Sự dịch chuyển quan niệm quyền được nghỉ ngơi

Thứ Sáu, 01/05/2015, 09:52
Trước đây, khi hướng về Ngày quốc tế Lao động (1/5), vấn đề chủ yếu được nhắc đến là quyền được nghỉ ngơi (trong lịch sử, các cuộc biểu tình của công nhân ở bất cứ đâu trên thế giới về cơ bản cũng chung mục đích đòi tăng lương và được nghỉ ngơi, giảm giờ làm). 

Người lao động nhiều nơi đấu tranh để được nghỉ hưu sớm thay cho phải làm việc khi đã quá tuổi, quá điều kiện sức khỏe.Ngày nay, mục đích này vẫn là cốt lõi nhưng đang có sự dịch chuyển ở một bộ phận người lao động khi có chung nguyện vọng được kéo dài thời gian lao động so các quy định luật pháp hiện hành. Nói cách khác là nhu cầu được kéo dài thời gian làm việc, lùi tuổi nghỉ hưu, cùng với đó là tăng thời gian đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng các quyền lợi này là một sự dịch chuyển trong quan niệm quyền được nghỉ ngơi.

Điều này có nguyên do khách quan khi điều kiện sống người Việt Nam đã nâng lên nhiều so với trước, cùng với đó là tăng tuổi thọ bình quân.

Nếu như trước năm 1990, tuổi thọ bình quân chỉ là 60 (tức ngang bằng với tuổi nghỉ hưu của nam giới) thì ngày nay tuổi thọ bình quân đã là 75. Đặc biệt, chế độ dinh dưỡng bảo đảm khiến ở độ tuổi mà trước đây gọi là “ông cụ” thì nay vẫn đủ sức khỏe để làm việc, cống hiến, thậm chí nhiều người ví “vẫn như thanh niên”! Chưa kể, trong điều kiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, việc người lao động đang có sức  khỏe phải nghỉ hưu khiến họ bị hụt hẫng cả về tâm lý và môi trường.

Nghiên cứu trong hai lĩnh vực lao động (lao động cơ bắp và lao động trí óc, văn phòng) thì xu hướng nâng tuổi nghỉ hưu tập trung ở nhóm lao động trí óc, văn phòng. Việc kéo dài tuổi nghỉ hưu cũng được cho là sẽ giúp cân đối quỹ bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, điều khiến các nhà làm luật phân vân là nếu nâng tuổi nghỉ hưu lên cao cũng giống như chiếc bập bênh, sẽ khiến đầu vào là lớp trẻ bị chậm lại.

Khi sửa đổi Bộ luật Lao động, vấn đề tăng hay giữ tuổi nghỉ hưu kéo theo hai luồng ý kiến “bên tám lạng, bên nửa cân”. Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng nên giữ tuổi nghỉ hưu như hiện hành (nam 60, nữ 55) trong khi luồng ý kiến thứ hai đề nghị nâng tuổi nghỉ hưu cả nam và nữ lên tối đa 5 năm (nam 65, nữ 60). Một số ý kiến khác đề nghị nếu chốt ở ngưỡng tuổi 60 thì nam và nữ cần bình đẳng, nghĩa là nữ cũng 60 tuổi. Sau rất nhiều tranh luận, Bộ luật Lao động chốt lại với không nhiều thay đổi: nam 60, nữ 55.

Người lao động có nhu cầu kéo dài tuổi nghỉ hưu. Ảnh: CTV.

