Tăng trách nhiệm của cơ quan báo chí đối với chương trình liên kết

Thứ Hai, 14/03/2016, 17:42
Chiều 14-3, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức họp báo giới thiệu một số nội dung cơ bản của Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18-1-2016 của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh- truyền hình.

Đây là Nghị định nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về dịch vụ phát thanh - truyền hình phù hợp với định hướng quy hoạch báo chí đến năm 2025 và xu hướng hội nhập quốc tế.

Sẽ tiến hành “hậu kiểm” đối với các chương trình liên kết

Một trong những điểm mới của Nghị định là bổ sung quy định rõ nội dung trên dịch vụ phát thanh-truyền hình quảng bá là các kênh chương trình trong nước hình thành từ 2 nhóm: Một là các kênh truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của quốc gia và địa phương; hai là các kênh truyền hình trong nước khác. 

Về quy định điều chỉnh hoạt động liên kết sản xuất chương trình, Nghị định mới tiếp tục duy trì chủ trương khuyến khích huy động nguồn lực xã hội tham gia sản xuất chương trình trong nước làm phong phú nội dung về hình thức, thể loại, chủ đề đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần ngày càng cao của người dân. 

Tuy nhiên, các quy định trong Nghị định cũng đã làm rõ hơn trách nhiệm của cơ quan báo chí chủ trì trong hoạt động liên kết. Trong đó, quy định tại Điều 16 đã thể chế hóa định hướng cơ bản của Đảng, Nhà nước về hoạt động liên kết sản xuất chương trình, đó là tuyệt đối không thực hiện sản xuất các chương trình Thời sự-chính trị.

Lý giải rõ hơn về trách nhiệm của cơ quan báo chí trong việc sản xuất các chương trình liên kết, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cho biết: Hiện nay Bộ TT&TT đang cấp phép liên kết. Tuy nhiên, khi Nghị định mới có hiệu lực, các cơ quan báo chí phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật, trong đó có luật Báo chí. Điều này vừa giảm thủ tục hành chính, nâng cao trách nhiệm của cơ quan báo chí đối với các chương trình liên kết. 

Thứ trưởng Trương Minh Tuấn chủ trì buổi họp báo giới thiệu Nghị định 06 của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh-truyền hình.

Bộ TT&TT sẽ không cấp phép các chương trình liên kết mà cơ quan báo chí phải tự chịu trách nhiệm đối với các chương trình mà mình liên kết. Với vai trò cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, phát thanh-truyền hình, Bộ TT&TT sẽ tiến hành việc hậu kiểm và xử lý các sai phạm khi cơ quan báo chí có vi phạm. Cũng như xuất bản hiện nay, chúng ta không kiểm duyệt trước nội và các nội dung liên kết nhưng sẽ xử phạt nếu các NXB có sai phạm. Điều này một mặt vừa nâng cao năng lực tự chủ nhưng đồng thời cũng nâng cao trách nhiệm của các cơ quan báo chí đối với các chương trình liên kết.

Tỷ lệ kênh chương trình nước ngoài không được vượt quá 30%

Đối với kênh chương trình nước ngoài trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền, quy định trong Nghị định đã thể chế hóa định hướng quản lý nội dung chương trình theo Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. 

Cụ thể, quy định cơ cấu tỷ lệ kênh chương trình nước ngoài trên tổng số kênh chương trình khai thác trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền của doanh nghiệp không vượt quá 30%. Đây là quy định mới vừa tạo điều kiện cho kênh chương trình nước ngoài được tham gia vào hệ thống dịch vụ phát thanh truyền hình trả tiền, vừa tạo động lực thúc đẩy công nghiệp sản xuất nội dung chương trình trong nước. 

Bên cạnh đó, Điều 29 của Nghị định cũng đã mở rộng đối tượng được thu xem kênh truyền hình nước ngoài trực tiếp từ vệ tinh để đáp ứng nhu cầu của khách quốc tế đến Việt Nam du lịch ngày càng tăng.

Giải thích lý do vì sao phải quy định khống chế tỷ lệ % kênh chương trình nước ngoài, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh: Việt Nam không bảo hộ chương trình trong nước. Tuy nhiên, chúng ta sẽ tạo điều kiện để các kênh trong nước phát triển. Quy định tỷ lệ 30-70% là theo đề án quy hoạch báo chí đã được công khai và tỷ lệ này cũng đang được nhiều quốc gia áp dụng. Bởi lẽ, cũng giống như các quốc gia khác, chúng ta không thể để kênh truyền hình nước ngoài tràn lan, để ảnh hưởng quá lớn đến thuần phong mỹ tục và lợi ích quốc gia.

Huyền Thanh
.
.
.