Đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong đấu tranh phòng, chống tội phạm

Thứ Năm, 25/07/2019, 17:38
Như CAND online đã thông tin, sáng nay 25-7, tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2019 và triển khai nhiệm vụ thời gian tới của Ban chỉ đạo 138/CP và Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, các đại biểu đã nêu nhiều kiến nghị về các vấn đề đang được dư luận quan tâm.

Đại diện Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an cho biết, tình trạng khai thác cát sỏi hiện nay vẫn đang diễn ra tràn lan ở các địa phương. Hiện cả nước có 915 mỏ cát sỏi được cấp phép khai thác, 63 dự án khai thông luồng lạch. 

Tuy nhiên, ngoài việc khai thác trái phép, thì các đối tượng đã lợi dụng kẽ hở để khai thác vượt độ sâu, vượt công suất và khai thác vượt ra ngoài khu vực được cấp phép. 

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu ý kiến.

Bên cạnh đó còn có 1.200  bến, bãi tập kết cát sỏi không phép, sử dụng hoá đơn quay vòng. Lực lượng Công an các cấp đã thường xuyên tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền, phối hợp với các lực lượng chức năng đấu tranh, bắt giữ các đối tượng, xử lý phương tiện khai thác cát trái trái phép. 

Trong thời gian qua, đã phát hiện, tịch thu 520 tàu thuyền, công cụ khai thác và hàng chục nghìn m³ cát, khởi tố nhiều vụ án để xử lý đối với hành vi này. 

Đại diện Cục Cảnh sát biển phát biểu ý kiến.

Đại diện Cục Cảnh sát biển cho biết, tình hình buôn lậu xăng dầu trên biển gia tăng do giá xăng dầu nhập lậu rẻ hơn, chỉ bằng 2/3 so với giá thị trường nên các đối tượng đã bất chấp nguy hiểm, vi phạm pháp luật tìm mọi cách để buôn lậu, sang mạn xăng dầu trái phép. 

6 tháng đầu năm, Cảnh sát biển đã bắt giữ 21 tàu 116 đối tượng, thu 117 triệu lít dầu và hàng triệu lít xăng, tromh đó bắt qủa tang nhiều tàu nước ngoài đang sang trái phép xăng dầu cho tàu Việt Nam. Các đối tượng mua xăng dầu của các tàu nước ngoài với giá rẻ chỉ bằng khoảng 2/3 giá bán lẻ ở trong nước. Những vụ việc do Cảnh sát biển bắt giữ hầu hết là ở các vùng biển xa đất liền, từ 100-150 hải lý. 

Các khu vực sang mạn xăng, dầu thường diễn ra ở khu vực giáp ranh ở vùng biển Tây Nam, giáp ranh giữa Việt Nam - Malaysia; Việt Nam- Indonesia; Việt Nam – Thái Lan. Tàu được cho phép các dịch vụ hậu cần nghề cá như thực phẩm, xăng dầu, nước ngọt cho tàu cá, nhưng đến vùng giáp ranh thì mua xăng, dầu để buôn lậu. 

Bên cạnh đó là những đầu nậu ở trên đất liền thì ra các vùng biển giáp ranh đó mua xăng, dầu của các tàu nước ngoài, vận chuyển vào đất liền tiêu thụ, gây thất thoát ngân sách rất lớn. 

Ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan trình bày về tình trạng gian lận thương mại.

Nói về việc giả mạo nguồn gốc xuất xứ hàng  hoá, ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết tình trạng gian lận thương mại thông qua giả mạo xuất xứ Việt Nam, giả mạo xuất xứ với hàng nhập khẩu từ nước ngoài để trốn thuế, trốn kiểm tra chất lượng, trốn kiểm soát chuyên ngành đang diễn ra phức tạp.

Nhắc cụ thể đến vụ việc Asanzo, ông Cẩn cho hay mới đây đã khởi tố vụ án liên quan đến hành vi một công ty con của công ty này nhập khẩu giả mạo xuất xứ Việt Nam đưa hàng vào tiêu thụ nội địa. 

