Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung 37 luật liên quan đến quy hoạch

Thứ Ba, 20/11/2018, 10:27
Sáng 20/11, với 418 đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, chiếm 86,19% tổng số đại biểu Quốc hội, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung 37 luật có liên quan đến quy hoạch.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung 37 luật có liên quan đến quy hoạch. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, ngày 09-11-2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung 37 luật có liên quan đến quy hoạch và Quốc hội đã thảo luận tại hội trường (lần 2) về dự án Luật này.

Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với nhiều nội dung trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật và dự thảo Luật, đồng thời tiếp tục tham gia đóng góp ý kiến để hoàn thiện dự thảo Luật. Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Về nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai (Điều 6 dự thảo Luật), có ý kiến đề nghị không nên quy định thời kỳ quy hoạch sử dụng đất là 10 năm, nên nghiên cứu quy định ít nhất là 10 năm, có loại 20 năm, 30 năm. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, thời kỳ quy hoạch sử dụng đất quốc gia theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Luật Quy hoạch là 10 năm. Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện là quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành cụ thể hóa quy hoạch tỉnh nên thời kỳ quy hoạch sử dụng đất cấp huyện cũng phải phù hợp với thời kỳ của quy hoạch tỉnh theo Luật Quy hoạch là 10 năm. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cho giữ như quy định tại dự thảo Luật.

Liên quan đến nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Đa dạng sinh học (Điều 10 dự thảo Luật), có ý kiến cho rằng khoản 2 Điều 8 quy định thời kỳ quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia là 10 năm, tầm nhìn 30 năm, việc quy định thời kỳ các quy hoạch 10 năm sẽ gây ra xáo trộn và thiếu ổn định, rất khó cho người dân và các doanh nghiệp lên kế hoạch dài hạn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia là quy hoạch ngành quốc gia nên việc quy định tầm nhìn quy hoạch phải tuân thủ theo quy định về thời kỳ quy hoạch tại khoản 2 Điều 8 Luật Quy hoạch. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cho giữ như quy định tại dự thảo Luật.

Đối với nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng, sau khi xem xét toàn diện và trên cơ sở kết quả lấy phiếu xin ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu và chỉnh lý khoản 2 Điều 28 dự thảo Luật (sửa đổi Điều 13 Luật Xây dựng) theo hướng không tiếp tục lập Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh (Quy hoạch xây dựng tỉnh) mà tích hợp nội dung này vào Quy hoạch tỉnh để bảo đảm không trái với các nguyên tắc xây dựng Luật và tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống quy hoạch. Các loại quy hoạch khác còn lại trong quy hoạch xây dựng (thuộc phụ lục 2 của Luật Quy hoạch) như quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch xây dựng khu chức năng, quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn tiếp tục được lập theo quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật về quy hoạch đô thị để cụ thể hóa quy hoạch tỉnh.

Với nội dung của Quy hoạch tỉnh được quy định tại Điều 27 của Luật Quy hoạch bảo đảm đủ căn cứ để quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh. Trong giai đoạn chuyển tiếp, các quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt theo pháp luật về xây dựng vẫn được thực hiện cho đến khi quy hoạch tỉnh được phê duyệt theo pháp luật về quy hoạch.

Với đề nghị làm rõ thứ bậc của quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn được quy định tại nội dung sửa đổi Điều 13 Luật Xây dựng vì không phù hợp với thứ bậc của 2 loại quy hoạch này trong hệ thống quy hoạch quốc gia đã được Luật Quy hoạch quy định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, khoản 4 Điều 6 Luật Quy hoạch quy định quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn phải phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh. Các quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn sẽ cụ thể hóa phương án phát triển hệ thống đô thị, nông thôn trong quy hoạch tỉnh.

Tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, để làm rõ thứ bậc của các loại quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý quy định tại Điều 13 Luật Xây dựng như được thể hiện tại khoản 2 Điều 28 dự thảo Luật.

Nhất trí cao với Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung 37 luật có liên quan đến quy hoạch với 418 đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, chiếm 86,19% tổng số đại biểu Quốc hội.

Các nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam, Luật Đường sắt, Luật Giao thông đường thủy nội địa, Luật Tài nguyên nước, Luật Đất đai, Luật Khoáng sản... được quy định rất rõ tại Luật sửa đổi, bổ sung 37 luật có liên quan đến quy hoạch.

Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2019.

Thu Thuỷ
.
.
.