Phòng chống “diễn biến hòa bình” : Sự ngụy biện của cáo cụt đuôi
Ngày nay, không ít kẻ đang cố ngụy biện theo lối cáo cụt đuôi: Lợi dụng tự do ngôn luận, xâm phạm lợi ích quốc gia, xã hội và lợi ích người khác, vi phạm pháp luật hình sự rồi ngụy biện cho hành vi phạm pháp của mình bằng chiêu đòi gỡ bỏ Điều luật 258 - BLHS, tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”.
Vậy bản chất Điều 258 là gì?
Điều 258 - BLHS quy định hành vi khách quan là lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. Điều luật chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những hành vi vi phạm pháp luật được quy định là tội phạm trong BLHS, ở đây cần thấy việc áp dụng luật tuân theo nguyên tắc hành vi, không có việc truy cứu hình sự về mặt tư tưởng, mặc dù trong tư tưởng cũng đã hình thành ý định thực hiện những hành vi phạm tội.
Điều 258 - BLHS được áp dụng trong thực tiễn bảo vệ, điều chỉnh các quan hệ xã hội. Khách thể của tội phạm này là lợi ích của Nhà nước; quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, trong đó khách thể lợi ích Nhà nước là cao nhất. Điều luật 258 trong BLHS là tương thích với các văn bản pháp lý quốc tế về quyền con người và việc quy định điều luật này là bảo vệ quyền con người nhằm tránh sự xâm phạm, đảm bảo các quyền tự do dân chủ của cá nhân được bảo vệ, trong đó khách thể cao nhất là an ninh quốc gia.
Điều luật này cũng không phải “sản phẩm mới” như một số quan điểm đưa ra. Ngay từ BLHS đầu tiên – năm 1985, tại Điều 124 “tội xâm phạm các quyền hội họp, lập hội, tín ngưỡng của công dân” đã quy định: “Người nào lợi dụng các quyền tự do nói trên và các quyền tự do dân chủ khác để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, của tổ chức xã hội hoặc của công dân thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến một năm”. Đến BLHS 1999, được cụ thể hóa tại Điều 258. Như vậy, ít nhất có 3 thập kỷ điều luật được ban hành và áp dụng, thực tiễn đời sống xã hội đã thừa nhận sự cần thiết của chế định này trong bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Nó không phải là sản phẩm mới của giai đoạn Internet hiện nay để quy dẫn cho tự do ngôn luận trên thế giới mạng. Nếu như trước đây, xâm phạm danh dự, nhân phẩm người khác bằng cách tán phát, bôi nhọ qua sách báo, ấn phẩm in hay phát tờ rơi thì ngày nay, bôi nhọ, phỉ báng trên blog, mạng Internet là hành vi phạm pháp có tính nghiêm trọng, nguy hiểm hơn nhiều lần và người vi phạm đều phải chịu hậu quả pháp lý tương ứng.
Trong xã hội Internet, các quốc gia cũng đưa ra những quy định tương thích để quản lý phù hợp. Chính quyền Mỹ sẵn sàng trừng phạt nếu báo chí hay cá nhân đưa các thông tin lên mạng Internet vi phạm vào các lĩnh vực bị cấm, trong đó quy định nghiêm ngặt với: Đăng bài viết có phương hại đến nền an ninh quốc gia (như vụ án Near v State of Minnesota ex rel. Olson (1931) và vụ án United States v OBrien (1968). Kế đó, xử nặng báo chí, mạng internet đăng bài viết gián tiếp xúi giục bạo động gây bất ổn xã hội (vụ án Brandenburg Ohio (1969) và vụ án Virginia Black (2003)... Tại Nga, Tổng thống Vladimir Putin đã ký ban hành luật sửa đổi về Internet. Luật này quy định hoạt động của các website, nghiêm cấm những thông tin nguy hiểm, độc hại. Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã ký ban hành Luật Chống vu khống, hình phạt cho tội vu khống phải lao động cải tạo và phạt tiền lên đến 5 triệu rúp. Tại Hàn Quốc, đất nước được cho có tốc độ truyền tải nhanh nhất thế giới quy định rõ, người dùng mạng phải cung cấp tên thật trên tất cả các nội dung bình luận, entry trên mạng. Tại Anh cũng buộc mọi người có trách nhiệm đối với việc xuất bản những nội dung nặc danh trên Internet...
Xem như thế thì những nước phát triển cũng đều có khuôn phép rất rõ trên môi trường mạng. Điều luật 258 quy định tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” đặt trong mối tương thích với văn bản luật pháp quốc tế. Tự do ngôn luận, hoặc tự do phát biểu, bao gồm quyền phát biểu và phổ biến ý kiến của mỗi công dân, là một trong những nhân quyền cơ bản được qui định trong Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền. Chấp hành, tôn trọng quyền của người khác chính là yêu cầu cao nhất trong bảo vệ nhân quyền và chỉ như thế thì quyền của mình mới được bảo đảm. Ralph Waldo Emerson, triết gia người Mỹ và là người đi đầu trong phong trào tiên nghiệm vào khoảng giữa thế kỷ 19 đúc kết: “Người ta thường không nhận ra rằng quan điểm của họ về thế giới cũng là lời thú nhận về tính cách”. Đánh giá về sự vật, hiện tượng, để tiếp cận chân lý cần tôn trọng quy luật, sự thật khách quan. Ngược lại nếu chỉ nhìn một phía, xuất phát từ một động cơ tiêu cực thì dù quan điểm ấy có bộc lộ với trăm nghìn bài viết hay vạn lời rao giảng, nó chỉ giúp sự hiện hình rõ hơn tính cách, ý đồ của những “con cáo cụt đuôi”