Sẽ áp dụng thí điểm Quy chế tài chính đặc biệt cho các trường Quốc tế

Thứ Năm, 22/06/2017, 21:53

Sáng 22-6, Đoàn công tác của Chính Phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đã có buổi làm việc với Trường Đại học Việt Đức. 


Tham gia buổi làm việc của Thủ tướng có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, Ngài Andreas Siegel- Tổng lãnh sự Đại sứ quán Đức tại Việt Nam, ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cùng lãnh đạo các Bộ, ngành TW và địa phương.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ghi nhận thành tựu của nhà trường sau 9 năm xây dựng và phát triển. Theo Thủ tướng, dù còn đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, nhưng bằng sự quyết tâm, đồng hành của Chính phủ Đức, Trường Đại học Việt Đức thật sự đã có sự nỗ lực phấn đấu, tạo nên dấu ấn và niềm tin xã hội trong công tác đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Tại buổi làm việc, TS Hà Thúc Viên- Phó hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Việt Đức đã trình bày quá trình xây dựng và phát triển của nhà trường 9 năm qua với Đoàn công tác cấp cao của Thủ tướng.

Theo đó, dù mới chỉ xây dựng được 9 năm theo sự hợp tác giữa hai chính phủ CHLB Đức và Việt Nam nhưng đến nay Trường Đại học Việt Đức đã có 11 trên tổng số 23 chương trình ngành đào tạo dự kiến, với hơn 1600 sinh viên (đã ra trường 250 SV). 

Định hướng của trường từ nay đến năm 2020 là phát triển thành trung tâm đào tạo và nghiên cứu xuất sắc theo tiêu chuẩn giáo dục của CHLB Đức. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu

Hiện nay, ngoài tỉ lệ SV tốt nghiệp sau 6 tháng có việc làm ngay đạt 84% thì chỉ số Nghiên cứu khoa học của GV và SV, chỉ số SV học lên Cao học của nhà trường cũng tăng rõ rệt. Ngoài ra, chương trình đào tạo các ngành học của trường hiện nay hoàn toàn đạt chuẩn quốc tế và được công nhận kiểm định. 

Số chương trình thuộc các chương trình đào tạo tốt, uy tín của các trường đại học có tiếng tại Đức là rất cao. Tuy nhiên, theo TS Hà Thúc Viên, hiện trường vẫn đang gặp một số khó khăn cần được Bộ GD&ĐT cùng Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ. Trong đó có vấn đề là, Trường vẫn chưa có Hiệp định ký kết giữa Việt Nam và CHLB Đức Chính phủ về dự án Đại học Việt Đức mà tất cả mới chỉ là Nghị định thư giữa hai bên. Vì vậy, nhà trường mong muốn Thủ tướng sớm thúc đẩy vấn đề này. 

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ gặp gỡ và nói chuyện với sinh viên Trường đại học Việt Đức

Trường Đại học Việt Đức cũng  muốn Thủ tướng sớm có chỉ đạo ban hành Cơ chế tài chính đặc thù mới thay thế cho quyết định 303 để giúp trường linh hoạt hơn trong các kế hoạch tài chính.

Ghi nhận sự cố gắng của cả tập thể đội ngũ CB, GV của Trường Việt Đức khi đã vượt qua giai đoạn khó khăn ban đầu (khó khăn về tài chính) để kiên định và giữ vững hướng đi chất lượng trong đào tạo, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng: Trường đã và đang làm rất tốt nhiệm vụ cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương khi ngoài việc xây dựng được mô hình đào tạo chuẩn, trường còn đúng đắn trong mục tiêu đào tạo khi không tuyển sinh ào ạt, hạ thấp chuẩn đầu vào. 

Để xây dựng được một trường đại học theo mô hình mới, đặc biệt, đạt chuẩn Châu Âu là rất khó khăn. Vì thế Bộ GD&ĐT cũng hết sức trăn trở với những khó khăn vừa qua của trường. Theo Bộ trưởng, bản thân Trường Đại học Việt Đức là một trường khá đặc biệt, vì đứng sau lưng nó là 36 trường đại học hàng đầu của CHLB Đức. 

Trong đó, hướng đi của các trường này là tập trung vào các ngành công nghệ mũi nhọn, công nghệ cao và tập trung cho vấn đề chất lượng. Vì vậy, có một trường đại học chuẩn Châu Âu ngay tại khu vực được xem là năng động nhất về phát triển KT-XH của khu vực Đông Nam Bộ là điều hết sức đáng mừng. 

Bộ trưởng gặp gỡ và nói chuyện với đại diện Bang Hessen.

Việc hỗ trợ của Chính phủ hai bên cho trường những năm qua Bộ trưởng đánh giá là tiền đề tốt để trường ổn định, xây dựng các chính sách phát triển dài hạn. Tuy nhiên, theo ông, chính việc hỗ trợ của Đức cho Việt Nam bằng việc đưa các chuyên gia, bằng nguồn chất xám của các nhà khoa học mới là điểm nhấn, điểm mấu chốt cho việc định hình chất lượng đào tạo hiện nay của nhà trường. 

Do đó, để đẩy mạnh hơn nữa công tác đào tạo nhân lực chất lượng cao, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng trước hết nhà trường cần xác định lại rõ cơ cấu, ngành nghề đào tạo theo hướng gắn thế mạnh của các trường đại học Đức với nhu cầu địa phương cũng như đẩy mạnh việc tự chủ. Bởi, không có một trường đại học nào có thể phát triển bền vững, đáp ứng tốt nhu cầu cung ứng nguồn nhân lực mà chỉ dựa vào ngân sách của địa phương và Chính phủ.

Về các kiến nghị của Nhà trường. Đặc biệt là kiến nghị giữa hai chính phủ cần sớm có Hiệp định ký kết giữa Việt Nam và CHLB Đức Chính phủ về dự án Đại học Việt Đức Bộ GD&ĐT cũng đã có buổi làm việc với Bang Hessen và Chính phủ CHLB Đức rất kỹ về vấn đề này.Hai bên đều nhất trí ủng hộ và đồng thuận cho vấn đề trên. Sắp tới sau khi thỏa thuận nội bộ bên phía bang Hessen xong, Bộ sẽ sớm có đề nghị với Chính phủ để hoàn tất việc này nhằm để Ngân hàng Thế giới tiếp tục duy trì dự án tài trợ này cho Trường Đại học Việt Đức.

Về kiến nghị Quy chế tài chính, Theo Bộ trưởng Nhạ đây là vấn đề không của riêng trường Đại học Việt Đức mà hai trường đại học Việt Nhật và Việt Pháp cũng gặp phải. Đây là điều Bộ GD&ĐT cũng nhìn thấy. Vì vậy, sắp tới Bộ GD&ĐT sẽ có một quy chế đặc biệt cho các trường quốc tế. 

Trước mắt sẽ cho thí điểm vài trường, và Quy chế này sẽ áp dụng cho các trường quốc tế trong vòng 5 năm, khi các trường dần đi vào ổn định, Bộ GD&ĐT sẽ  báo cáo Thủ tướng để cho các trường hướng đến tự chủ... 

“Quan điểm của Bộ GD&ĐT là hỗ trợ các trường hết mình, trong thẩm quyền cho phép, Bộ sẽ thực hiện. Còn vấn đề gì vượt quá thẩm quyền thì Bộ GD&ĐT sẽ báo cáo Thủ tướng và xin ý kiến”. Bộ trưởng nhấn mạnh.

H.Nga-Tú Anh
.
.
.