Lực lượng Công an không tăng biên chế, không tăng thủ tục hành chính trong bảo đảm TTATGT
- Ưu tiên ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại trong Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ
- Chính phủ giải trình 4 nội dung lớn của Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ
Chiều 16/11, tiếp thu, giải trình ý kiến các đại biểu về dự án Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ, Đại tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cảm ơn các đại biểu đã đóng góp ý kiến rất tâm huyết đối với dự án Luật; khẳng định cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu, giải trình thấu đáo.
Bộ trưởng Tô Lâm giải trình dự án Luật |
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, ngày 5/11, Chính phủ đã có báo cáo số 585 tiếp thu, giải trình gửi đến các đại biểu Quốc hội. Về sự cần thiết ban hành Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ hay không, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, việc tách nội dung bảo đảm TTATGT khỏi Luật Giao thông đường bộ xuất phát từ yêu cầu thực tiễn công tác bảo đảm TTATXH do Bộ Công an chịu trách nhiệm chính. Chính phủ xác định TTATGT là môt bộ phận của bảo đảm TTATXH nên đã yêu cầu xây dựng Luật Bảo đảm TTATGT, giao trách nhiệm cho Bộ Công an chịu trách nhiệm chính công tác này, phối hợp với các bộ, ngành khác để đảm bảo an toàn giao thông cho người dân.
“Nếu giao trách nhiệm cho Bộ Công an, lực lượng Công an không tăng biên chế, không tăng thủ tục hành chính. Chúng tôi đã thảo luận rất kỹ trong Đảng uỷ Công an Trung ương và các cơ quan chuyên trách, thống nhất Bộ Công an nhận trách nhiệm chính trong bảo đảm ATGT cho người dân” – Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định.
Toàn cảnh phiên thảo luận |
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, việc tách các dự án Luật thì trên thực tế không có gì mới, nhiều Luật được tách, ví dụ như Luật Đầu tư; Luật Khiếu nại, tố cáo... đều được tách thành nhiều dự án Luật khác nhau. “Việc tách Luật là việc việc bình thường nếu cần thiết, không phải là chia quyền mà đảm bảo tốt hơn sự an toàn của con người” – Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.
Bộ trưởng Tô Lâm cũng đề cập nhiều ý kiến cử tri đều rất quan tâm đến việc đảm bảo an toàn giao thông. “Đây là vấn đề phổ cập của toàn xã hội, từ cháu bé bắt đầu đi học đến cụ già đều cần được tuyên truyền. Người tham gia giao thông thì phải học luật, phải thi, sát hạch nên các quy định phải dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện. Nếu để chung với các luật khác sẽ quá dài, khó tiếp cận” – Bộ trưởng cho biết và khẳng định, Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các thành viên Chính phủ nhất trí; đặc biệt, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công an đã bàn thảo, thống nhất việc tách thành 2 dự án Luật không vi phạm quy định của pháp luật về xây dựng văn bản pháp luật, không làm ảnh hưởng lẫn nhau.