Hướng tới kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2015)

Nhớ về chiến dịch Chơn Thành - Bình Long

Chủ Nhật, 15/03/2015, 09:25
Nếu có một phép mầu, tôi chỉ mong tìm lại được hài cốt của các đồng đội tôi đã hy sinh trong chiến dịch Chơn Thành - Bình Long.

Chiến tranh đã lùi xa 40 năm, cứ đến ngày 30-4 là lòng tôi lại trào dâng những nỗi niềm khó tả. Tự hào về quãng thời thanh xuân và trĩu nặng nỗi nhớ thương những đồng đội đã ngã xuống. Nhớ về những năm tháng sống và chiến đấu kiên cường, đặc biệt là những trận đánh ác liệt trước ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam… 

Những tháng năm chiến đấu chống Mỹ, cứu nước ở chiến trường B2 - miền Đông Nam Bộ “gian lao mà anh dũng”, mảnh đất thành đồng của Tổ quốc đó in đậm lòng tôi.

Sau thắng lợi của chiến dịch Tây Nguyên tháng 3 năm 1975, chúng tôi, những người lính bám trụ ở chiến trường B2 - miền Đông Nam Bộ với những địa danh quen thuộc như Phước Long, Bù Gia Mập, Sông Bé, Bù Đốp, Lộc Ninh, sân bay Téc Ních,... được lệnh tham gia chiến đấu giải phóng thị xã An Lộc, Bình Long rồi Chơn Thành.

Chơn Thành là một căn cứ quân sự của Mỹ - ngụy rất kiên cố, ví như Xuân Lộc nổi tiếng ác liệt trước ngày miền Nam được giải phóng. Nơi đây án ngữ lực lượng Quân giải phóng ở cửa ngõ Tây Bắc chặn đứng đường 13 trước khi đến Bến Cát, Thủ Dầu Một (Bình Dương ngày nay), là lá chắn thép của cửa ngõ Sài Gòn - Gia Định.

An ninh vũ trang Đoàn 180 đang gói bộc phá chuẩn bị tiến đánh chi khu quân sự Mỏ Công - Tây Ninh.

Với địa hình chiến lược quan trọng nên địch tập trung một lực lượng quân sự hùng hậu với các sư đoàn bộ binh tinh nhuệ, lính dù, biệt động quân khét tiếng cộng với các lực lượng bảo an, dân vệ, biệt kích,... được trang bị hiện đại, có công sự vững chắc, xe tăng trong căn cứ được đặt âm xuống lòng đất.

Các trận địa pháo 175mm “vua chiến trường”, pháo 105mm, súng cối các loại yểm trợ hỏa lực suốt ngày đêm, trên trời các loại máy bay trinh sát L19, trực thăng HU1A, HC47, máy bay phản lực ném bom A37, F5 liên tục quần đảo bắn rốc két, ném bom cháy Napan, bom sát thương, bom xuyên phá,... vào đội hình chiến đấu của ta.

Trong chiến dịch này, chúng tôi, những người lính pháo cao xạ 57mm được trang bị khí tài, cùng với những đơn vị pháo cao xạ 37mm nằm trong đội hình của Sư đoàn 77 - phòng không quân giải phóng miền Đông Nam Bộ được lệnh áp sát lực lượng bộ binh của Sư đoàn 5 và 9 cùng bộ đội địa phương tỉnh Bình Long để trực tiếp bảo vệ các đơn vị bạn với phương châm “hiệp đồng chí cốt”.

Nghĩa là, lực lượng bộ binh tấn công địch, bảo vệ lực lượng phòng không, không để bộ binh địch đánh vào lực lượng phòng không và ngược lại, lực lượng phòng không đánh máy bay địch không để chúng đánh phá vào lực lượng bộ binh ta.

