Quy định các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh

Thứ Sáu, 22/11/2019, 15:31
Chiều nay (22-11), Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam với tỷ lệ tán thành 91,51%.

Cải cách hành chính gắn với ứng dụng công nghệ

Theo chương trình làm việc kỳ họp thứ 8, Quốc hội chiều nay biểu quyết thông qua Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Có 442 đại biểu tán thành thông qua luật trên tổng số 447 đại biểu tham gia  (chiếm 91,51%). Không có đại biểu nào không tán thành luật. Số đại biểu không biểu quyết là 5.

Kết quả biểu quyết thông qua Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

Luật gồm 8 chương, 52 điều và sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7-2020.

Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam được ban hành sẽ cụ thể hoá Hiến pháp năm 2013, bảo đảm sự đồng bộ và thống nhất của hệ thống pháp luật, đồng thời khắc phục những khó khăn, bất cập trong thực hiện công tác quản lý xuất, nhập cảnh thời gian qua; đồng thời tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong việc cấp, quản lý, kiểm soát giấy tờ xuất, nhập cảnh gắn với cải cách thủ tục hành chính.

Việc ban hành luật cũng nhằm đảm bảo quyền và trách nhiệm của công dân, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, cơ quan tư pháp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, trách nhiệm bảo hộ công dân, bảo đảm an toàn cho công dân và những hoạt động công vụ khác, đảm bảo thân phận về ngoại giao và phục vụ cho việc đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

Luật vừa được thông qua có nhiều điểm mới, trong đó người xin cấp hộ chiếu có thể điền tờ khai theo mẫu hoặc khai qua mạng internet. Người đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông lần đầu ở trong nước nếu có CCCD thì có quyền lựa chọn thực hiện thủ tục tại Công an nơi thuận tiện nhất. Quy định hiện hành là nơi thường trú hoặc tạm trú dài hạn.

Đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua luật.

Luật quy định công dân có quyền lựa chọn nơi nhận hộ chiếu. Quy định này nhằm tạo thuận lợi nhất cho người dân, tránh thủ tục phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực. Đáng chú ý, luật cho phép người từ đử 14 tuổi trở lên có quyền lựa chọn đề nghị cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử hoặc không gắn chíp điện tử.

Không bổ sung đối tượng cấp hộ chiếu ngoại giao

Về đối tượng ưu tiên cấp hộ chiếu ngoại giao, trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết có ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung đối tượng cấp hộ chiếu ngoại giao đối với Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy Thành phố trực thuộc Trung ương.

Tuy nhiên, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, nếu bổ sung đối tượng trên thì phải bổ sung nhiều đối tượng khác tương ứng ở các bộ, ngành ở trung ương sẽ làm gia tăng số lượng hộ chiếu ngoại giao, làm giảm giá trị của cuốn hộ chiếu này trên trường quốc tế và làm ảnh hưởng đến các hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước.

Ông Việt cũng thông tin, có đại biểu đề quy định rõ tiêu chí tạm hoãn xuất cảnh trong luật, song  Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng dự thảo Luật đã quy định cụ thể, rõ ràng các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh khác nhau nên không cần thiết phải quy định tiêu chí tạm hoãn xuất cảnh trong luật này.

Các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh

1. Bị can, bị cáo; người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có căn cứ xác định người đó bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

2. Người được hoãn chấp hành án phạt tù, người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo trong thời gian thử thách, người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ trong thời gian chấp hành án theo quy định của Luật Thi hành án hình sự.

3. Người có nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nếu có căn cứ cho thấy việc giải quyết vụ án có liên quan đến nghĩa vụ của họ đối với Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác và việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác hoặc để bảo đảm việc thi hành án.

4. Người phải thi hành án dân sự, người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức đang có nghĩa vụ thi hành bản án, quyết định được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự nếu có căn cứ cho thấy việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc để bảo đảm việc thi hành án.

5. Người nộp thuế, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài trước khi xuất cảnh chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

6. Người đang bị cưỡng chế, người đại diện cho tổ chức đang bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn.

7. Người bị thanh tra, kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó vi phạm đặc biệt nghiêm trọng và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn.

8. Người đang bị dịch bệnh nguy hiểm lây lan, truyền nhiễm và xét thấy cần ngăn chặn ngay, không để dịch bệnh lây lan, truyền nhiễm ra cộng đồng, trừ trường hợp được phía nước ngoài cho phép nhập cảnh.

9. Người mà cơ quan chức năng có căn cứ cho rằng việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.

Quỳnh Vinh - Thiện Minh
.
.
.