Ngoại giao và thơ Kiều

Thứ Năm, 09/07/2015, 09:20
Kết thúc bài phát biểu tại cuộc chiêu đãi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã dẫn hai câu thơ trong “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du để bày tỏ tin tưởng vào tương lai phát triển của đối tác toàn diện Hoa Kỳ - Việt Nam:
Trời còn để có hôm nay
Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời
>> Tuyên bố về Tầm nhìn chung Việt Nam-Hoa Kỳ

Chỉ sau vài giờ thông tin trên mạng, đã có hàng trăm bạn đọc bình luận câu Kiều và ngữ cảnh mà vị Phó Tổng thống Hoa Kỳ đã diễn đạt. Một bạn đọc bình điều này như sau: “Thật không ngờ một người Hoa Kỳ dù xa xôi bên kia bán cầu, ở nền văn hóa có nhiều khác biệt, không được học Truyện Kiều từ phổ thông lại dùng câu Kiều hay và rất đúng ngữ cảnh như vậy. Thật tuyệt vời khi người Mỹ đã hiểu sâu hơn về văn hóa, con người Việt Nam. Hãy bắt tay nhau để xây dựng và phát triển mối quan hệ giữa hai đất nước”.

Trong mối quan hệ ngoại giao, để nói về nội dung và ý nghĩa, người ta cần sử dụng rất nhiều văn bản, tài liệu, cũng như các thông số, thông cáo được đưa ra. Nhưng đôi khi sử dụng văn hóa thi ca, cả tục ngữ, thành ngữ, ca dao…lại có góc diễn đạt riêng và điều này cũng đem lại sự thú vị mà các văn từ khó thay thế. Người Việt Nam ta thường sử dụng Kiều để ngẫm, suy, lẩy Kiều để ứng vào những hoàn cảnh, bối cảnh cụ thể thay cho lời muốn nói và điều ấy đã lưu truyền hàng trăm năm, trở thành bản sắc văn hóa rất độc đáo của dân tộc.

Hôm nay, trong chuyến thăm lịch sử của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam tới Hoa Kỳ, bên cạnh nội dung, ý nghĩa chuyến thăm đã được thể hiện rõ qua các văn bản, thể hiện qua tuyên bố chung, qua các phát biểu của lãnh đạo hai nước thì hai câu Kiều trong phát biểu của vị Phó Tổng thống Hoa Kỳ tựa như hương sắc tô điểm dấu ấn mối quan hệ giữa hai nước. 

Thông điệp mà Phó Tổng thống Hoa Kỳ muốn truyền gửi qua hai câu Kiều là: Quá khứ đã khép lại, giờ là lúc “sương tan đầu ngõ”, là lúc “vén mây giữa trời”, hai nước vượt qua những rào cản, thách thức để cùng đẩy mạnh quan hệ hợp tác đối tác toàn diện, cùng tin tưởng vào tương lai tốt đẹp.

Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên một chính khách Hoa Kỳ lẩy Kiều để nói về mối quan hệ hợp tác hai nước. Còn nhớ, vào tháng 11/2000, trong chuyến thăm đầu tiên tới Việt Nam trên cương vị Tổng thống Hoa Kỳ, ông Bill Clinton cũng đã để lại những ấn tượng tốt đẹp, gần gũi khi đọc hai câu Kiều để nói về chiều hướng phát triển của quan hệ hai nước. 

Khi đó, Tổng thống Bill Clinton phát biểu: “Nhân dân Hoa Kỳ vui mừng vì đã đến lúc chúng ta có thể trở thành đối tác. Như trong Truyện Kiều đã nói: “Sen tàn cúc lại nở hoa/ sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân”. Nay ký ức băng giá về quá khứ đã bắt đầu tan. Những phác thảo của một tương lai ấm áp chung đã bắt đầu hình thành. Cùng nhau chúng ta hãy tận hưởng ngày xuân ấm áp này”.

Mười lăm năm trước, tức chỉ sau 5 năm hai bên bình thường hóa quan hệ, 25 năm sau khi kết thúc chiến tranh, người đứng đầu Nhà Trắng đã tin tưởng vào mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước như một quy luật của đất trời “sen tàn cúc lại nở hoa”, để đặt niềm tin “đông đà sang xuân” thì nay, sau 20 năm bình thường hóa quan hệ hai nước, khi đã ở dấu mốc mới thì bối cảnh “tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời” là sự khẳng định, củng cố niềm tin mà hai  bên đã tạo dựng và nâng tầm trong tương lai. Chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Hoa Kỳ sẽ còn được đề cập nhiều trên các phương tiện truyền thông quốc tế. Và trong rất nhiều nội dung được khẳng định, hiển nhiên người ta sẽ nhớ tới hai cầu Kiều, thật sâu sắc, thật dễ nhớ và thật ý nghĩa, cũng như những gì mà Tổng thống Bill Clinton ngày trước cũng đã bày tỏ. 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói với các nhà báo hai nước sau cuộc hội đàm với Tổng thống Barack Obama rằng: Có lẽ cách đây 20 năm không ai có thể hình dung được rằng hôm nay, tại phòng Bầu dục, Nhà Trắng lại có cuộc gặp rất thú vị giữa Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam với Tổng thống Hoa Kỳ. Từ hai nước “cựu thù”, Việt Nam và Hoa Kỳ đã trở thành bạn, rồi đối tác toàn diện và trong tương lai mối quan hệ đó sẽ còn phát triển tốt hơn nữa. Có được điều này là nhờ tầm nhìn chiến lược, nhờ sự cố gắng của lãnh đạo hai nước đồng thời có sự ủng hộ to lớn của nhân dân vì quan hệ hai nước Việt Nam – Hoa Kỳ phù hợp với lợi ích của nhân dân, đồng thời phù hợp với xu thế phát triển trên thế giới hiện nay. Đó là hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển và cùng nhau thịnh vượng. 

Đăng Trường
.
.
.