Năm 2015, thu ngân sách vượt dự toán gần 40.000 tỷ đồng
Trong buổi làm việc này, lãnh đạo Chính phủ đã lưu ý đến khả năng lạm phát tăng trở lại vào 2016 và sức ép cạnh tranh ngày càng lớn trong hội nhập kinh tế kể từ nay về sau.
Là một năm được dự báo rất căng thẳng về ngân sách, bởi riêng giá dầu giảm đã làm hụt thu tới 63.000 tỷ đồng ngân sách Trung ương, nhưng theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, kết quả thu ngân sách năm nay khả quan, vượt dự toán và vượt cả chỉ tiêu Quốc hội giao.
Hội nghị của Chính phủ với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016. |
Tính đến ngày 26/12, thu ngân sách đã vượt 4,2% so với dự toán 911.000 tỷ đồng Quốc hội giao, tương đương gần 40.000 tỷ. Dự báo cả năm đạt 973.000 – 976.000 tỷ đồng, tăng 62.000 – 65.000 tỷ đồng so với dự toán và tăng 13% so với số thực hiện 2014. Theo đó, 10.000 tỷ đồng thu từ cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước để đưa vào cân đối Ngân sách Trung ương 2015 do giá dầu giảm dù đã được Quốc hội đồng ý, nhưng có thể sẽ không cần dùng đến. Trong các địa phương trên cả nước, có 55 địa phương hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách, chỉ có 8 địa phương hụt thu, nhưng số lượng không lớn.
Có 36 địa phương thu vượt trên 10%. Dự báo 2016 sẽ tiếp tục là một năm khó khăn, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đề nghị các địa phương từ đầu năm phải quyết liệt trong việc thu ngân sách, quản lý chi phải cực kỳ triệt để, tiết kiệm. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng lưu ý các bộ, ngành, địa phương tăng hiệu quả của các đoàn đi ra nước ngoài. “Dù năm 2015 chỉ còn 2105 đoàn ra nước ngoài, giảm 10% so với năm trước, nhưng vẫn còn 20% các tỉnh, thành tăng các đoàn đi ra nước ngoài, nhiều đoàn chủ yếu đi “học tập kinh nghiệm”, chưa có chương trình hợp tác cụ thể”.
Phát biểu chỉ đạo về nhiệm vụ năm 2016 cũng như trong 5 năm tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp lớn, như tiếp tục đảm bảo và tăng cường sự ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát, thực hiện hiệu quả hơn nữa tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế; tiếp tục quan tâm thúc đẩy phát triển văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội; tập trung chỉ đạo tốt hơn nữa cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh; giảm chi phí phiền hà cho doanh nghiệp và người dân; nâng cao hiệu quả của công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; chủ động cung cấp thông tin, phát huy quyền làm chủ của người dân trên tất cả các lĩnh vực để tạo đồng thuận xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc; phát huy những kết quả đã làm được, khắc phục những tồn tại, hạn chế để hoàn thành các mục tiêu đề ra.