"Đối với nhãn hiệu Asanzo, chúng tôi đã khởi tố vụ án và chuyển cho cơ quan công an, về các hành vi thuộc công ty con, nhập khẩu, giả mạo xuất xứ Việt Nam để mà đưa hàng vào tiêu thụ, giả mạo nhãn mác. Và tiếp tục đang xác minh, điều tra sâu" - ông Cẩn nói.

Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường phát biểu ý kiến.

Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, cũng cho rằng tình trạng vi phạm nhãn mác và giả mạo xuất xứ là hành vi gian lận mới nổi lên, mặc dù được tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhưng vẫn diễn biến phức tạp. 

Đặc biệt là tình trạng hàng thực phẩm vượt ngưỡng hoá chất cho phép, hàng hoá nước ngoài được thẩm lậu vào thị trường nhưng bao bị nhãn mác ghi Made in Việt Nam. 

Theo đó, các lĩnh vực giả mạo xuất xứ chủ yếu là thực phẩm, rau củ quả, dệt may, quần áo, đồ chơi trẻ em, điện tử, thiết bị gia dụng… 

Phương thức thủ đoạn tập trung là nhập khẩu toàn bộ rồi thay đổi xuất xứ, thay nhãn, hoặc nhập nguyên liệu lắp ráp sơ sài rồi thay đổi xuất xứ, sang nhãn. 

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình nêu rõ những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng chống tội phạm, gian lận thương mại, hàng giả.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đánh giá công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả đã góp phần làm giảm tội phạm, tạo môi trường xã hội lành mạnh, cuộc sống bình yên hạnh phúc cho nhân dân, phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Phó Thủ tướng Thường trực cũng nêu rõ những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng chống tội phạm, gian lận thương mại, hàng giả; chỉ ra nguyên nhân tồn tại có cả do chủ quan và khách qua như chưa huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị; một số địa phương chưa quyết liệt trong chỉ đạo, lãnh đạo; một bộ phận cán bộ công chức chưa làm hết trách nhiệm, thậm chí có biểu hiện làm ngơ, bảo kê cho tội phạm; chưa xử lý nghiêm người đứng đầu nếu để xảy ra vi phạm, sai phạm.

Đại diện Bộ đội biên phòng nêu ý kiến.

Thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu tiếp tục tổ chức, quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, BCĐ 138, BCĐ 389 Quốc gia. Đề cao trách nhiệm người đứng đầu, nếu trên địa bàn, lĩnh vực nào để xảy ra các vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, kép dài về tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại thì phải kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm người đứng đầu. Thường xuyên rà soát phát hiện sơ hở, yếu kém để khắc phục.

Làm tốt công tác nắm, dự báo tình hình không để xảy ra bị động, bất ngờ trong phòng chống tội phạm, giữ gìn ANTT, bảo vệ an toàn tuyệt đối các mục tiêu, công trình trọng điểm, các sự kiện chính trị, xã hội quan trọng của đất  nước.

Toàn cảnh hội nghị.

Nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, kiên quyết ngăn chặn tình trạng “tham nhũng vặt” ở các cơ quan hành chính, không để người dân bức xúc, giảm sút niềm tin vào đội ngũ cán bộ, công chức.

Đấu tranh mạnh mẽ với các loại tội phạm

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, Bộ Công an đặt mục tiêu giảm 3% tội phạm hình sự và tập trung vào các biện pháp làm giảm tội phạm. 

Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, hiện nay, xu hướng tội phạm đang trẻ hoá, số đối tượng phạm tội lần đầu chiếm 81% rất cao, các đối tượng  này không nằm trong diện quản lý nghiệp vụ của lực lượng Công an nên rất cần phòng ngừa xã hội của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là nhân dân.

