TPP không phải là quà tặng của người hảo tâm
Cho đến nay, TPP đã có 12 nước đã tham gia và đang thỏa thuận trở thành thành viên. Ngoại trừ 4 nước sáng lập gồm: Brunei, Chile, Singapore, New Zealand (tháng 6/2005), 8 nước đang đàm phán gồm: Hoa Kỳ, Australia, Peru, Việt Nam, Malaysia, Mexico, Canada, Nhật Bản. Hiệp định này có phạm vi điều chỉnh khá rộng, bao quát nhiều khía cạnh, bao gồm: trao đổi hàng hóa, các quy định về xuất xứ, rào cản kỹ thuật, trao đổi dịch vụ, vấn đề sở hữu trí tuệ, các chính sách của nhà nước về doanh nghiệp, môi trường, quyền của người lao động, chống tham nhũng...
Thế nhưng, cũng như trước đây, một số cá nhân, tổ chức hành nghề chống Cộng ở nước ngoài và những ông nghị, bà nghị Hoa Kỳ, vốn kỳ thị với Việt Nam đã, đang tìm cách cản trở Việt Nam tham gia TPP. Có kẻ viết thư cho Ngoại trưởng Hoa Kỳ trước chuyến đi của ông đến nhiều nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, vu cáo: “Tình hình nhân quyền ở nước chúng tôi đang ngày càng xấu đi một cách nghiêm trọng, mặc dầu họ đã có lời cam kết để được vào Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc”.
Một số nghị sỹ Hoa Kỳ vốn là những người kỳ thị với Việt Nam, vu cáo Việt Nam: “Chính phủ Việt Nam vẫn đàn áp các tiếng nói đối lập với nhà nước bằng cách sách nhiễu, đe dọa và bắt bớ các nhà đấu tranh dân chủ. Các nhà hoạt động bị giam cầm thường bị tra tấn, không được hỗ trợ pháp lý và không được gặp người thân…”. Họ đòi ông John Kery “Cần ưu tiên vấn đề nhân quyền trong các cuộc thảo luận với giới lãnh đạo Việt Nam, yêu cầu Hà Nội phải cải thiện tình trạng nhân quyền…”. Ở trong nước, có kẻ trong dịp này còn nhờ cậy ông John Kery đặt điều kiện Việt Nam phải trả tự do cho những “tù nhân lương tâm”, đòi xóa bỏ các Điều 88, 258 trong Bộ luật Hình sự 1999… mới chấp nhận Việt Nam tham gia TPP!
Thật đáng buồn cho những nhà “dân chủ, nhân quyền mạng” đã thiếu hụt về trí tuệ, lấy mong muốn thay cho thực tế. Ngày nay, quan hệ kinh tế quốc tế đâu còn theo cơ chế “xin – cho” mà ra điều kiện với Việt Nam. Quan hệ hợp tác giữa các quốc gia chỉ có thể phát triển trên cơ sở tôn trọng độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, hai bên cùng có lợi. Quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ cũng dựa trên nguyên tắc này. Cho đến nay, quan hệ hai nước đã có những bước phát triển vững chắc. Sự kiện Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống B. Obama, đã ra tuyên bố xác lập quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ (trong chuyến thăm Hoa Kỳ, tháng 7-2013), xác định nguyên tắc, phương hướng hợp tác trên 9 lĩnh vực cụ thể gồm: Chính trị và ngoại giao, kinh tế và thương mại, khoa học và công nghệ, giáo dục, môi trường và y tế, các vấn đề hậu quả chiến tranh, quốc phòng và an ninh, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, văn hóa, du lịch và thể thao,... Chuyến công tác của Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đến Việt Nam vừa qua là nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện đã được Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang công bố hồi tháng bảy. Trong chuyến thăm này, hai bên đã bày tỏ thiện chí, phát triển quan hệ sẵn có lên một bước mới, trong đó có những nội dung cụ thể, liên quan đến xây dựng năng lực hàng hải; hợp tác kinh tế; các vấn đề biến đổi khí hậu và môi trường; hợp tác giáo dục và thúc đẩy tôn trọng quyền con người.
Tham gia TPP, các quốc gia đều mong hóa giải được những khó khăn của mình. Việt Nam và Mỹ cũng không ngoài mong muốn đó.
Như các hãng thông tấn, báo chí nước ngoài cho biết: Mặc dù là nền kinh tế lớn nhất thế giới song Hoa Kỳ, các tập đoàn lớn của quốc gia này đang đứng trước những thách thức lớn trong cạnh tranh quốc tế, nhất là với Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Năm 2012, mức thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc đã lên mức kỷ lục 315 tỷ USD- Trung Quốc - Mỹ thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại Theo VOV Thứ sáu 20/12/2013 . Tham gia TPP, Hoa Kỳ sẽ có cơ hội giảm thiểu cán cân thương mại này bằng cách mở rộng các quan hệ kinh tế với các quốc gia TPP. Đối với Việt Nam, tham gia TPP, không chỉ có thuận lợi, do năng xuất lao động còn rất thấp (trừ thủy, hải sản). Với thuế xuất về 0% các doanh nghiệp của Việt Nam chưa thể đủ sức để cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. Về khách quan, TPP chỉ góp thêm một cơ hội để Việt Nam giải quyết những vấn đề nội tại của mình. Những khó khăn, thách thức của Việt Nam hiện nay như thiếu nguyên liệu dệt may, giầy da, mất thị trường xuất khẩu thủy, hải sản… và nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế sẽ được tính đến khi tham gia TPP. Tất nhiên, điều này phải do chúng ta tự giải quyết, không thể trông chờ vào áp lực từ bên ngoài. Càng không thể trông cậy vào “hảo tâm” của các đối tác, kể cả đối với Hoa Kỳ. Tuy nhiên với Việt Nam, đây không chỉ là thách thức, mà còn là cơ hội để Việt Nam vươn lên.
Được biết, trong các cuộc tọa đàm giữa Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam và Ngoại trưởng Hoa Kỳ, hai bên đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình. Việt Nam đề nghị Hoa Kỳ rỡ bỏ những rào cản thuế quan không công bằng đối với hàng hóa Việt Nam, chấp nhận những bước đi của một quốc gia đang phát triển đối với những tiêu chuẩn cao của TPP. Trên lĩnh vực quyền con người, Việt Nam không phủ nhận rằng về quan điểm và thực tiễn pháp lý giữa Việt Nam và Hoa Kỳ còn có sự khác biệt nào đó, song hai bên vẫn đang đối thoại nghiêm túc nhằm thu hẹp dần khoảng cách. Những ai nghĩ rằng để được Hoa Kỳ chấp nhận trở thành thành viên TPP, Việt Nam phải thay đổi chế độ xã hội, pháp luật Quốc gia chỉ là một ảo tưởng ngây thơ. Không một quốc gia nào lại từ bỏ chế độ xã hội, giá trị của dân tộc vì lợi ích kinh tế. Hơn nữa, trở thành thành viên TPP đâu phải là quà tặng (miễn phí) của người hảo tâm!