Loay hoay xử lý hơn 4.000 đường ngang dân sinh

Thứ Bảy, 12/08/2017, 09:28
Báo cáo của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, hiện trên toàn quốc có 5.564 điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt. Trong đó, đường ngang hợp pháp là 1.516 điểm, còn đường dân sinh, lối đi dân sinh tự mở là 4.048 điểm (chiếm 74%). Tuy nhiên, ngay cả với 1.564 đường ngang hợp pháp này thì có đến 86% không đủ tiêu chuẩn quy định.

“Trên 4.000 lối đi đường ngang phát sinh là trách nhiệm từ vấn đề quy hoạch, quản lý, chính quyền các cấp có tuyến đường sắt đi qua. Đường sắt có hàng trăm năm nay rồi tại sao trước không phát sinh, bây giờ để phát sinh nhiều thế? Vỉa hè xây nhà chỉ cần đổ vật liệu xây dựng ra buổi sáng là buổi chiều bị nhắc nhở. Tại sao nhiều đường ngang phát sinh như vậy mà chính quyền địa phương không có ý kiến gì?”- Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đã tỏ thái độ gay gắt tại cuộc họp về đảm bảo an toàn giao thông đường sắt do Tổng Công ty Vận tải đường sắt Việt Nam tổ chức ngày 10-8.

Báo cáo của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, hiện trên toàn quốc có 5.564 điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt. Trong đó, đường ngang hợp pháp là 1.516 điểm, còn đường dân sinh, lối đi dân sinh tự mở là 4.048 điểm (chiếm 74%).  Tuy nhiên, ngay cả với 1.564 đường ngang hợp pháp này thì có đến 86% không đủ tiêu chuẩn quy định.

Ông Đới Sỹ Hưng, Phó Tổng Giám đốc VNR cho biết, tính đến 31-7-2017, VNR đã xóa bỏ được 391 vị trí lối đi tự mở. Trong đó, riêng 7 tháng đầu năm 2017, xóa được 234 lối. Đối với các lối đi tự mở không thể thu hẹp mà chưa được cảnh giới, các đơn vị của VNR đã trực tiếp làm việc với Ban ATGT các địa phương để cảnh giới.

Bên cạnh đó, ông Đới Sỹ Hưng cũng cho biết, việc phối hợp với các địa phương trong việc cảnh giới cũng như ngăn chặn lối đi tự mở còn nhiều bất cập. Cụ thể, nhiều địa phương chưa triển khai đầy đủ các nội dung Quy chế phối hợp đã ký kết với Bộ GTVT.

Đặc biệt, 10 tỉnh chưa tổ chức cảnh giới tại các lối đi tự mở có nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông cao, gồm: Lào Cai, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Thuận; 3 tỉnh, thành phố tổ chức cảnh giới rất ít vị trí so với yêu cầu thực tế (Yên Bái, Hải Phòng, Nghệ An); 3 tỉnh, thành phố chưa chỉ đạo UBND một số xã, phường, thị trấn tiếp nhận quản lý lối đi tự mở trên địa bàn (Hải Phòng, Phú Yên, Khánh Hòa).

Ngành đường sắt đang tìm nhiều cách để đảm bảo ATGT, tìm lại thị phần khách hàng.

Bên cạnh đó, việc chủ trì giải tỏa, cưỡng chế vi phạm hành lang, phạm vi bảo vệ công trình đường sắt ở một số địa phương thiếu quyết liệt; các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường sắt chưa được xử lý kịp thời.

Trước tình hình trên, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho rằng, quản lý hành lang an toàn đường sắt không thể tách rời nhiệm vụ quan trọng của chính quyền địa phương. Trên 4.000 điểm đường ngang phát sinh là trách nhiệm từ vấn đề quy hoạch, quản lý, chính quyền các cấp có tuyến đường sắt đi qua.

“Vừa rồi, tôi đi  kiểm tra thấy nhiều khu dân cư tập trung quy hoạch nhưng không nghiêm túc vẫn để lấn chiếm. Đường sắt có hàng trăm năm nay rồi tại sao trước không phát sinh giờ lại để phát sinh nhiều thế?”, ông Thọ đặt câu hỏi.

Theo ông Đới Sỹ Hưng bày tỏ, thực tế hiện nay, một số chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác đảm bảo trật tự an toàn đường sắt trên địa bàn quản lý, việc quản lý lối đi tự mở đã được đóng, thu hẹp gặp nhiều khó khăn do người dân cố tình phá hoại tình trạng vi phạm hành lang, phạm vi bảo vệ công trình đường sắt và tái lấn chiếm vẫn xảy ra.

Đặc biệt, lãnh đạo ngành đường sắt nêu khó khăn về vốn. Ông Hưng cho biết, mặc dù nguồn kinh phí được cấp để thực hiện các hạng mục theo Quyết định 994 là 26.358 tỷ, nhưng mới được cấp cho hạng mục nâng cấp, sửa chữa đường ngang đường sắt 280 tỷ đồng. Tuy nhiên, Thứ trưởng Lê Đình Thọ khẳng định, ngân sách Nhà nước để làm những thứ thiết yếu hơn còn đảm bảo hành lang an toàn đường sắt có những hạng mục không cần đến quá nhiều tiền.

“Chúng ta đều biết ngân sách khó khăn, chúng ta không có tiền nhiều nhưng ít tiền ta vẫn phải làm được. Dùng biện pháp hành chính xử lý thì khó khăn nhưng phát động phong trào cả hệ thống vào cuộc thì hiệu quả rất cao. Đẩy mạnh tuyên truyền là điều cần thiết. Việc này cần tiền nhưng không nhiều” – ông Thọ chỉ đạo. 

Đặng Nhật
.
.
.