Lực lượng Công an nhân dân góp phần xứng đáng vào chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”
Đúng vào những ngày này cách đây 40 năm, từ ngày 18 đến 29/12/1972, đế quốc Mỹ đã cho máy bay chiến lược B52 và các loại máy bay chiến thuật trút hơn 100 nghìn tấn bom xuống Hà Nội, Hải Phòng và một số mục tiêu trọng yếu khác trên miền Bắc nước ta, hòng đè bẹp ý chí chiến đấu của quân và dân ta, gây sức ép buộc ta phải chấp nhận những điều kiện của họ tại Hội nghị Paris về “Chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”.
Với tinh thần chiến đấu kiên cường, quả cảm, mưu trí, sáng tạo, quân và dân ta đã đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích đường không chiến lược chủ yếu bằng B52 của đế quốc Mỹ, làm nên chiến thắng lừng lẫy “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, buộc đế quốc Mỹ phải ngồi lại vào bàn đàm phán, ký kết Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, tạo ra bước ngoặt lịch sử, góp phần rất quan trọng đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Trong trận chiến đấu 12 ngày đêm lịch sử ấy, có sự đóng góp quan trọng của lực lượng Công an nhân dân trên lĩnh vực bảo vệ an ninh, trật tự, bảo vệ tài sản của Nhà nước, tính mạng, tài sản của nhân dân.
Ngay từ năm 1971, tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 26, Đảng đoàn và lãnh đạo Bộ Công an đã xác định rõ phương hướng, nhiệm vụ cho toàn lực lượng Công an năm 1972 là: “Tiếp tục giữ vững an ninh chính trị và bảo đảm trật tự xã hội với yêu cầu cao hơn và khẩn trương hơn; xác định các địa bàn trọng điểm phải tập trung chỉ đạo là Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh.
Các cấp Công an từ Đồn, Huyện đến Ty, Sở đều phải chuyển sang thực hiện nếp sống quân sự hoá, mọi sinh hoạt, công tác, học tập đều phải chuyển hướng theo tình hình thời chiến để có thể sẵn sàng đối phó có hiệu quả trước mọi âm mưu phiêu lưu quân sự mới của địch”. Đồng thời, quán triệt Nghị quyết số 220-NQ/TW, ngày 1/6/1972 của Bộ Chính trị “Về chuyển hướng và đẩy mạnh mọi mặt công tác ở miền Bắc để tiếp tục đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, Bộ Công an đã kịp thời có kế hoạch chuyển hướng hoạt động nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự trong tình hình mới.
Khi đế quốc Mỹ gây chiến tranh phá hoại trở lại miền Bắc, thả mìn, phong toả cảng và đánh phá thành phố Hải Phòng, Bộ Công an đã chỉ đạo Sở Công an Hà Nội cử đoàn cán bộ xuống Hải Phòng nghiên cứu quy luật đánh phá của địch, rút kinh nghiệm công tác phòng không sơ tán, khắc phục hậu quả, giữ gìn trật tự, an ninh của thành phố Hải Phòng để bổ sung kịp thời vào kế hoạch và các phương án chiến đấu của Công an Thủ đô.
Quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Bộ Công an, Công an Hà Nội, Công an thành phố Hải Phòng và một số địa phương khác đã tổ chức thực tập phương án phối hợp, hiệp đồng chiến đấu giữa lực lượng Công an với lực lượng Quân đội, Giao thông, Y tế... trong công tác đảm bảo giữ gìn an ninh, trật tự khi có tình huống xảy ra. Lực lượng Công an đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền tổ chức sơ tán ra khỏi các thành phố Hà Nội, Hải Phòng hơn 500.000 người già, trẻ em và những người không trực tiếp sản xuất, chiến đấu; tổ chức lực lượng tuần tra, canh gác bảo vệ những địa bàn trọng điểm, bảo vệ các tuyến đường giao thông vận tải và tổ chức các đội cứu hỏa, cứu sập; phối hợp với các ban, ngành trong việc nạo vét, củng cố các hầm trú ẩn đã có, tích cực làm hầm mới và lập hồ sơ hầm trú ẩn trong thành phố; thành lập các đội tải thương, cứu thương, sửa chữa điện, nước, thu dọn đường sá, hướng dẫn giao thông, chôn cất người hy sinh và cứu giúp người bị nạn; phối hợp với Quân đội thành lập bộ chỉ huy chung để thống nhất chỉ đạo, xây dựng và triển khai thực hiện các phương án tuần tra cảnh giới, bảo vệ mục tiêu. Công tác tuần tra, bảo vệ an toàn tài sản của những người dân đi sơ tán đã được lực lượng Cảnh sát khu vực, Cảnh sát bảo vệ phối hợp với lực lượng dân quân, tự vệ đảm bảo tốt.