Vừa qua, Bộ Công an đã tổng kết 5 năm công tác phòng chống tội phạm giết người, qua đánh giá thì có tới  95% vụ án giết người là nguyên nhân xã hội; trong đó do mâu thuẫn, thù tức cá nhân chiếm trên 80%, đặc biệt là do các mâu thuẫn kéo dài trong sinh hoạt, tình cảm, kinh tế . Tỷ lệ băng ổ nhóm tội phạm giết người xảy ra rất ít. 

“Tội phạm trẻ, phạm tội lần đầu  chiếm tỷ lệ rất cao. Các đối tượng này đều không nằm trong diện quản lý của cơ quan công an. Chính vì vậy, đề nghị cấp uỷ chính quyền các địa phương, cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quản lý chặt đối tượng, hướng nghiệp cho các đối tượng này để phòng ngừa tội phạm. Đề nghị ác ngành các cấp cùng với  lực lượng Công an chuyển hoá địa bàn phức tạp về ANTT” – Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, đồng thời cho biết Bộ Công an luôn tích cực phối hợp với địa phương tiếp tục giảm địa bàn phức tạp về ANTT, trong đó giải pháp trước mắt là chính quy hoá công an xã; từng bước xây dựng xã hội trong sạch, lành mạnh. 

Đề nghị Bộ Tư pháp sớm sửa đổi Luật xử lý vi phạm hành chính vì từ năm 2013 – khi áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đối với các hành vi chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự đã gây nhiều khó khăn trong quản lý đối tượng vi phạm. 

Trong 5 năm qua, số đối tượng bị đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc chỉ bằng 65% so với so với năm 2013 – năm cuối cùng xử lý theo Pháp lệnh xử phạt hành chính dẫn đến việc bỏ lọt đối tượng, gây phức tạp về ANTT ở các địa phương. 

Về công tác phòng chống “tín dụng đen”, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, Bộ Công an đặc biệt quan tâm đến tội phạm này vì đây là nguyên nhân phát sinh nhiều loại tội phạm khác. 

Trong 6 tháng đầu năm 2019, lực lượng Công an đã khởi tố 436 vụ, 766 bị can; ngoài ra xử lý hành chính 2240 vụ 586 đối tượng liên quan đến “tín dụng đen”. Qua đó, đã làm chuyển biến tình hình, các băng nhóm  “tín dụng đen” không dám hoạt động. 

Bộ Công an đã yêu cầu các lực lượng tiếp tục triển khai, thực hiện Chỉ thị 12 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”; đề nghị các Bộ, ngành địa phương tiếp tục tăng cường quản lý nhà nước về ANTT; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vay vốn từ các kênh tín dụng của ngân hàng; sửa đổi, bổ sung điều 201 BLHS 2015 theo hướng tăng nặng hình phạt đối với tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự; nghiên cứu, ban hành quy định về cho vay ngang hàng.

Bộ trưởng Tô Lâm còn nhấn mạnh đến một số loại tội phạm mà lực lượng Công an đang tập trung đẩy mạnh đấu tranh đó là phòng chống tội phạm xâm hại phụ nữ, trẻ em; trộm cắp tài sản; tội phạm ma tuý.

Trong đó, khẳng định lực lượng Công an chủ công, chủ động phối hợp với các lực lượng khác tấn công mạnh mẽ các đường dây ma tuý, bước đầu đã đánh thẳng vào các đường dây lớn, bắt giữ đối tượng cầm đầu với số lượng rất lớn. 

“Chúng tôi xác định ma tuý là tội phạm của các loại tội phạm nên tập trung mạnh mẽ để đấu tranh với tội phạm này, không để Việt Nam thành trung chuyển ma tuý. Quốc hội đã đồng ý sửa đổi Luật Phòng chống ma tuý, tạo cơ sở pháp lý cho việc đấu tranh hiệu quả hơn đối với tội phạm này” – Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.

Thu Thuỷ

Phương Thuỷ
.
.
.