Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), có hiệu lực từ 1/1/2022

Thứ Ba, 30/03/2021, 14:36
Với 94,58% đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, chiều nay, 30/3, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). Đây là dự thảo luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, và là dự thảo luật duy nhất mà Quốc hội thảo luận và thông qua trong Kỳ họp cuối cùng của khóa XIV.


Không quy định cứng số lần xét nghiệm ma túy trong cơ thể

Trình bày Báo cáo Tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung quy định trách nhiệm của người đã từng bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy hoặc bị phát hiện là người nghiện ma túy; trách nhiệm của chủ thể kinh doanh, đặc biệt là kinh doanh nhà hàng, dịch vụ, karaoke, khách sạn...

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, nội dung Chương II của dự thảo Luật quy định trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong phòng, chống ma túy đã bao gồm người đã từng sử dụng trái phép chất ma tuý, người đã từng nghiện ma tuý và các chủ thể kinh doanh trong đó có kinh doanh nhà hàng, dịch vụ, karaoke, khách sạn.... Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã quy định cụ thể trách nhiệm của người lần đầu sử dụng chất ma túy, người tái sử dụng chất ma túy, người nghiện ma túy tại Chương IV và Chương V tương ứng ở từng biện pháp quản lý bị áp dụng. Do đó, xin phép Quốc hội cho giữ quy định như dự thảo Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh.

Về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy (Chương IV), có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị quy định giới hạn số lần xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể đối với người sử dụng trái phép chất ma túy trong thời hạn quản lý để tránh lạm dụng, tùy tiện (điểm b khoản 3 Điều 23).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể không phải là biện pháp xử lý vi phạm hành chính và là biện pháp duy nhất hiện nay giúp xác định một người có sử dụng ma túy hay không để có biện pháp quản lý phù hợp. Đồng thời, việc xét nghiệm chất ma tuý trong cơ thể được thực hiện theo quy trình chuyên môn và được chỉ định phù hợp với đối tượng được xét nghiệm, loại chất ma tuý được xét nghiệm.

Trường hợp đối tượng có nhân thân tốt, tuân thủ quá trình theo dõi quản lý sẽ khác với đối tượng có tiền sử phức tạp, nguy cơ cao. Ngoài ra, việc xét nghiệm chất ma tuý mới, ma tuý tổng hợp sẽ mất thời gian, số lần xét nghiệm có thể nhiều hơn so với các loại ma tuý thông thường. Do đó, nếu quy định cứng số lần xét nghiệm trong luật sẽ không bảo đảm tính khả thi, có trường hợp có thể bị lạm dụng nhưng có trường hợp sẽ không đáp ứng yêu cầu xét nghiệm.

Với những lý do nêu trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép Quốc hội được giữ như dự thảo Luật và giao Chính phủ quy định chi tiết. Đồng thời, trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu, cân nhắc kỹ để bảo đảm quy định cụ thể, chặt chẽ, bảo đảm phù hợp trong thực tiễn, tránh việc lạm dụng, tùy tiện và lãng phí.

4 trường hợp bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

Trước khi biểu quyết thông qua toàn bộ dự thảo luật, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Điều 32 về đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc với đa số đại biểu tán thành.

Đại biểu biểu quyết tại hội trường.

Theo đó, người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính khi thuộc một trong các trường hợp sau:

Thứ nhất, người nghiện ma túy không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt cai nghiện ma túy tự nguyện;

Thứ hai, trong thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy;

Thứ ba, người nghiện ma túy chất dạng thuốc phiện không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế hoặc bị chấm dứt điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế do vi phạm quy định về điều trị nghiện;

Thứ tư, trong thời gian quản lý sau cai nghiện ma túy mà tái nghiện.

Dự thảo luật gồm 8 chương, 55 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022.

Quỳnh Vinh
.
.
.