Công an các địa phương đã mở đợt tấn công trấn áp những phần tử có thể gây nguy hại đến an ninh, trật tự, bắt tập trung giáo dục, cải tạo hàng nghìn đối tượng lưu manh, trộm cắp. Do công tác chuẩn bị khẩn trương, tích cực, nên khi bước vào cuộc chiến đấu ác liệt với địch, lực lượng Công an đã đối phó với tình hình một cách chủ động, linh hoạt, bảo vệ an ninh, trật tự, phục vụ tốt nhiệm vụ chiến đấu, góp phần làm giảm thiệt hại về tài sản của Nhà nước, tính mạng và tài sản của nhân dân.
Trong chiến dịch 12 ngày đêm chiến đấu, giữa mưa bom, bão đạn, cán bộ, chiến sĩ Công an Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương đã luôn bám sát vị trí chiến đấu, tiếp tục làm tốt công tác vận động nhân dân phòng không sơ tán, dũng cảm cứu dân, bảo vệ tài sản của Nhà nước và tài sản của nhân dân. Lực lượng Cảnh sát bảo vệ đã dũng cảm chiến đấu, bảo vệ các mục tiêu chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật của Trung ương và địa phương, như Đài phát thanh Mễ Trì (Từ Liêm), kho xăng Đức Giang (Gia Lâm), Đài Điện Ly (Đông Anh), Đài phát tín Sơn Đồng (Hoài Đức), Cầu Long Biên, Nhà máy Điện Yên Phụ ở Hà Nội, Cảng Hải Phòng và các mục tiêu khác thường xuyên bị máy bay Mỹ bắn phá. Lực lượng Công an đã ngày, đêm bám trụ, tổ chức việc cứu người, dập lửa, tổ chức canh gác, chăm lo bảo vệ tài sản cho nhân dân; thăm hỏi động viên những gia đình bị nạn, tích cực góp phần cùng với chính quyền địa phương và các đoàn thể nhanh chóng ổn định mọi sinh hoạt thường ngày cho nhân dân. Đặc biệt, lực lượng Công an Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh... đã không quản nguy hiểm đến tính mạng, tập trung đào bới cứu hàng nghìn người bị sập hầm.
Hình ảnh người chiến sĩ Công an với sắc phục truyền thống, có mặt ở các trận địa nóng bỏng nhất, trên từng con đường, ngõ, phố của Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh... trong 12 ngày đêm chiến đấu đã trở nên quen thuộc, gần gũi với người dân. Xuất hiện nhiều tấm gương cán bộ, chiến sĩ Công an xông pha trong nơi lửa đạn cõng em bé, cụ già ra hầm trú ẩn; hướng dẫn và cùng đội viên dân phòng, bảo vệ dân phố chữa cháy, cứu thương, cứu sập; tiêu biểu cho tinh thần “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ” là tấm gương của Anh hùng Nguyễn Văn Uân, Cảnh sát khu vực Mai Hương, khu phố Hai Bà Trưng đã dũng cảm hy sinh thân mình cứu dân dưới làn bom, đạn xối xả của kẻ thù.
Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy nỗ lực dập lửa tại Tổng kho Xăng dầu Đức Giang năm 1972. |
Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy của Bộ và các địa phương đã tổ chức sẵn sàng chiến đấu về lực lượng và phương tiện; bố trí thường trực cao nhất để tiếp nhận, xử lý thông tin, kịp thời có mặt tại hiện trường, bất chấp bom rơi, dập tắt các đám cháy, cứu thương, cứu sập, bảo vệ tính mạng của nhân dân, tài sản của Nhà nước và của nhân dân. Khi máy bay Mỹ tập trung đánh phá các trận địa tên lửa phòng không, kho xăng dầu, cảng, khu dân cư, nhà máy điện... lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy đã không quản hy sinh, kiên cường bám trụ, ngày đêm chữa cháy; đặc biệt khi trận địa tên lửa phòng không Chèm bị trúng bom, một quả tên lửa đang nằm trên bệ phóng bị mảnh bom xuyên thủng, nhiên liệu chảy ra ngoài gây cháy, cán bộ, chiến sĩ phòng cháy, chữa cháy đã kịp thời có mặt, khống chế nhiên liệu chảy ra từ quả tên lửa, tập trung dập gọn từng cụm lửa, cứu được cả trận địa tên lửa trước sự khâm phục của bộ đội và nhân dân. Đêm 19 rạng sáng 20-12-1972, khi máy bay địch ném bom Cảng Hải Phòng, làm cháy tàu Jozep Kornad của Ba Lan và một số kho hàng trong Cảng, lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy đã phối hợp với bảo vệ Cảng chữa cháy kịp thời, dập tắt đám cháy trên tàu, cứu được 11 thuỷ thủ tàu bạn bị thương.
