Những nội dung cơ bản về 2 dự án quan trọng của Bộ Công an
Thời gian qua, toàn lực lượng CAND đã nỗ lực, quyết tâm cao trong triển khai thực hiện 2 dự án này, đồng thời đạt được những kết quả rất quan trọng.
Giảm bớt những thủ tục hành chính, kết nối với các bộ, ngành
Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Cục Cảnh sát QLHC về TTXH), Bộ Công an cho biết, từ 1/7, CSDLQG về DC sẽ đi vào hoạt động, công dân, doanh nghiệp… thực hiện thủ tục hành chính sẽ được giảm bớt các loại giấy tờ, thủ tục.
Trong đó, sẽ bảo đảm chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân, giảm những chi phí mà hiện nay người dân, doanh nghiệp đang phải chi trả trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính như chi phí do phải đi lại, công chứng, chứng thực các loại giấy tờ...
Việc quản lý cư dân thông qua mã số định danh cá nhân sẽ góp phần kết nối, chia sẻ thông tin về dân cư giữa các ngành; trong đó, mã số định danh cá nhân được coi là chìa khóa để các cơ quan nhà nước kết nối, cập nhật tra cứu thông tin về công dân trong CSDLQG về DC phục vụ công tác quản lý ngành, lĩnh vực được giao quản lý.
Hệ thống CSDLQG về DC là hệ thống hiện đại, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật do Bộ Thông tin và truyền thông hướng dẫn, hệ thống đã chia sẻ thông tin trên trục tích hợp quốc gia (NGSP) do Bộ Thông tin và truyền thông và trục liên thông văn bản quốc gia (VDXP) do Văn phòng Chính phủ quản lý.
Hiện nay, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH đã tổ chức kết nối chia sẻ thông tin dân cư với một số bộ, ngành như: Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Cục CSGT để sử dụng dịch vụ xác thực thông tin công dân giải quyết thủ tục cấp thẻ bảo hiểm xã hội, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông.
Trong thời gian tới, Bộ Công an tiếp tục phối hợp các Bộ, ngành, địa phương kết nối với 27 tỉnh/thành phố dự kiến trước 1/7, để cung cấp 236 dịch vụ công, các tỉnh còn lại sẽ được tiến hành kết nối trong tháng 7.
Cán bộ, chiến sĩ Công an nỗ lực, phấn đấu hoàn thành việc in hoàn chỉnh và trả thẻ CCCD cho công dân. |
Người dân được biết, khai thác thông tin và không có việc bị lộ, lọt thông tin cá nhân
Cũng theo Cục Cảnh sát QLHC về TTXH khi người dân khai thác thông tin của mình trong Cơ sở DLQG về DC sẽ bằng văn bản yêu cầu cung cấp thông tin hoặc thông qua dịch vụ nhắn tin, Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an. Nội dung này đã được quy định cụ thể tại Điều 10 Nghị định 37/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021; còn khi công dân đi giao dịch hành chính thì các cơ quan chức năng khai thác thông tin công dân qua việc kết nối với CSDLQG về DC thông qua số định danh cá nhân của công dân.
Trao đổi về việc lộ, lọt thông tin cá nhân trong quá trình khai thác thông tin về công dân trong CSDLQG về DC, Bộ Công an khẳng định sẽ không có việc bị lộ, lọt thông tin cá nhân trong quá trình khai thác thông tin về công dân trong CSDLQG về DC.
Thiết kế hệ thống được đảm bảo an toàn mức độ cao nhất. Đồng thời, hệ thống được trang bị bảo mật tiên tiến, nhiều lớp như: Fire Wall phần cứng và phần mềm chuyên dụng, bảo mật đường chuyền, ký số/ xác thực của Ban Cơ yếu Chính phủ. Vì vậy đảm bảo thông tin của công dân được an toàn, bảo mật tuyệt đối.
Đặt giả thiết nếu công dân dùng sim rác thì không thể nhắn tin khai thác thông tin của công dân khác được, muốn nhắn tin khai thác thông tin thì sim điện thoại phải chính chủ, có tài khoản đăng ký được xác thực.
CSDLQG về DC do Bộ Công an xây dựng, quản lý được bảo mật ở mức độ an toàn cao nhất. Hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư được các đơn vị nghiệp vụ và Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông kiểm tra thường xuyên, đảm bảo không thể bị xâm nhập bởi các mối nguy hại từ bên ngoài. Do đó, người dân có thể hoàn toàn yên tâm về tính bảo mật dữ liệu thông tin dân cư của mình trong CSDLQG về DC.
Để tránh việc đánh cắp, lợi dụng thông tin, đối với người dân khi sử dụng dữ liệu của mình cần chủ động hạn chế chia sẻ các thông tin cá nhân như: Số điện thoại, địa chỉ mail, địa chỉ nhà ở, thông tin gia đình, người thân, số CMND/CCCD… trên mạng xã hội.
Trong các trường hợp cần thiết phải cung cấp thông tin cá nhân, người dân cần phải xem xét tính hợp pháp của cơ quan, tổ chức mà mình cung cấp, đồng thời có yêu cầu đối với cơ quan, tổ chức đó phải đảm bảo bí mật thông tin cá nhân của mình.
Bộ Công an đang nghiên cứu xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân để có biện pháp quản lý và xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm.
Khi nào sẽ chính thức bỏ Sổ hộ khẩu giấy?
Theo quy định của Luật Cư trú thì từ ngày 1/7, cơ quan Công an sẽ không cấp sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khi công dân đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú. Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú cho đến hết ngày 31/12/2022.
Khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký thường trú, điều chỉnh thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú, tách hộ, xóa đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú, xóa đăng ký tạm trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú.
Khi dùng sổ hộ khẩu điện tử, để thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú công dân có thể nộp hồ sơ qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch công Bộ Công an, Cổng dịch vụ công quản lý cư trú hoặc trực tiếp tới Công an xã, phường, thị trấn; Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi không có đơn vị hành chính cấp xã để đăng ký cư trú.
Do Luật Cư trú năm 2020 đã thay thế việc đăng ký, quản lý thường trú, tạm trú bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân.
Thông qua việc thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú như: đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, tách hộ, xóa đăng ký thường trú, xóa đăng ký tạm trú, điều chỉnh thông tin về cư trú trong Cơ sở dữ liệu về cư trú thông tin của công dân sẽ được cập nhật, bổ sung vào Cơ sở dữ liệu về cư trú, CSDLQG về DC.
Cán bộ, chiến sĩ Công an miệt mài thu nhận hồ sơ dữ liệu Quốc gia về dân cư. |
Những tiện ích của thẻ CCCD gắn chíp điện tử
Thẻ CCCD có số định danh cá nhân của công dân sẽ thay thế Sổ hộ khẩu trong việc thực hiện giao dịch của công dân với các cơ quan, tổ chức.
Chíp điện tử, mã QR code trong CCCD có chứa số CMND, người dân không phải xin xác nhận CMND 9 số trong việc thực hiện các giao dịch với các cơ quan, tổ chức.
Trên thẻ CCCD gắn chíp được in song ngữ, gồm cả tiếng Việt và tiếng Anh rất thuận lợi cho việc thực hiện các giao dịch chung và giao lưu hội nhập trong khu vực và quốc tế.
Mã QR code trên thẻ CCCD mới cho phép người dân dùng điện thoại để quét lấy thông tin khi cần cung cấp, thuận tiện khi các dịch vụ chính phủ điện tử, ngân hàng viễn thông cho phép thực hiện được trực tuyến từ xa thông qua điện thoại di động, máy tính, không cần phải đến tận nơi để giao dịch do có thể xác thực CCCD điện tử cũng như xác thực sinh trắc học từ xa.
