'Lúa gạo là ngành hàng rủi ro, cần giảm nửa triệu ha đất lúa'
- Đại biểu Quốc hội "hiến kế" phát triển ngành nông nghiệp
- Nhiều rào cản chính sách đất đai cản trở phát triển nông nghiệp
- Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Mỹ ấn tượng với siêu nhà máy sữa của Vinamilk
Sáng 6-11, Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường. Đại biểu Châu Chắc đoàn An Giang nêu câu hỏi về việc "phát triển thương hiệu gạo Việt Nam" cùng giải pháp hỗ trợ nông dân trồng lúa.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn Quốc hội sáng 6-11. Ảnh: quochoi.vn |
Trả lời chất vấn này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói "lúa gạo là ngành hàng rủi ro, hiệu quả kinh tế không cao, bấp bênh". Theo Bộ trưởng Cường, trên thế giới có khoảng 3,5 tỷ người ăn gạo và các sản phẩm từ gạo. Sản lượng lúa gạo thương mại hàng năm đạt 36 triệu tấn giá trị 3,2 tỷ USD nhưng nhiều nước cạnh tranh nhau chuỗi cung ứng.
Ông Cường cho rằng đây là một điều kiện khách quan tạo ra áp lực và giới hạn cho việc xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Đối với tình hình trong nước, ông Cường thông tin, Quốc hội đã ban hành nghị quyết bảo vệ đất lúa. Thời gian qua, Chính phủ thực hiện chủ trương này rất nghiêm. Tuy nhiên, thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông sẽ đề xuất giảm diện tích trồng lúa, nhường đất cho các loại cây trồng vật nuôi hiệu quả hơn.
"Tới đây Chính phủ sẽ xin Quốc hội giảm dần diện tích đất lúa, khoảng 500.000 ha đất lúa", ông Cường nói và cho biết Việt Nam chỉ có 7,8 triệu ha đất canh tác nhưng đất lúa chiếm hơn một nửa, tới 4,1 triệu ha.
Nông dân thu hoạch lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: toquoc.vn |
Với mức giảm nói trên, Việt Nam sẽ giảm 5-6 triệu tấn lúa, tương đương 3-4 triệu tấn thóc. "Tuy nhiên, chúng ta sẽ vẫn đảm bảo an ninh lương thực, kể cả trong 20 năm nữa vẫn đảm bảo được", ông Cường nhấn mạnh.
Theo ông Cường, trước mắt Việt Nam sẽ tập trung tái cơ cấu theo hướng ưu tiên một số nhóm giống phù hợp với nhu cầu thị trường và nâng cao giá trị hạt gạo. "Lúa gạo sẽ không chỉ là mặt hàng bán bình thường mà trở thành dược phẩm, thực phẩm chức năng", ông Cường nhắc lại yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trước đó.
Lấy dẫn chứng về mô hình lúa gạo hữu cơ ở Quảng Trị hay sản phẩm dầu cám gạo của một nhóm nông dân cùng doanh nghiệp ở Đồng bằng Sông Cửu Long, Bộ trưởng Cường cho rằng đó là hướng đi đúng, cần tập trung phát triển những gì tinh tuý nhất của hạt gạo để nâng cao giá trị hạt gạo.