAND đã trao đổi với Thiếu tướng Nguyễn Đình Thuận, Cục trưởng Cục Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, Bộ Công an để hiểu hơn về vấn đề này. Đồng chí Cục trưởng cho biết:
Việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Hiến pháp liên quan đến bảo vệ Tổ quốc cần kế thừa những quy định của Hiến pháp năm 1992, chỉ bổ sung những vấn đề thực sự cần thiết, phù hợp với Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và các Văn kiện khác của Đảng, đặc biệt phải bám sát, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan đến bảo vệ Tổ quốc.
Trong Hiến pháp sửa đổi, cần bổ sung vấn đề hợp tác quốc tế vào Điều 44 của Hiến pháp năm 1992 bằng cách quy định rõ: “Nhà nước tạo điều kiện cho lực lượng vũ trang mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh”; đồng thời bổ sung quy định về biện pháp mà các lực lượng vũ trang được phép sử dụng vào Điều 45 của Hiến pháp năm 1992 như sau: “Các lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân, được sử dụng các biện pháp do pháp luật quy định để thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh trật tự và những thành quả cách mạng, cùng toàn dân xây dựng đất nước”.
Cần bổ sung những vấn đề công nghiệp an ninh vào Điều 48 thành: “Nhà nước phát huy tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân, giáo dục quốc phòng và an ninh cho toàn dân, thực hiện chế độ nghĩa vụ quân sự, chính sách hậu phương quân đội, xây dựng công nghiệp quốc phòng, an ninh với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, an ninh đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ và chiến sĩ, công nhân, nhân viên quốc phòng, Công an, xây dựng các lực lượng vũ trang nhân dân hùng mạnh, không ngừng tăng cường khả năng bảo vệ đất nước”.
Điều 68 cần sửa đổi, bổ sung như sau: “Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước theo quy định của pháp luật. Việc cấm đi khỏi nơi cư trú phải đúng quy định của pháp luật”.
Điều 71 sửa đổi, bổ sung như sau: “Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm. Việc bắt giữ, tạm giam, khám người phải do người có thẩm quyền tiến hành theo quy định của pháp luật. Nghiêm cấm mọi hình thức, truy bức, nhục hình, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của công dân”.
Điều 11 đề nghị sửa cụm từ “giữ gìn an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội” thành “bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội” cho thống nhất với các điều khác trong Hiến pháp.
Điều 12 đề nghị sửa cụm từ: “Các cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân” thành “Cơ quan, tổ chức và mọi công dân” để đảm bảo ngắn gọn và mang tính bao quát.
Điều 50 và Điều 51 có cụm từ: “Hiến pháp và luật” đề nghị sửa thành “Hiến pháp và pháp luật” cho thống nhất với các điều luật khác.
Điều 74 có cụm từ “Tài sản xã hội chủ nghĩa”, đề nghị sửa thành “Tài sản của Nhà nước” cho phù hợp với Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Đề nghị bỏ cụm từ: “Phản bội Tổ quốc là tội nặng nhất” ở Điều 76 và gộp Điều 76 vào Điều 77 thành “Công dân phải trung thành với Tổ quốc”.
Đề nghị thay thế cụm từ: “Bảo vệ bí mật quốc gia” thành “Bảo vệ bí mật Nhà nước” ở Điều 79. Theo đó, Điều 79 sẽ như sau: “Công dân có nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp, pháp luật, tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, giữ gìn bí mật Nhà nước, chấp hành những quy tắc sinh hoạt công cộng”