Quốc hội thông qua Luật Đặc xá (sửa đổi), giữ nguyên quy định thời điểm đặc xá
Chiều nay, 19-11, với 92,99% đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Đặc xá (sửa đổi).
- Đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước ta1
- Đối tượng, điều kiện như thế nào thì được đặc xá?
- Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn: Việc đặc xá diễn ra minh bạch, không hề khép kín
- Gần 50.000 người được đặc xá đã có việc làm và thu nhập ổn định
Chủ tịch nước quyết định thời điểm đặc xá
Trước đó, Báo cáo Giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi) do Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày cho biết:
Về thời điểm đặc xá (Điều 5 dự thảo Luật), nhiều ý kiến nhất trí quy định 3 thời điểm đặc xá như dự thảo Luật. Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể thời điểm đặc xá là ngày Quốc khánh 2-9, ngày Tết Nguyên Đán hoặc ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30-4. Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể về thời gian, tần suất thực hiện đặc xá (3 năm hoặc 5 năm/đợt).
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga |
Có ý kiến đề nghị giao Chính phủ quy định tiêu chí xác định sự kiện trọng đại của đất nước để bảo đảm tính minh bạch, rõ ràng, thống nhất trong quá trình thực hiện.
Về vấn đề này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã có giải trình tại Báo cáo số 327/BC-UBTVQH14 ngày 18-10-2018. Theo đó, quy định về thời điểm đặc xá như dự thảo Luật là kế thừa Luật hiện hành, thể hiện tính nhân đạo trong chính sách pháp luật nước ta và thực tiễn thực hiện không phát sinh vướng mắc.
Tham khảo kinh nghiệm các nước trên thế giới cho thấy, chưa có nước nào quy định cụ thể trong Luật về tần suất thực hiện đặc xá mà giao cho Người đứng đầu Nhà nước quyết định căn cứ vào điều kiện cụ thể của đất nước trong từng giai đoạn.
Về ý kiến của ĐBQH đề nghị giao Chính phủ quy định “tiêu chí xác định sự kiện trọng đại của đất nước”, UBTVQH nhận thấy, các sự kiện trọng đại của đất nước diễn ra trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, rất đa dạng, do đó, nếu quy định cụ thể tiêu chí xác định sự kiện này trong văn bản quy phạm pháp luật có thể sẽ không bao quát hết.
Toàn cảnh phiên họp |
“Vì vậy, UBTVQH đề nghị cho giữ quy định về thời điểm đặc xá như dự thảo Luật và giao cho Chủ tịch nước căn cứ các quy định của Luật và tình hình của đất nước ở từng thời kỳ để quyết định thời điểm đặc xá phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tế đặt ra” – Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp nói.
Chống phá cơ sở giam giữ thì không được đặc xá
Về các trường hợp không được đề nghị đặc xá (Điều 12 dự thảo Luật), có ý kiến đề nghị bổ sung không đề nghị đặc xá đối với người phạm tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (Điều 114), tội chống phá cơ sở giam giữ (Điều 119) và một số tội phạm khác như: tội ma túy, tội đánh bạc.
UBTVQH xin báo cáo như sau: Để bảo đảm tính nhân đạo, đồng thời bảo đảm thận trọng trong công tác đặc xá, khoản 1 Điều 12 của dự thảo Luật quy định một số tội danh dù người bị kết án đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 11 của dự thảo Luật nhưng cũng không được đề nghị đặc xá.
Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, dự thảo Luật bổ sung trường hợp không đề nghị đặc xá đối với người bị kết án phạt tù về 2 tội nêu trên, đồng thời, căn cứ vào tình hình cụ thể trong mỗi đợt đặc xá, khoản 6 Điều 12 dự thảo Luật quy định Chủ tịch nước quyết định không đặc xá đối với các trường hợp khác. Do đó, UBTVQH đề nghị giữ như quy định tại Điều 12 của dự thảo Luật.
Luật Đặc xá (sửa đổi) gồm 39 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2019.
Điều 5. Thời điểm đặc xá 1. Chủ tịch nước xem xét, quyết định về đặc xá nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước. 2. Chủ tịch nước xem xét, quyết định đặc xá trong trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu đối nội, đối ngoại của Nhà nước mà không phụ thuộc vào thời điểm quy định tại khoản 1 Điều này. |