Sự thật về Tu viện Bát Nhã (Bảo Lộc)

Thứ Hai, 19/10/2009, 08:45
Thời gian vừa qua, một số diễn biến xảy ra ở Tu viện Bát Nhã, thị xã Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng đã gây chú ý cho công luận - nhất là bà con phật tử. Bên cạnh đó, nhằm mục đích chống phá, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, trên những trang web của những nhóm người Việt chống Cộng cực đoan ở hải ngoại, cùng một số cá nhân cơ hội, bất mãn trong nước, đã không ngừng thổi phồng và xuyên tạc vấn đề, gây ra không ít hoang mang cho người chưa hiểu rõ bản chất của vấn đề.

Để làm sáng tỏ sự thật, phóng viên Chuyên đề ANTG đã tìm đến Tu viện Bát Nhã và chùa Phước Huệ, thị xã Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng...        

Khi chiếc xe khách thả chúng tôi xuống thị xã Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng thì cũng là lúc có tin một đoàn ngoại giao nước ngoài tại TP HCM vừa lên làm việc với các ngành chức năng tỉnh Lâm Đồng về vấn đề Tu viện Bát Nhã. Nếu đúng như thế thì phải công nhận rằng mấy ngài ngoại quốc này cũng nhanh nhạy thật. Chắc hẳn là trước khi đi, các ngài ấy đã kịp đọc qua những thông tin về vụ Bát Nhã - được tung lên mạng Internet như  tung giấy vàng mã: Nào là công an nổi, công an chìm bao vây kín thị xã Bảo Lộc, khách lạ lớ ngớ mò đến thì bị "hốt cốt" ngay. Nào là công an giả dạng côn đồ, đánh quý thầy, quý cô đang tu tập theo Pháp môn Làng Mai ở Tu viện Bát Nhã đến tóe máu, nào là chính quyền cắt điện, cắt nước, trục xuất, xua đuổi khiến cả trăm tu sinh phải chạy qua "tị nạn" ở chùa Phước Huệ, v.v và v.v...

Thế nhưng, những gì diễn ra trước mắt chúng tôi lại trái ngược hẳn. Thị xã Bảo Lộc người, xe vẫn tấp nập, mấy chiếc ôtô du lịch vẫn không ngừng đổ khách xuống một quán trà ven đường, để khách có thời gian thưởng thức miễn phí ly trà thơm ngát, nóng hổi. Trong một quán cơm, do các bàn đều có người ngồi nên chúng tôi phải ngồi chung với bốn người khác mà khi hỏi ra, mới biết họ đều là dân sống ở xã Đại Lào gần đó.

Một ông trạc tuổi 40, tên Trần Văn Thanh, nói: "Làm gì có chuyện công an bao vây kín đường, cấm không cho ai ra vào tu viện. Mấy anh có muốn đi, tui kêu xe ôm chở đi. Đi vô tư, đi thoải mái...".

Hỏi thêm về chuyện xô xát, ông Thanh cho biết: "Mấy ông tu trẻ ở chùa Bát Nhã và mấy ông tu theo ông Thích Nhất Hạnh mâu thuẫn nhau. Lòng trần chưa dứt, không bên nào chịu kiềm chế nên xảy ra va chạm chứ công an nào dám đánh một lần cả trăm người". Bà chủ quán cơm vừa đưa phiếu tính tiền, vừa cười cười: "Vợ chồng tui đều theo đạo Phật. Rằm nào tui và ổng lại không vô chùa Bát Nhã. Ai nói công an đánh người là nói bậy".

Ra khỏi quán cơm, chúng tôi nhờ ông Thanh gọi dùm hai chiếc xe ôm. Nằm cách thị xã Bảo Lộc khoảng 15km, và cách thác Dam B'ri khoảng 2km, Tu viện Bát Nhã được Thượng tọa Thích Đức Nghi thành lập vào năm 1995 với diện tích khoảng hơn 20 hécta. Phải thừa nhận phong cảnh nơi đây thật thần tiên với những đồi trà san sát, với hai con suối nước chảy róc rách.

