Trung Quốc vận hành 3 nhà máy điện hạt nhân gần biên giới Việt Nam:

Mối lo về an toàn phóng xạ

Chủ Nhật, 09/10/2016, 08:40
Việc Trung Quốc đưa vào hoạt động 3 nhà máy điện hạt nhân gần biên giới Việt Nam được các chuyên gia đánh giá là tạo ra nhiều mối lo ngại về an toàn phóng xạ.

Trong năm 2016, đã có 3 nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc được đưa vào vận hành gồm nhà máy Phòng Thành trên địa bàn tỉnh Quảng Tây, nhà máy Trường Giang ở tỉnh Quảng Đông và nhà máy Xương Giang nằm trên đảo Hải Nam.

Trong đó, nhà máy điện hạt nhân Phòng Thành đã vận hành tổ máy số 1, 2 với công suất 1.000MW. Nhà máy điện hạt nhân Xương Giang đã vận hành tổ máy số 1, 2 và nhà máy điện hạt nhân Trường Giang đã vận hành 3 tổ máy.

Theo kế hoạch, mỗi nhà máy này có thể có đến 6 tổ máy. Vị trí xây dựng các nhà máy này đều khá gần biên giới Việt Nam, nơi gần nhất khoảng hơn 50km.

Trong tương lai, Trung Quốc tiếp tục theo đuổi mục tiêu phát triển điện hạt nhân nhằm thay thế nhiệt điện và có xu hướng triển khai các dự án xuống phía Nam, sát biên giới Việt Nam.

Sau sự cố Fukushima, nhiều quốc gia e ngại về điện hạt nhân. Ảnh minh họa.

Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), tính đến ngày 20-9-2016, Trung Quốc đã có 35 tổ máy điện hạt nhân đang hoạt động với tổng công suất là 31.617 MW. Ngoài ra, còn có 20 tổ máy khác đang được xây dựng (tổng công suất là 22.956 MW) và có 42 dự án khác nằm trong kế hoạch xây dựng (tổng công suất là 47.930 MW).

Đến năm 2030, Trung Quốc có thể sẽ vận hành tới 110 nhà máy điện hạt nhân. Con số này sẽ nâng lên 170 vào năm 2050. Hiện nay, công nghệ điện hạt nhân Trung Quốc áp dụng chủ yếu là 2+ và 3.

Theo một chuyên gia về an toàn bức xạ, sự cố hạt nhân đều rất nghiêm trọng, ảnh hưởng tới nhiều thế hệ. Độ phát tán phóng xạ rất rộng, do vậy, với khoảng cách chỉ hơn 50km, nếu xảy ra sự cố sẽ là tai họa.

"Điện hạt nhân là rất cần thiết để giải quyết nhu cầu thiếu điện trên thế giới. Nhưng làm điện hạt nhân rất phức tạp. Việc đảm bảo an toàn phóng xạ rất khó, sự cố có thể xảy ra trong gang tấc, ngoài tầm kiểm soát của con người. 

Trong điều kiện Trung Quốc đã đưa vào vận hành các tổ máy điện hạt nhân gần biên giới, Việt Nam cần tăng cường hợp tác quốc tế để trao đổi, nắm bắt thông tin. Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cần theo dõi, giám sát chặt chẽ, yêu cầu phía Trung Quốc phải minh bạch hoá thông tin" – vị chuyên gia nhận định.

PGS.TS Trần Thanh Minh – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kĩ thuật hạt nhân cho biết, với khoảng cách hơn 50km, chỉ cần gió mùa đông bắc thì tất cả bụi phóng xạ sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam. 

Mặc dù công nghệ điện hạt nhân trên thế giới ngày càng an toàn hơn nhưng không có công nghệ nào an toàn tuyệt đối. Nếu có sự cố, mối nguy hại với Việt Nam là rất lớn.

Theo vị chuyên gia này, điện hạt nhân vẫn là xu hướng chung của thế giới. Tại Pháp, điện hạt nhân chiếm tới 75%. Các nước phát triển cũng đang đẩy mạnh điện hạt nhân để giải quyết nhu cầu điện năng.

Điện gió và điện mặt trời được coi là an toàn nhất nhưng đầu tư cao, không phải nước nào cũng làm được. Một tổ hợp điện gió nhiều nhất cũng chỉ đạt công suất 100MW trong khi một tổ hợp điện hạt nhân có thể đạt công suất hơn 1.000MW.

PGS Minh nói thêm: "Không chỉ Trung Quốc, các nước Lào, Campuchia cũng đang rục rịch xây dựng các nhà máy điện hạt nhân gần Việt Nam".

Trong bối cảnh các nhà máy điện hạt nhân được xây dựng ngày càng nhiều sát biên giới, việc xây dựng hệ thống mạng lưới quan trắc cảnh báo phóng xạ môi trường trở nên hết sức cấp bách nhằm kịp thời ghi nhận, phát cảnh báo nếu có sự cố. Tuy nhiên, đến nay, mạng lưới này vẫn chưa được hoàn thành do thiếu kinh phí đầu tư.

Hiện cả nước mới có 2 trạm quan trắc phóng xạ quốc gia đặt tại Viện Khoa học kĩ thuật hạt nhân và Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt.

Với sự giúp đỡ của Hàn Quốc, Nhật Bản, một số thiết bị cảnh báo phóng xạ online cũng được lắp đặt tại các địa phương như Lào Cai, Lạng Sơn, Hải Phòng, Móng Cái...

"Trước mắt, chúng tôi sẽ đầu tư những điểm quan trắc có tính chất cấp bách như khu vực miền núi phía Bắc để kịp thời ghi nhận thông tin nếu có sự cố từ các nhà máy của Trung Quốc" – TS Nguyễn Hào Quang, Viện phó Viện Năng lượng nguyên tử cho biết.

Khánh Vy
.
.
.