Luật An ninh mạng: Giảm thiểu rủi ro cho cơ quan quản lý và người tiêu dùng

Thứ Ba, 10/10/2017, 08:57
Ngày 9-10 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội Tin học Việt Nam, Hiệp hội Internet Việt Nam, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam tổ chức Hội thảo Góp ý hoàn thiện Luật An ninh mạng.

Hiện nay, Dự thảo Luật An ninh mạng đang được cơ quan soạn thảo và Ủy ban Thường vụ Quốc hội lấy ý kiến rộng rãi để tiếp tục hoàn chỉnh và trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm 2017. Phạm vi điều chỉnh và một số nội dung của Luật An ninh mạng có liên quan tới hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ trong lĩnh vực công nghệ thông tin, an toàn thông tin và các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên không gian mạng.

Luật An ninh mạng là rất cần thiết, thúc đẩy hoạt động kinh doanh, cải thiện môi trường kinh doanh trong quá trình hội nhập. Ảnh: CTV.

Trung tướng Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng Cục An ninh mạng Bộ Công an cho biết, Dự thảo Luật An ninh mạng gồm 8 chương và 55 điều. Trong đó, Luật quy định về nguyên tắc, biện pháp, nội dung, hoạt động, điều kiện đảm bảo triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia vào không gian mạng và có liên quan tới hoạt động bảo vệ an ninh mạng của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, xu hướng ứng dụng CNTT trong quản lý rất lớn, theo đó, vấn đề bảo mật an toàn hệ thống mạng là rất quan trọng, với người tiêu dùng sự an toàn bảo mật thông tin cũng rất cao. Việc bảo mật an toàn thông tin không chỉ giúp bảo vệ an toàn hơn mà tạo niềm tin, thúc đẩy giao dịch trên internet. Vì vậy, Luật An ninh mạng là rất cần thiết, thúc đẩy hoạt động kinh doanh, cải thiện môi trường kinh doanh trong quá trình hội nhập.

Siết chặt quản lý an ninh mạng từ cơ quan quản lý, đơn vị cung cấp dịch vụ là mục tiêu dự thảo Luật An ninh mạng hướng tới trong bối cảnh 9 tháng đầu năm cả nước đã ghi nhận gần 10.000 vụ tấn công an ninh mạng. Theo dự thảo Luật An ninh mạng, không những từ chối cung cấp dịch vụ nếu người dùng cung cấp thông tin không đúng sự thật, các nhà mạng cũng phải đưa ra cảnh báo công khai với người dùng về khả năng gây mất an ninh mạng của sản phẩm, dịch vụ mạng và cách phòng ngừa.

An ninh mạng là vấn đề được doanh nghiệp và các nước trên toàn cầu quan tâm.

TS. Mai Anh, Chủ tịch Hội Tin học Viễn thông Hà Nội tán thành với giải trình về sự cần thiết phải ban hành Luật An ninh mạng. Tuy nhiên, an ninh mạng và an toàn thông tin trong môi trường mạng thực chất là hai mặt không thể tách rời của một vấn đề.

Theo ông Mai Anh, Dự thảo Luật nên bổ sung một chương điều chỉnh vấn đề xây dựng, quản lý hạ tầng cơ sở mạng quốc gia. Lý giải đề xuất này, ông Mai Anh cho rằng, mất an ninh mạng đối với hạ tầng cơ sở mạng quốc gia không chỉ do các hành vi vô tình hay cố ý gây ra trong quá trình khai thác, sử dụng mạng mà còn bắt nguồn từ chính quá trình thiết kế, xây dựng để hình thành cơ sở hạ tầng kỹ thuật mạng quốc gia. Việc mua sắm, nhập khẩu trang thiết bị quan trọng cần phải được luật hoá, tránh các nhà cung cấp đã được thế giới nhận diện về việc cài đặt sẵn những thiết bị nằm vùng, gây phương hại đến an ninh mạng mà mọi biện pháp phòng chống của người dùng đều vô nghĩa.

Thiếu tá, TS Lương Thanh Hải - Học viện CSND cho rằng, các lĩnh vực cần tập trung đầu tư phát triển trong chiến lược an ninh mạng Việt Nam như khắc phục lỗ hổng bảo mật; giải quyết nguy cơ đe dọa an ninh mạng; tăng cường an ninh mạng và bảo vệ quyền riêng tư; phương pháp phục hồi dữ liệu; bảo mật hệ thống mạng không dây và thiết bị di động...

Tại hội thảo, các chuyên gia và hiệp hội đã đưa ra những góp ý cho dự thảo, trong đó cần làm rõ một số khái niệm, xem xét bổ sung những vấn đề làm cơ sở pháp lý cho điều tra tội phạm mạng, chứng cứ điện tử mà Bộ luật Hình sự và các văn bản pháp luật hiện hành còn chưa đầy đủ, hoặc cần điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới.

Ghi nhận những ý kiến đóng góp xây dựng Dự thảo, Trung tướng Hoàng Phước Thuận cho biết, thời gian qua, cơ quan soạn thảo đã lắng nghe và tiếp thu ý kiến bổ ích của các Bộ, ban, ngành liên quan. Cơ quan soạn thảo cũng đã điều chỉnh rất nhiều. Luật An ninh mạng là vấn đề mới, vì vậy việc xây dựng hành lang pháp lý để điều chỉnh các hành vi mới phát sinh là cần thiết.

L. Hiệp
.
.
.