Tuy nhiên, tại khoản 3, Điều 187 quy định điểm mở: “Người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp khác có thể nghỉ hưu ở độ tuổi cao hơn nhưng không quá 5 năm so với quy định tại khoản 1 Điều này”. Trong các trường hợp được nâng tuổi nghỉ hưu tối đa thêm 5 năm thì “người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao” được quy định bao gồm những người trực tiếp làm công tác nghiên cứu ở các cơ quan Đảng, Nhà nước được hưởng các mức lương trong bảng lương chuyên gia cao cấp (8,80; 9,40; 10,00); những người có học vị tiến sĩ làm việc theo đúng chuyên ngành đào tạo, những người có chức danh giáo sư, phó giáo sư đang trực tiếp nghiên cứu, giảng dạy tại các học viện và các trường đại học theo đúng chuyên ngành được đào tạo; những người có tài năng được cơ quan, đơn vị, xã hội thừa nhận thuộc các ngành khoa học, công nghệ, nghệ thuật, y tế, giáo dục-đào tạo. Cùng với đó, việc bổ sung “người lao động làm công tác quản lý” cũng là cửa mở để bổ sung tuổi nghỉ hưu cho những diện khác bởi khái niệm này là khá rộng.

Trên thế giới, xu hướng kéo dài tuổi hưu diễn ra chủ yếu ở các nước có nền kinh tế phát triển. Tại Nhật Bản, tuổi nghỉ hưu là 60 và các nhà làm luật ở nước này hy vọng nâng tuổi nghỉ hưu lên 65 vào năm 2025. Ở Anh, theo quy định cũ, tuổi nghỉ hưu mặc định là 65 nhưng độ tuổi này đang có xu hướng tăng thêm.

Ở Mỹ, trong suốt nhiều năm, luật quy định độ tuổi nghỉ hưu thông thường là 65 tuổi. Tuy nhiên, bắt đầu từ những người sinh năm 1938 trở về sau, độ tuổi nghỉ hưu dần tăng lên và những người sinh sau năm 1959, tuổi nghỉ hưu là 67 tuổi.

Ở Pháp, theo quy định chung của luật, người lao động buộc phải nghỉ hưu ở tuổi 67 hoặc có thể bắt đầu nghỉ hưu ở tuổi 62 nếu đã làm việc được 41 năm. Tuy nhiên, các nước trong khu vực không có nhiều thay đổi so với Việt Nam.

Tại Lào, năm 2006, Bộ luật đã được sửa đổi, nam có tuổi nghỉ hưu 60. Điều 54, Luật Công chức Dân sự của Campuchia quy định tuổi nghỉ hưu của cả nam và nữ công chức là 55 tuổi với điều kiện đã phục vụ nhà nước 30 năm. Tuy nhiên gần đây luật này đã thay đổi và quy định công chức nghỉ hưu ở tuổi 60. Riêng đối với các lãnh đạo cấp cao (từ Quốc Vụ khanh - tương đương Thứ trưởng – trở lên) thì không giới hạn tuổi nghỉ hưu.

Tại Trung Quốc, chính sách về tuổi nghỉ hưu ban hành năm 1951, theo đó tuổi nghỉ hưu của nam là 60 và nữ là 50. Qua các lần bổ sung sửa đổi, hiện nay, tuổi nghỉ hưu đối với nam là 60 và nữ là 55.

Xem như vậy thì việc kéo dài tuổi nghỉ hưu trên 60 cũng là một xu hướng của những nước có điều kiện phát triển về kinh tế và dân số già. Trong khi đó, những kiến nghị về việc đảm bảo bình đẳng nam nữ lao động và nghỉ hưu ngang nhau là thiếu cơ sở. Nam nữ bình đẳng nhưng không có nghĩa cào bằng, làm việc như nhau và nghỉ hưu như nhau.

Dưới góc độ của khoa học an toàn vệ sinh lao động, các nghiên cứu về giải phẫu, nhân trắc, sinh lý và cơ sinh trên người Việt Nam cho thấy tầm vóc, thể lực, sức mạnh của nữ giới người Việt Nam cũng giống như các tộc người khác trên thế giới, chỉ bằng 75 - 80% nam giới. Các nghiên cứu về sinh lý lao động còn cho thấy trung bình khả năng lao động thể lực của phụ nữ thường thấp hơn 25 - 30% so với nam giới ở cùng lứa tuổi. Do đó, quan niệm “cào bằng” tuổi hưu là mới chỉ nhìn nhận về tính bình đẳng giới ở mặt nổi và từ lợi ích của việc kéo dài chứ chưa nhìn về chiều sâu bản chất vấn đề. 

Đăng Minh
.
.
.