Lắng nghe, xử lý nhanh những kiến nghị của doanh nghiệp

Thứ Bảy, 09/05/2020, 15:45
Là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp tổ chức sáng 9/5. 


Tại Hội nghị này, các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đã góp ý, kiến nghị với Thủ tướng những giải nhằm thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế.

Hỗ trợ doanh nghiệp bằng chính sách

Tại Hội nghị, có 23 lượt ý kiến phát biểu của các hiệp hội, doanh nghiệp, doanh nhân, các bộ, cơ quan; 81 kiến nghị trực tiếp của 4 hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, 9 hiệp hội doanh nghiệp trong nước và 437 kiến nghị trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, 180 kiến nghị đã gửi đến VCCI.

các đại biểu tại Hội nghị

Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an đã đưa ra 6 nhóm giải pháp trọng tâm để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, phục hồi sản xuất kinh doanh, trong đó nhấn mạnh quan điểm xuyên suốt của Bộ Công an là tất cả các doanh nghiệp đều bình đẳng trước pháp luật. 

“Chỉ đạo quán triệt, tuân thủ quan điểm nguyên tắc “Bộ Công an không có khái niệm hình sự hoá các quan hệ kinh tế, dân sự”, công tác thanh tra, kiểm tra về ANTT lồng ghép nhiều nội dung và chỉ kiểm tra 1 lần 1 năm, tạo điều kiện tối đa về an ninh để doanh nghiệp phát triển, cạnh tranh lành mạnh” – Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định và cho biết, Bộ Công an sẽ xử lý nghiêm CBCS nếu có hành vi nhũng nhiễu, gây cản trở các hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của các doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, trọng tâm hiện nay Bộ Công Thương tiếp tục chủ động phối hợp với các bộ, ngành, hiệp hội để rà soát, nắm bắt được thực trạng cũng như khả năng thẩm thấu các gói hỗ trợ của Chính phủ dành cho doanh nghiệp. Từ đó, tiếp tục thực có chính sách hỗ trợ cụ thể cho doanh nghiệp, tập trung vào công tác cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các điều kiện kinh doanh, thúc đẩy công tác xúc tiến thương mại để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường mới.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, đến nay, 63 tỉnh, thành phố đã triển khai Quyết định 15, hỗ trợ trên 20.000 tỷ đồng cho người dân ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. 45/63 tỉnh đã rà soát xong và bắt đầu từ 9/5)sẽ tập trung hỗ trợ nhóm lao động tự do, lao động dừng hợp đồng, theo ước tính kinh phí hỗ trợ khoảng 7.630 tỷ. 47 tỉnh, thành phố đã tạm dừng đóng bảo hiểm hưu trí, tử tuất cho 900 doanh nghiệp.

Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại Việt Nam Ousmane Dione đã đề xuất một số giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề do COVID -19 đó là tiếp tục cung cấp tín dụng và vốn lưu động cho các doanh nghiệp một cách bền vững, hỗ trợ tài chính qua miễn giảm và giãn thuế; cấp phát ngân sách và giảm các loại phí; hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ có lịch sử tín dụng tốt và có khả năng trả nợ; hỗ trợ tiền mặt một lần cho các doanh nghiệp phi chính thức quyết định đăng ký chính thức...

Theo đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam, dịch COVID-19 tạo cơ hội sản xuất khẩu trang với số lượng lớn để đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, bù đắp một phần đơn hàng thiếu hụt, giải quyết việc làm, thu nhập cho người lao động.  Hiệp hội Dệt may đề nghị nhiều vấn đề, trong đó, ngoài các nội dung về thuế, thủ tục hành chính, Bộ Công Thương sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển ngành dệt may Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035. Trong đó, đặc biệt quan trọng là quy hoạch các khu công nghiệp dệt may lớn có xử lý nước thải tập trung.

Hiệp hội cũng cho rằng, để đẩy mạnh hơn nữa thị trường nội địa cần sự tuyên truyền sâu rộng hơn nữa để thay đổi nhận thức "sính hàng ngoại" của người dân và để họ hưởng ứng tích cực hơn cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Trong khi đó, đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản cho biết, qua đại dịch COVID-19, thấy rõ một điểm yếu của ngành nông-thuỷ sản là vấn đề bảo quản sau thu hoạch. Hàng loạt hàng hoá ách tắc tại cửa khẩu biên giới, không có hệ thống kho lạnh ngoại quan hỗ trợ xuất nhập khẩu. Doanh nghiệp cũng không đủ công suất kho lạnh để chứa hàng hoá và nguyên liệu; đề xuất, Chính phủ và Bộ NN&PTNT có chỉ đạo kết hợp tuyên truyền và triển khai các hỗ trợ tối đa cho người nuôi tôm và ngư dân khai thác biển, tăng tiêu thụ cao trở lại trong khi một số nước cạnh tranh chưa quay lại sản xuất bình thường.

Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa kiến nghị cần tăng cường nguồn lực về con người và tài chính cho các Quỹ Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và đặc biệt là các Quỹ Bảo lãnh tín dụng; đẩy mạnh xuất nhập khẩu qua các thị trường tiềm năng dựa trên lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên, cần tập trung khai thác thị trường nội địa trên tinh thần “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với dân số gần 100 triệu...

Thủ tướng nêu 3 yêu cầu, 3 “giữ”

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu nhận định chung là các đại biểu trong nước và quốc tế đều đánh giá cao công tác chỉ đạo chống dịch COVID-19 thành công ở Việt Nam. 

Thủ tướng nêu ra 3 yêu cầu đối với doanh nghiệp. Một là các doanh nghiệp không được trông chờ, ỷ lại trong phát triển. Thứ hai, doanh nghiệp phải được tái cơ cấu, nâng cao trình độ quản trị để phát triển bền vững. Thứ ba, các cấp, các ngành, đặc biệt là doanh nghiệp áp dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, nhất là cuộc cách mạng 4.0 để nâng cao năng suất.

Thủ tướng cho biết yêu cầu các cơ quan liên quan lắng nghe, tiếp thu ý kiến các đại biểu, nhà đầu tư, doanh nghiệp, hiệp hội trong và ngoài nước để Chính phủ có nghị quyết tốt nhất tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển trong thời gian tới.

Các bộ, cơ quan, đặc biệt là các địa phương cần có chương trình hành động cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển, trong đó “Tất cả doanh nghiệp đang chờ tiếng nói giải quyết nhanh của các cơ quan Nhà nước, đặc biệt các địa phương, tháo gỡ cho doanh nghiệp hiện nay có nhiều vướng mắc”, Thủ tướng nói. Chủ tịch UBND các tỉnh, các Bộ trưởng có liên quan phải có trách nhiệm xử lý nhanh những kiến nghị này để tháo gỡ cho doanh nghiệp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp

Thủ tướng cho rằng hiện nay cần phải giữ 3 thứ, đó là giữ lao động; giữ thị trường và phát triển thị trường; giữ danh dự, bản lĩnh doanh nhân Việt Nam đổi mới, trung thực và quyết tâm phát triển. Trên tinh thần đó, phải cải cách, tái cơ cấu doanh nghiệp phù hợp với bối cảnh hiện nay.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu tại Hội nghị

Một số vấn đề lớn mà các cơ quan Nhà nước phải quan tâm xử lý, đó là tạo môi trường tốt cho doanh nghiệp, hợp tác, hỗ trợ doanh nghiệp cả về chính sách, chia sẻ cùng doanh nghiệp. “Đặc biệt, các doanh nghiệp đều mong muốn cần phải giữ ổn định vĩ mô, nhất là giữ lạm phát, giữ giá trị đồng Việt Nam”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng nhắc lại tinh thần không hình sự hoá các quan hệ kinh tế, dân sự. “Các đồng chí kiểm tra, thanh tra nhiều quá cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp. Chúng ta thực hiện hậu kiểm trong bối cảnh khó khăn này”.

Nâng cao đạo đức công vụ, tạo mọi thuận lợi phát triển này, chủ động tìm nguồn lực cho phát triển, nhất là hạ tầng.  Dẫn câu nói “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, Thủ tướng nhấn mạnh “khó khăn bằng hai thì chúng ta phải cố gắng bằng ba để vượt qua”. Chúng ta cùng đoàn kết, cùng quyết tâm, cùng nhau lập thành tích, hoàn thành nhiệm vụ cao nhất trong năm nay và các năm tiếp theo, đóng góp vào phát triển dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.


Phương Thuỷ
.
.
.