Ông Võ Trọng Việt: Qua vụ Yên Bái cần quản lý chặt chẽ việc cấp súng
- Cơ bản tán thành với các trường hợp được nổ súng trong dự thảo luật
- Bộ trưởng Tô Lâm: Quy định khắt khe việc nổ súng sẽ khó khăn trong triển khai1
- Vụ sát hại Bí thư Yên Bái cho thấy “lỗ hổng” trong việc mang và sử dụng vũ khí3
Sáng nay, 17-10, Uỷ ban QPAN tiến hành Phiên họp toàn thể lần thứ hai thẩm tra chính thức về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội dự và chỉ đạo phiên họp. Chủ nhiệm Uỷ ban QPAN Võ Trọng Việt chủ trì phiên họp.
Toàn cảnh phiên họp |
Trình bày báo cáo nội dung cơ bản dự án Luật, Thượng tướng Lê Quý Vương, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, ngày 16-9, tại phiên họp thứ 3 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Bộ trưởng Bộ Công an đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chỉnh lý dự án Luật trên cơ sở ý kiến của UBTVQH. Đồng thời, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký tờ trình số 371/TTR-CP ngày 3-10 về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trình Quốc hội.
Thứ trưởng Lê Quý Vương phát biểu tại phiên họp |
Theo đó, trong chương Quản lý, sử dụng vũ khí dự thảo luật đã bổ sung thêm đối tượng trang bị vũ khí quân dụng, gồm: Cảnh sát biển, lực lượng Cơ yếu và cơ quan điều tra của VKSND tối cao.
Tuy nhiên theo báo cáo thẩm tra sơ bộ của Thường trực Uỷ ban QPAN Nguyễn Mai Bộ, có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định này vì hoạt động điều tra và đối tượng điều tra của cơ quan này không nhất thiết phải sử dụng vũ khí quân dụng.
Chủ nhiệm Uỷ ban QPAN Võ Trọng Việt đồng tình: “Qua vụ ở Yên Bái, nhiều đại biểu Quốc hội gặp tôi đề nghị thu hẹp đối tượng cấp súng đi”.
Ông cho rằng, vụ việc xảy ra ở Yên Bái gây xôn xao dư luận cho thấy cần phải quản lý chặt chẽ việc cấp súng, lấy súng, giữ súng. Phải rà soát xem lỗ hổng vừa qua là do luật hay lỗ hổng của cơ quan quản lý.
Các đại biểu thảo luận |
“Khi rừng bị tàn phá thì có người nói tại sao không cấp súng cho lực lượng kiểm lâm. Đến khi xảy ra vụ Yên Bái lại nói tại sao lại cấp súng cho kiểm lâm? Việc quy định đối tượng được trang bị, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ phải dựa trên lập luận, cơ sở khoa học, không thể dựa theo cảm tính, nói theo thời điểm”, ông nhấn mạnh.
Cho ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu, rà soát cho chặt chẽ, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng đối tượng và đánh giá vị trí, vai trò của từng đối tượng để trang bị súng cho phù hợp.
Về quy định nổ súng, một số ý kiến cơ bản tán thành với các quy định trong dự thảo Luật, tuy nhiên đề nghị nghiên cứu bám sát các quy định về tình thế cấp thiết, phòng vệ chính đáng trong Bộ luật hình sự để quy định bảo đảm chặt chẽ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu chỉ đạo tại phiên họp |
Một số ý kiến cho rằng, quy định nổ súng như dự thảo Luật còn chung chung, khó thực hiện, chưa nêu cụ thể tình huống nổ súng và trình tự nổ súng như thế nào… Do đó đề nghị quy định tiêu chí cụ thể, rõ ràng hơn; đồng thời đề nghị cân nhắc việc mở rộng tình huống nổ súng (đối với đối tượng phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng…) để quy định phù hợp với chính sách xử lý hình sự.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ khẳng định, quy định về việc nổ súng ở điều 21 dự thảo Luật là tương đối rõ. Tuy nhiên vẫn phải rà soát để quy định cụ thể hơn nữa, đảm bảo chặt chẽ, tránh bị lạm dụng nhưng cũng tạo điều kiện cho lực lượng chức năng trấn áp tội phạm và hoàn thành nhiệm vụ…
Trên cơ sở các ý kiến thảo luận sáng nay, đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Uỷ ban QPAN khẩn trương phối hợp Bộ Công an, Bộ Quốc phòng hoàn chỉnh báo cáo thẩm tra gửi tới đại biểu Quốc hội để Quốc hội cho ý kiến trong kỳ họp sắp tới.