Một vị sư mà chúng tôi gặp gỡ lúc đang vun xới mấy luống hoa, cho biết: "Khởi đầu, chính điện của Tu viện chỉ là một ngôi nhà nhỏ. Về sau, khi xây xong, ngôi nhà ấy được dùng làm nhà trẻ và lớp mẫu giáo cho con em đồng bào nghèo trong vùng". Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết vị sư trị sự đầu tiên của Tu viện là Thượng tọa Thích Đồng Quang - một đại đệ tử của Thượng tọa Đức Nghi, đã có công rất lớn trong việc phát triển Tu viện. Tất cả những tăng ni tại Tu viện Bát Nhã mà chúng tôi gặp gỡ, đều chung nhận định, rằng: "Thầy Đồng Quang là người đạo hạnh, được bà con trong vùng - không riêng gì bà con Phật tử - kính mến". 

Tháng 2/2005, trong chuyến về Việt Nam lần đầu tiên của Sư ông Thích Nhất Hạnh, Thượng tọa Đức Nghi đã cúng dường Tu viện Bát Nhã cho Sư ông Thích Nhất Hạnh để xây dựng Bát Nhã thành một trung tâm tu học theo Pháp môn Làng Mai tại Việt Nam. Tháng 5/2005, "xóm" Bếp lửa hồng được thành lập, làm nơi tu tập cho các sư cô. Tháng 10/2005, "xóm" Rừng phương bối ra đời, làm nơi tu tập cho các sư ông. Đến năm 2007, xuất hiện thêm "xóm" Mây đầu núi, với số tu sinh lên đến hơn 400 người.

Vài nét về pháp môn làng mai

Trước khi nói tiếp chuyện Tu viện Bát Nhã, thì cũng cần nhắc sơ qua người đã khai sinh ra Pháp môn Làng Mai, rồi đưa về Bảo Lộc để tu sinh tu tập: Đó là Sư ông Thích Nhất Hạnh. Chào đời ngày 11/10/1926 tại Thừa Thiên - Huế, Sư ông Thích Nhất Hạnh có thế danh là Nguyễn Xuân Bảo. Năm 16 tuổi, ông xuất gia vào tu tại chùa Từ Hiếu, Huế. Sau khi tốt nghiệp Viện Phật học Bảo quốc, ông theo phái tu thiền rồi trở thành thiền sư.

Năm 1966, ông bị chính quyền Sài Gòn buộc phải rời miền Nam Việt Nam. Sang Pháp, đầu năm 1982, ông thành lập Tu viện Làng Mai ở vùng Dordogne, miền Nam nước Pháp (còn gọi là Đạo tràng Mai thôn). Trong suốt thời gian ở nước ngoài, Sư ông Thích Nhất Hạnh đã đi thuyết giảng ở nhiều nơi, tổ chức nhiều khóa tu tập và trở thành một nhân vật tôn giáo có uy tín quốc tế.

Cổng vào Tu viện Bát Nhã

Sau ngày đất nước thống nhất, từ năm 1997 đến 2003, Sư ông Thích Nhất Hạnh nhiều lần đặt vấn đề trở lại Việt Nam để hoạt động tôn giáo - nhưng ông lại không muốn thông qua Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN). Mãi đến năm 2004, khi thấy có cơ hội ông mới về theo lời mời của GHPGVN, và được Nhà nước đồng ý.

Ngày 12/1/2005, Sư ông Thích Nhất Hạnh cùng một đoàn gồm 190 người  với gần 30 quốc tịch khác nhau, xuống Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất. Mục đích của chuyến đi này được ông giới thiệu, là thuần túy hoạt động tôn giáo, thăm các công trình Phật giáo, thăm các danh thắng văn hóa, lịch sử ở khắp ba miền Bắc, Trung, Nam, tổ chức các lễ nghi tôn giáo. Vẫn theo ông, chuyến đi ấy tuyệt nhiên không đề cập đến các vấn đề chính trị, cũng như không đề cập đến cái gọi là "Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất" - là tổ chức không được pháp luật Việt Nam thừa nhận.