Trên mặt trận đảm bảo an toàn giao thông, với quyết tâm “Sống bám cầu đường, chết kiên cường anh dũng”, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát giao thông đã phối hợp với lực lượng Giao thông ngày đêm bám tuyến đường, thường trực chiến đấu, phân tuyến, phân luồng, dũng cảm chỉ huy trật tự giao thông trên đường phố; giải tỏa kịp thời tắc nghẽn, đảm bảo giao thông thông suốt, nhân dân đi sơ tán được thuận lợi, an toàn. Nhiều tấm gương chiến đấu dũng cảm của lực lượng Cảnh sát giao thông bảo vệ cầu, phà, đường bộ, đường sắt, đường thủy đã được nhân dân ca ngợi, tiêu biểu là đồng chí Cảnh sát giao thông Phan Điện Biên đã dũng cảm nhảy lên toa xe lửa đang cháy, giật chốt cho toa xe lửa tách toa hàng để bảo vệ tài sản Nhà nước.
Cùng với việc tập trung lực lượng vào công tác phòng không và khắc phục hậu quả do bom đạn Mỹ gây ra, Công an Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương khác vẫn đẩy mạnh các mặt công tác trấn áp các loại tội phạm lợi dụng tình hình địch đánh phá để trộm cắp tài sản, gây rối trật tự, an ninh; việc phối hợp với lực lượng dân quân, tự vệ, thanh niên tuần tra trong khối phố được tăng cường, nên tội phạm và các tệ nạn xã hội đã giảm nhiều so với trước.
Sau chiến dịch 12 ngày đêm, lực lượng Công an nhân dân tiếp tục phối hợp cùng với các ban, ngành, các lực lượng nhanh chóng tổ chức ổn định đời sống sinh hoạt của nhân dân và giải quyết hậu quả chiến tranh, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.
Trong đợt chiến đấu ác liệt này, 18 cán bộ, chiến sĩ Công an đã anh dũng hy sinh, hàng trăm đồng chí khác bị thương; 2 tập thể và 1 cá nhân được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 15 đơn vị được tặng thưởng Huân chương Chiến công các hạng. Cùng với Công an Hà Nội, Công an Hải Phòng, Ty Công an Quảng Ninh cũng được Chủ tịch Tôn Đức Thắng ký lệnh khen thưởng Huân chương Kháng chiến và Huân chương Chiến công vì thành tích xuất sắc trong chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, đặc biệt là trong chiến dịch 12 ngày đêm chống B.52 của đế quốc Mỹ.
Kỷ niệm 40 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, lực lượng Công an nhân dân tự hào về những chiến công, những đóng góp to lớn trên lĩnh vực đảm bảo an ninh, trật tự, góp phần xứng đáng cùng với quân và dân cả nước đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược tàn bạo của đế quốc Mỹ. Thực tiễn bảo vệ an ninh, trật tự, bảo vệ tài sản của Nhà nước, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân trong cuộc chiến đấu ác liệt 12 ngày đêm chống pháo đài bay B.52 của đế quốc Mỹ trên bầu trời Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương khác đã để lại những bài học kinh nghiệm quý báu cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Công an.
Trước hết, đó là bài học kết hợp chặt chẽ giữa phòng không nhân dân với thế trận an ninh nhân dân, chủ động nắm tình hình kịp thời, chính xác; nhanh chóng chuyển hướng về tổ chức và chỉ đạo toàn lực lượng thích ứng với tình hình thời chiến; tích cực làm tốt công tác chuẩn bị trước khi bước vào trận chiến đấu; đoàn kết, phối hợp, hiệp đồng chiến đấu chặt chẽ với lực lượng quân đội, dân quân tự vệ, bảo vệ dân phố và các ban, ngành có liên quan và quan trọng nhất là bài học nêu cao tinh thần trách nhiệm vì nước, vì dân, quên thân phục vụ, giữ vững hình ảnh cao đẹp của người cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân trong lòng nhân dân. Những bài học đó vẫn còn nguyên giá trị đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và xây dựng lực lượng Công an nhân dân Việt Nam trong tình hình hiện nay.
Phát huy truyền thống quật cường, anh dũng của Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, lực lượng Công an nhân dân nguyện trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc và hết lòng phụng sự nhân dân, tiếp tục nỗ lực phấn đấu vươn lên, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước