Những luận giải sâu sắc về Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn

Thứ Sáu, 15/01/2016, 17:54
Hội thảo khoa học “Đồng chí Trần Quốc Hoàn với cách mạng Việt Nam” do Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Bộ Công an phối hợp tổ chức sáng 15-1, tại Hà Nội với sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo cơ quan Trung ương, bộ, ban, ngành, nhiều nhân chứng lịch sử và đại diện gia đình.

Bằng những luận giải khoa học, các đại biểu đã tập trung phân tích, lý giải, góp phần làm sáng tỏ thêm về cuộc đời, sự nghiệp, cũng như khẳng định những đóng góp to lớn, quan trọng của đồng chí Trần Quốc Hoàn đối với Đảng, Nhà nước, cách mạng Việt Nam và lực lượng CAND…

Phóng viên Báo CAND lược ghi một số ý kiến tại hội thảo:

Đồng chí Nguyễn Đình Hương, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương: Học Bộ trưởng cách lựa chọn cán bộ khách quan, trung thực.

Là Bộ trưởng Bộ Công an, đồng chí Trần Quốc Hoàn có đóng góp nổi bật cả về tư duy chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia và về trình độ tổ chức lực lượng an ninh trong thời kỳ đất nước còn chiến tranh cũng như trong hoà bình, xây dựng đất nước.

Một tư tưởng chiến lược xuyên suốt quá trình giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Công an của đồng chí là muốn bảo vệ Đảng và Nhà nước thì điều quan trọng nhất là phải dựa vào dân. Chỉ có dân mới bảo vệ được Đảng và Nhà nước trong những bước ngoặt lịch sử.

Về nhiệm vụ bảo vệ Đảng, trải qua công tác thực tiễn đồng chí Trần Quốc Hoàn đã rút ra kết luận muốn chống kẻ địch bên ngoài xâm nhập vào nội bộ thì phải làm trong sạch từ bên trong. Và chiến lược đó không chỉ có giá trị trong thời chiến mà cả thời bình.

Đồng chí Trần Quốc Hoàn ngay thẳng, rất tôn trọng lẽ phải, tôi học tập được nhiều điều bổ ích, giúp cho tôi có cách nhìn nhận về con người, nhất là lựa chọn cán bộ sao cho khách quan, trung thực…

Th.S Bùi Đình Sâm, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Nghệ An: Con người hội tụ những tinh hoa của truyền thống quê hương và gia đình

Nam Đàn, quê hương của đồng chí Trần Quốc Hoàn thường được gọi là vùng Nam Nghệ Bắc Hà (phía Nam Nghệ An, phía Bắc Hà Tĩnh), là một trong những vùng quê có truyền thống hiếu học và sục sôi chí khí cách mạng. Là vùng đất nặng phù sa bởi nằm giữa hai con sông lớn gặp nhau trước khi đổ ra Biển Đông là sông La và sông Lam, nếu lấy quê ông làm tâm quay một cung tròn bán kính chừng 10km thì trong phạm vi ấy nơi đây có rất nhiều nhà yêu nước và cách mạng nổi tiếng.

Đặc biệt, vùng đất này đã kết tinh những gì tinh tuý nhất, sản sinh ra hai Danh nhân văn hoá thế giới là Nguyễn Du (thế kỷ XVIII) và Hồ Chí Minh (thế kỷ XX). Dòng họ Nguyễn Trọng của Trần Quốc Hoàn và dòng họ Nguyễn bên ngoại của ông đều là những dòng họ nổi tiếng hiếu học, có nhiều người đỗ đạt, yêu nước và cách mạng. Mẹ mất sớm, bố ông là người chịu khó, cần cù lao động, tần tảo nuôi con ăn học, mong cho con khôn lớn, trưởng thành, có ích cho dân, cho nước. Chính từ những yếu tố gia đình, truyền thống văn hoá, yêu nước và cách mạng hào hùng của quê hương đã hình thành nên những phẩm chất cao đẹp cho Trần Quốc Hoàn và thôi thúc ông tham gia hoạt động cách mạng ngay từ khi còn ở tuổi niên thiếu…

Đồng chí Nguyễn Thanh, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng Bộ Công an: Người Bộ trưởng say sưa học tập ở mọi nơi, mọi lúc.

Đồng chí Trần Quốc Hoàn hay nhắc câu nói của Mác: Sự dốt nát không có tội, đó là bi kịch của lịch sử, quyền lực cũng không có tội mà còn là cần thiết, nhưng nếu dốt nát cộng với quyền lực thì như thuốc súng cộng với lửa, sẽ rất tai hại, sẽ cực kỳ nguy hiểm.

Đồng chí thường tâm sự với chúng tôi: “Mình đi làm cách mạng từ nhỏ, học hành không được bao nhiêu, công việc cách mạng đòi hỏi rất nhiều hiểu biết, bây giờ giành được chính quyền, lại phụ trách cơ quan có quyền lực nên phải ra sức học tập, nếu không sẽ bị hạn chế, sẽ không đảm đương được nhiệm vụ, sẽ có hại cho cách mạng”.

Qua làm việc với đồng chí Hoàn nhiều năm, qua những câu chuyện, việc làm của anh, tôi thấy đồng chí là người luôn quan tâm học tập, say sưa học tập ở mọi nơi, mọi lúc, bằng nhiều cách, học ở mọi người.

Chính vì thế đồng chí có trình độ khá toàn diện về các mặt chính trị, văn hoá, khoa học kỹ thuật, nghệ thuật… và có thể làm những việc mà cách mạng giao, đáp ứng yêu cầu trong mọi tình huống.             

Quỳnh Vinh (ghi)
.
.
.