Trận đánh diễn ra ác liệt trong suốt 12 ngày đêm bắt đầu từ trung tuần tháng 3, kết thúc vào những ngày đầu tháng 4/1975. Ta và địch giành giật từng mét đất, thương vong cả 2 bên rất lớn…

Đêm 26/3/1975, sau những ngày chiếm lĩnh trận địa bị pháo các loại của địch bắn phá điên cuồng, song chúng tôi đã vào được vị trí cách địch 800m, nghe rõ cả tiếng loa lẫn tiếng hò hét của chúng. Gần 1h sáng 27/3/1975, khi đang làm nhiệm vụ cảnh giới, đồng chí Nguyễn Thế Lượng (quê ở Cầu Giấy, Hà Nội) đã cùng tổ hậu cần mang cơm cho đơn vị, bị địch phát hiện.

Chúng bất ngờ nã pháo 175mm vào trận địa, cả trận địa mù mịt trong lửa đạn. Đồng chí Lượng bị thương nặng vào bụng và đầu gối, đồng chí Hải bị thương vào bụng... Tôi chạy vội ra cùng y tá băng bó vết thương cho hai anh. Anh Lượng thều thào căn dặn: “Anh không sống nổi, em hãy chiến đấu và chiến thắng trở về”. Tôi ứa nước mắt nghẹn ngào: “Em sẽ chiến đấu đến cùng để trả thù cho anh và cho đồng chí, đồng bào đã ngã xuống...”.

Đại tá Nguyễn Ngọc Hùng.

Sau đó tôi cùng 2 đồng chí Tuấn, Thành là y tá cáng anh về phía sau trong làn pháo địch. Tôi một mình trở lại đơn vị trong đêm tối trong tiếng pháo, tiếng đạn vun vút quanh mình, sẵn sàng chiến đấu với 60 viên đạn của khẩu AK47 (2 băng để lắp tráo đầu) và 2 quả lựu đạn. Đề phòng nếu rơi vào tay địch sẽ sẵn sàng chiến đấu. Tang tảng sáng tôi về tới đơn vị, cùng đồng đội củng cố công sự.

Trận chiến đấu ác liệt diễn ra suốt 12 ngày liên tục, ban ngày từ 8h sáng đến hơn 17h. Nắng khô miền Đông gay gắt, đồng đội quần nhau suốt ngày với máy bay địch. Địch lồng lộn cay cú dùng hết tốp máy bay này đến tốp máy bay khác, điên cuồng bắn phá, song đội hình pháo cao xạ và bộ binh ta vẫn được giữ vững, tiếp tục tấn công địch…

Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt, đơn vị tôi đã bắn rơi 2 máy bay phản lực địch, toàn mặt trận giành thắng lợi, bắn rơi nhiều máy bay, phá hủy nhiều xe tăng, pháo, vũ khí, công sự của địch, tiêu diệt và bắt sống hàng ngàn tù binh. Chơn Thành hoàn toàn được giải phóng.

Chiến thắng nào cũng phải trả giá bằng xương máu của chiến sỹ và đồng bào ta. Sau chiến dịch, tôi biết tin anh Lượng hy sinh, lặng lẽ khóc một mình trong góc khuất, lòng căm thù địch trào dâng thôi thúc tôi hăng hái tham gia chiến dịch này nối tiếp chiến dịch khác cho đến ngày toàn thắng.

Sau chiến dịch Chơn Thành, tôi được cấp trên khen thưởng trước khi tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử dẫn đến toàn thắng của dân tộc. Cũng trong năm 1975, tôi được vinh dự kết nạp Đảng theo quy chế chiến trường, được chọn đi đào tạo sĩ quan tại miền Bắc. Các kỷ vật của liệt sĩ Lượng được tôi giữ như vật báu và đã trao lại đầy đủ cho gia đình anh Lượng trong niềm xúc động sâu sắc.

Đại tá Nguyễn Ngọc Hùng - Nguyên cán bộ Thanh tra Bộ Công an
.
.
.