Thẻ CCCD gắn chíp có ứng dụng sinh trắc học dùng để xác thực công dân với mức độ an toàn cao, không bị lợi dụng danh tính khi bị mất thẻ CCCD cũng như bị làm giả thẻ CCCD vì mức độ bảo mật cũng như chống làm giả của thẻ CCCD gắn chíp rất cao.
Thẻ CCCD có gắn chíp điện tử có dung lượng lưu trữ lớn, cho phép tích hợp nhiều ứng dụng đi kèm như: Ứng dụng chữ ký số, ứng dụng sinh trắc học, ứng dụng mật khẩu một lần... có thể được sử dụng và kết nối với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, phục vụ các giao dịch của công dân với các cơ quan, tổ chức mà không cần phải mang theo nhiều loại giấy tờ.
Chíp điện tử gắn trên thẻ CCCD không có chức năng định vị, theo dõi để xác định vị trí của công dân. Việc tích hợp, sử dụng thông tin trên chíp điện tử tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin.
Với việc đưa CSDLQG về DC đi vào hoạt động, cùng với việc cấp thẻ CCCD có gắn chíp điện tử, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu để tích hợp nhiều trường thông tin của công dân như bảo hiểm y tế, bằng lái xe… vào trong chíp điện tử trên thẻ CCCD.
Khi đó, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ có lộ trình để người dân có thể chỉ cần sử dụng thẻ CCCD thay thế cho các loại giấy tờ khác.
Mục tiêu hoàn thành cấp 50 triệu CCCD mới trước ngày 1/7/2021
Bộ Công an dự kiến và phấn đấu cơ bản hoàn thành việc cấp CCCD gắn chíp điện tử cho 100% công dân Việt Nam thuộc diện được cấp trong tháng 10/2021.
Trước mắt, mục tiêu của Bộ Công an là hoàn thành cấp 50 triệu thẻ CCCD mới trước ngày 1/7/2021, đến thời điểm này đã thu nhận được hơn 54 triệu hồ sơ CCCD (đạt 107% so với chỉ tiêu đề ra). Hiện nay, cán bộ, chiến sỹ Bộ Công an đang nỗ lực hết mình, phấn đấu hoàn thành việc in hoàn chỉnh và trả thẻ CCCD mới cho công dân trong thời gian sớm nhất.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát ở nhiều địa phương, tiến độ cấp thẻ CCCD có bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, với những giải pháp phù hợp, sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ Công an cùng với sự quyết tâm của toàn thể cán bộ chiến sỹ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ đã từng bước khắc phục những khó khăn, hoàn thành mục tiêu đề ra.
Tại các địa phương trong thời điểm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh thì tập trung vào công tác làm sạch dữ liệu, hoàn thiện hồ sơ, phân chia lịch tiếp dân theo từng khoảng thời gian, từng nhóm đối tượng cụ thể, đảm bảo yêu cầu về giãn cách; sau khi hết dịch thì tăng cường làm thêm giờ, làm ngày làm đêm để phấn đấu đạt chỉ tiêu được giao.
Với việc Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đi vào vận hành thì công dân không cần chuẩn bị bất cứ loại giấy tờ gì khi làm thủ tục cấp CCCD. Quy trình cấp, đổi, cấp lại CCCD được thực hiện như sau: Bước 1: Công dân cung cấp thông tin cá nhân (Họ và tên, ngày tháng năm sinh…) để cán bộ tra cứu trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Bước 2: Cán bộ tiến hành lấy thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thu nhận vân tay, tả dạng, chụp ảnh, in phiếu thu nhận thông tin CCCD để công dân kiểm tra, đối chiếu. Bước 3: Ghi giấy hẹn trả công dân (công dân có thể chọn hình thức nhận thẻ CCCD trực tiếp hoặc qua đường Bưu điện). Hiện nay, người dân có thể làm CCCD tại nơi mình đang tạm trú mà không cần phải về nơi đăng ký thường trú. |