Người dân được quyền giám sát CSGT thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình

Thứ Tư, 09/10/2019, 18:52
Bộ Công an vừa hoàn tất dự thảo Thông tư Quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, ATGT để lấy ý kiến trước khi ban hành. Dự thảo này khi được thông qua sẽ thay thế Thông tư 54 của Bộ Công an ban hành từ năm 2009.


Người dân có 5 hình thức giám sát CSGT

Sau khi tiếp thu ý kiến người dân, dự thảo lần này quy định, người dân được thực hiện quyền giám sát của mình đối với hoạt động của Công an nhân dân (CAND), trong đó có lực lượng CSGT, trong đó gồm: việc tuân thủ các quy định của pháp luật trong công tác bảo đảm trật tự, ATGT; việc chấp hành điều lệnh, thái độ, tác phong của cán bộ, chiến sĩ Công an khi làm nhiệm vụ. 

Việc nhân dân giám sát CAND phải khách quan, trung thực, đúng quy định của pháp luật, không được làm cản trở, ảnh hưởng đến việc thực thi nhiệm vụ của cán bộ, chiến sỹ.

CSGT tuyên truyền Luật GTĐB cho các lái xe

Dự thảo đã bổ sung thêm một số hình thức giám sát của người dân đối với hoạt động của CAND, CSGT. Cụ thể, sẽ có 5 hình thức nhân dân giám sát CAND trong công tác bảo đảm trật tự, ATGT, gồm: thông qua các thông tin công khai của CAND và phản hồi qua các phương tiện thông tin đại chúng; thông qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật; thông qua tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sỹ; thông qua kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp theo quy định của pháp luật và không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sỹ thực thi nhiệm vụ.

Theo Dự thảo, Thủ trưởng cơ quan công an có cán bộ, chiến sỹ được nhân dân góp ý, nhận xét phải có trách nhiệm xem xét, xử lý kịp thời theo đúng quy định của pháp luật.

Công khai các tuyến đường có lắp đặt hệ thống giám sát, xử lý vi phạm

Dự thảo cũng đưa ra những việc phải công khai trong công tác bảo đảm trật tự, ATGT. Như trong công tác TTKS và xử lý vi phạm hành chính, lực lượng công an làm nhiệm vụ phải công khai văn bản quy định về quy trình TTKS và xử lý vi phạm hành chính, trừ những nội dung thuộc bí mật nhà nước và các hoạt động nghiệp vụ của CAND trong đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, các loại tội phạm trên tuyến giao thông.

CSGT kiểm tra nồng độ cồn lái xe

Phải công khai tên, địa chỉ, số điện thoại, số fax, hòm thư góp ý, số điện thoại đường dây nóng, địa chỉ thư điện tử của cơ quan Công an có nhiệm vụ TTKS và xử lý vi phạm hành chính; tên, cấp bậc và chức vụ của cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ tại nơi tiếp dân xử lý vi phạm hành chính. Công khai đối tượng, hành vi vi phạm kiểm soát, xử lý; điểm kiểm soát, xử lý một số hành vi vi phạm thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật; tuyến đường có lắp đặt hệ thống giám sát, xử lý vi phạm.

Đồng thời, công khai trang phục và các phương tiện, thiết bị kỹ thuật, công cụ hỗ trợ được công khai theo quy định; công khai nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, chiến sỹ khi làm nhiệm vụ TTKS và xử lý vi phạm hành chính; công khai quyền và nghĩa vụ của công dân khi cán bộ, chiến sỹ thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính.

CBCS Cục CSGT tặng áo ấm cho các cháu học sinh

Những việc công khai trong công tác đăng ký, cấp biển số xe; Công tác chỉ huy, điều khiển giao thông và dẫn đoàn; Công tác giải quyết TNGT cũng được quy định cụ thể trong dự thảo.

Căn cứ vào đặc điểm, tính chất và nội dung phải công khai, cơ quan Công an áp dụng một, một số hoặc tất cả các hình thức công khai như: Đăng tải trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của cơ quan Công an; Đăng Công báo; Niêm yết tại trụ sở cơ quan Công an; Công khai trên phương tiện thông tin đại chúng ; Panô, áp phích; Thông qua việc tiếp công dân, họp báo, thông cáo báo chí, hoạt động của người phát ngôn trong lực lượng CAND theo quy định của pháp luật.
Phương Thuỷ
.
.
.