Ngày 11/4/2005, đoàn Sư ông Thích Nhất Hạnh rời Việt Nam. Trong suốt 90 ngày, ông cùng đoàn đã được Nhà nước Việt Nam, GHPGVN tạo mọi điều kiện thuận lợi, để tận mắt nhìn thấy, tận tai nghe thấy không khí sinh hoạt tôn giáo - đặc biệt là Phật giáo. Những phát biểu công khai của Sư ông Thích Nhất Hạnh thời điểm ấy đã tác động tích cực đến dư luận người Việt hải ngoại, tạo ra những quan hệ thuận lợi giữa Làng Mai và GHPGVN.

Tuy nhiên, có điều phía sau lưng mà ít ai biết, là thông qua chuyến về Việt Nam, Sư ông Thích Nhất Hạnh có ý tranh thủ Nhà nước, tranh thủ GHPGVN để tạo chỗ đứng cho Pháp môn Làng Mai. Hơn nữa, ý đồ chính trị của ông còn được thể hiện khi ông trao cho lãnh đạo Nhà nước Việt Nam bản kiến nghị 7 điểm.

Để tạo chỗ đứng cho Pháp môn Làng Mai ở Việt Nam, sau chuyến về nước lần thứ nhất, Sư ông Thích Nhất Hạnh thường xuyên cử người về dưới danh nghĩa thăm thân nhân, du lịch, để giảng dạy và hướng dẫn các khóa tu thiền cho các tu sinh tại nhiều cơ sở trong nước. Bên cạnh đó, để thu phục giới trẻ, Sư ông Thích Nhất Hạnh đặt ra một chương trình, gọi là "Hiểu và Thương". Chỉ trong 3 năm, "Hiểu và Thương" đã quy tụ được vài trăm thanh, thiếu niên, với 60 người tham gia giảng dạy.

Và những ý đồ của sư ông Thích Nhất Hạnh

Ngày 20/2/2007, Sư ông Thích Nhất Hạnh cùng đoàn gồm 150 người với gần 30 quốc tịch khác nhau về Việt Nam lần thứ hai. Lần này, ý đồ mượn tôn giáo để làm chính trị của ông bắt đầu thể hiện rõ nét qua việc ông tổ chức "trai đàn chẩn tế" ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Lợi dụng GHPGVN, Sư ông Thích Nhất Hạnh cho phát tán tài liệu, đề cao, khuếch trương Pháp môn tu tập Làng Mai, phủ nhận những đóng góp rất nhiệt tình và tích cực của GHPGVN trong việc tổ chức "trai đàn chẩn tế", cứ y như không có ông, thì "trai đàn" chẳng bao giờ được hình thành.

Có lẽ ai đã xem hình ảnh Sư ông Thích Nhất Hạnh xuất hiện tại các "trai đàn chẩn tế" trên báo chí, truyền hình, hoặc xem trực tiếp, cũng đều thấy chướng. Chỉ là một "thiền sư", đứng đầu một môn phái, mà ông đi dưới lọng vàng, cạnh ông là sư nữ Thích Nữ Chân Không - y như vua và hoàng hậu! Thiên hạ đồn rằng ông với bà Chân Không có “quan hệ” rất gần gũi, chẳng biết thật hay không, nhưng năm 2006, khi một phái đoàn của GHPGVN sang Pháp, thăm Làng Mai, đã phải gửi Sư ông Thích Nhất Hạnh một bức thư, trong đó đề nghị: "Xin sư ông về ở với tăng, sư nữ Chân Không về ở với ni để tránh dư luận".

Và mặc dù ông tuyên bố không can thiệp, không phát biểu những vấn đề liên quan đến chính trị, nhưng khi được lãnh đạo Nhà nước Việt Nam tiếp kiến, Sư ông Thích Nhất Hạnh liền đưa ra đề nghị 10 điểm, trong đó có những điểm như: "Đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam, giải thể Ban Tôn giáo chính phủ...". Nhìn nét mặt tự mãn của ông, hầu hết  tăng ni thuộc GHPGVN - xưa kia vẫn kính nể ông qua những cuốn sách ông đã viết, như “Đường xưa mây trắng”, "Nói với tuổi hai mươi", "Bông hồng cài áo", "Nẻo về của Ý", hoặc những bài thuyết giảng của ông ở Trường đại học Vạn Hạnh bao nhiêu thì bây giờ, tăng, ni lại càng cảm thấy thất vọng về ông bấy nhiêu, nhất là khi ông tuyên bố: "Pháp môn Làng Mai tự bổ nhiệm truyền giới, tấn phong, bầu trụ trì, viện chủ, phó viện chủ mới mà không cần phải thông qua Nhà nước và GHPGVN".

Sau khi được lãnh đạo Nhà nước Việt Nam giải thích thỏa đáng về kiến nghị 10 điểm do Sư ông Thích Nhất Hạnh đưa ra, ngày 9/5/2007, Sư ông Thích Nhất Hạnh cùng đoàn tăng thân Làng Mai rời Việt Nam, về Pháp. Trước lúc lên máy bay, ông công khai tuyên bố, khẳng định "Pháp môn Làng Mai là một giáo hội độc lập với GHPGVN, việc nội bộ của Làng Mai không thuộc thẩm quyền của Nhà nước và GHPGVN". Ôi trời! Ông đưa người của ông vào nhà người ta, ông  quây lấy một góc, nấu nướng, ăn uống, ngủ nghê, tắm giặt... rồi ông bảo "góc" của ông là góc độc lập, chuyện sinh hoạt của ông là chuyện "nội bộ", chủ nhà không có quyền can thiệp thì ai chịu nổi!

Đoàn sư ông Thích Nhất Hạnh lần đầu về Việt Nam

Ngày 22/4/2008, Sư ông Thích Nhất Hạnh về Việt Nam lần thứ ba để tham dự Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc. Cùng đi với ông là 450 người, gồm 41 quốc tịch. Lần này, ông công khai tổ chức nhiều khóa tu tập tại chùa Bằng, Hà Nội, Tu viện Bát Nhã, Lâm Đồng. Điều đáng nói là trước lúc về, Sư ông Thích Nhất Hạnh cho tán phát "Lá thư Làng Mai số 31", nội dung nêu ra những vấn đề không đúng sự thật về tình hình Việt Nam, đồng thời bộc lộ ý đồ xin lại ngôi chùa cũ, là nơi xưa kia ông ta tu hành. Lúc ấy, vì chưa nhận ra chân tướng của Sư ông Thích Nhất Hạnh, nên Thượng tọa Thích Đức Nghi, trụ trì Tu viện Bát Nhã đã đồng ý cho Sư ông Thích Nhất Hạnh dùng Tu viện Bát Nhã làm nơi tu tập Pháp môn Làng Mai, đồng thời ký đơn bảo lãnh cho gần 400 tu sinh đăng ký tạm trú với chính quyền.

Sự thật về những chuyện xảy ra ở Tu viện Bát Nhã

Được sự bảo lãnh của Thượng tọa Đức Nghi, số tăng sinh tu tập theo Pháp môn Làng Mai tại Tu viện Bát Nhã từ năm 2005 đến tháng 6/2009, khoảng 400 người - trong đó có một số Giáo thọ là người quốc tịch nước ngoài, và hơn 2/3 là những người từ các địa phương khác đến.

Để tạo thuận lợi cho tu sinh, Tu viện Bát Nhã đã đồng ý cho tu sinh thành lập những "xóm", gọi là "Mây đầu núi", "Bếp lửa hồng", "Rừng phương bối"... Tại những "xóm" này, mọi sinh hoạt riêng tư đều được tôn trọng mặc dù Nhà nước Việt Nam chỉ công nhận khóa tu theo Pháp môn Làng Mai, chứ chưa công nhận Giáo hội Làng Mai - Pháp quốc tại Việt Nam. Riêng GHPGVN, Hòa thượng Thích Hiển Pháp - là Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký, Trưởng ban Phật giáo quốc tế Trung ương Giáo hội, chỉ ký cho phép tổ chức khóa tu theo giới hạn của từng khóa tu là 3 tháng, hết hạn phải xin phép tổ chức lại, chứ không phải đến năm 2010 như Pháp môn Làng Mai đã tuyên truyền.

(Xem tiếp ANTG số 902, thứ Tư ra ngày 21/10/2009)

Nhóm PV Thời sự - An ninh thế giới số 901
.
.
.