Nhiều rào cản hành chính chính thức được dẹp bỏ

Thứ Hai, 04/07/2016, 08:08
50/50 Nghị định của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh thay thế cho các Thông tư của các Bộ ban hành trước đây đã được Thủ tướng chính thức ký ban hành. Thông tin này được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng xác nhận với Báo CAND chiều 3-7.

Cho đến chiều 3-7, đã có 8 trong số 50 Nghị định trên được đăng tải công khai trên webiste Chính phủ. Đó là Nghị định số 57/2016 sửa đổi, bổ sung Điều 7 Nghị định số 10/2010 về hoạt động thông tin tín dụng; Nghị định 58/2016 về kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự và xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự; Nghị định 60/2016 về một số điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường; Nghị định 62/2016 về điều kiện hoạt động giám định tư pháp xây dựng và thí nghiệm chuyên ngành xây dựng; Nghị định 63/2016 về điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới; Nghị định 64/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2010 về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; Nghị định 65/2016 về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ôtô và dịch vụ sát hạch lái xe; Nghị định 66/2016 quy định điều kiện đầu tư kinh doanh về bảo vệ và kiểm dịch thực vật; giống cây trồng; nuôi động vật rừng thông thường; chăn nuôi; thủy sản; thực phẩm.

Thời điểm 1-7 được giới doanh nghiệp chào đón như một dấu mốc về cải thiện môi trường kinh doanh.

Theo Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, việc công bố đang được khẩn trương tiến hành để không tạo một khoảng trống chính sách nào, khi gần 3.000 điều kiện kinh doanh quy định tại các Thông tư đã chính thức hết hiệu lực vào ngày 1-7.

Theo các Nghị định mới ban hành này, hàng loạt quy định rối rắm đã được “cởi bỏ”. Đơn cử, Nghị định 63 về điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới đã bỏ quy định “nhà văn phòng của đơn vị đăng kiểm phải có diện tích tối thiểu 90m2” trong dự thảo trước đó, vốn được các chuyên gia cho rằng không nên quy định, bởi diện tích văn phòng lớn hay nhỏ không ảnh hưởng tới chất lượng hoạt động kiểm định.

Đáng chú ý, phần Nghị định về điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật cũng không còn nội dung “mỗi doanh nghiệp chỉ được đăng ký 1 hàm lượng hoạt chất cho mỗi dạng thành phẩm của thuốc bảo vệ thực vật” như thông tư trước đây vốn bị các doanh nghiệp phản ứng rất mạnh…

Trong thời gian tới, khi tiếp cận được nội dung toàn bộ các Nghị định, bức tranh về việc cải thiện môi trường kinh doanh sẽ sáng rõ hơn.

Tuy nhiên, theo quan điểm của Chính phủ, việc rà soát, “cởi trói” sẽ không kết thúc khi 50 Nghị định này được ban hành mà sẽ được tiếp tục thực hiện. Các vấn đề vướng mắc, gây khó khăn cho DN sẽ tiếp tục được bãi bỏ hoặc sửa đổi hàng năm.

Mặc dù được xây dựng theo quy trình rút gọn trong một thời gian rất gấp gáp, nhưng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần nhấn mạnh vừa phải bảo đảm tiến độ, vừa phải bảo đảm chất lượng, không “nâng cơ học” các điều kiện đầu tư, kinh doanh từ thông tư lên nghị định, tức là chỉ thay đổi cái tên, mà phải kiên quyết cắt bỏ các điều kiện kinh doanh bất hợp lý, loại bỏ các giấy phép con; quy định về điều kiện phải minh bạch, rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện.

Trước thời điểm 1-7, mặc dù vẫn còn những điểm chưa hài lòng vì thời gian quá gấp, nhưng nhiều chuyên gia của VCCI, CIEM đều bày tỏ sự tin tưởng vào chất lượng các Nghị định, bởi Chính phủ đã có 2 ngày làm việc rất “căng” với các chuyên gia, đối thoại thẳng thắn về 311 kiến nghị của VCCI và 67 kiến nghị của CIEM trước khi hoàn thiện các văn bản.

Việc ban hành các Nghị định này được đánh giá là bước đột phá chưa từng có từ trước đến nay trong xây dựng và hoàn thiện thể chế của Chính phủ. Tuy nhiên, với tinh thần “hoàn thiện pháp luật là một quá trình liên tục”, Chính phủ đã kêu gọi cộng đồng các doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề, các cơ quan tổ chức và nhân dân tăng cường giám sát, phản biện, kiến nghị sửa đổi hoặc loại bỏ các quy định về điều kiện kinh doanh bất hợp lý, không phù hợp.

Trong 6 tháng cuối năm nay, vẫn còn 59 văn bản thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và 98 thông tư cần phải ban hành. Thủ tướng đã yêu cầu ưu tiên các nguồn lực; cải tiến thủ tục, cho phép áp dụng thủ tục rút gọn, rút ngắn thời gian soạn thảo, thẩm định, thẩm tra… để đến cuối năm nay chính thức chấm dứt nợ đọng văn bản.

V. Hân
.
.
.