Lo ngại về tiến độ của các dự án giao thông trọng điểm
- Thủ tướng yêu cầu báo cáo tiến độ Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam
- Đẩy nhanh tiến độ dự án đường vành đai 3 đi thấp
Tại đây, lãnh đạo Bộ GTVT cũng bày tỏ lo ngại về tiến độ các dự án này nếu các vướng mắc không sớm được xử lý kịp thời.
Điều đáng chú ý, trong số các dự án đường bộ thì chỉ có 1-2 dự án là đạt chỉ tiêu đề ra, còn lại đa phần đang chậm. Cụ thể, với Dự án đường Hồ Chí Minh-giai đoạn 2 (dự án gồm nhiều hợp phần nhỏ phạm vi trải dài trên toàn quốc, có thời gian thực hiện kéo dài đến năm 2020): Đã hoàn thành 38/44 dự án thành phần với tổng chiều dài 869/1292km (67,3%). Còn lại có 2 dự án đang triển khai dài 134km; 4 dự án chưa triển khai dài 289km.
Với dự án cao tốc Bến Lức-Long Thành, sản lượng cũng chỉ đạt khoảng 78,19% chậm 17,2%. Các gói vốn JICA chậm chủ yếu là do thiếu vốn thi công và GPMB (vốn vay nước ngoài JICA chưa được giao do vướng Nghị định số 71/2018/QH14 của Quốc hội; vốn đối ứng chưa được giao do vướng Nghị định 79/2010/NĐ-CP của Chính phủ về nghiệp vụ quản lý nợ công).
Đến nay, các khó khăn vướng mắc chưa được giải quyết nên nguy cơ dự án không hoàn thành trong năm 2020 trước thời hạn kết thúc Hiệp định khu vào ngày 14-12-2020. Dự án Cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận, tổng sản lượng toàn dự án cũng mới đạt khoảng 2221 tỷ đồng (đạt 34,3%), chậm khoảng 25% so với tiến độ thi công tổng thể.
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông vẫn chưa hẹn ngày về đích. |
Nguyên nhân dẫn tới chậm tiến độ do trước đây chậm ký kết và giải ngân vốn vay tín dụng, đến nay đã được tháo gỡ, các nhà thầu đã tập trung huy động máy móc triển khai thi công ở toàn bộ các gói thầu xây lắp chính để bù lại phần tiến độ bị chậm, dự kiến thông tuyến vào năm 2020.
Cùng với các dự án đường bộ, lãnh đạo Bộ GTVT cũng thừa nhận tiến độ các dự án đường sắt trọng điểm cũng không “khấm khá” hơn. Cụ thể, Dự án đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh tuyến số 1 Bến Thành-Suối Tiên đến nay giá trị sản lượng mới đạt 71% do năm 2019 dự án không được bố trí vốn.
Dự án đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh tuyến số 2 Bến Thành-Tham Lương: Dự án có 9 gói thầu, trong đó gói thầu CP1 (xây dựng toà nhà Văn phòng, khu Depot) đang nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng; các gói thầu còn lại đang triển khai công tác lựa chọn nhà thầu.
Đáng chú ý, Dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông, dù đã quá thời hạn hoàn thành từ lâu song hiện Bộ GTVT vẫn đang chỉ đạo Ban QLDA đường sắt, Tổng thầu và các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục pháp lý, căn chỉnh thay thế các thiết bị chưa đảm bảo yêu cầu so với thiết kế làm cơ sở để tiến hành nghiệm thu, bàn giao dự án.
Dự án đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội (tuyến số 3): Đến thời điểm hiện tại, tổng tiến độ dự án (phần trên cao) mới đạt trên 70,69% và dự kiến kéo dài đến cuối năm 2022. Cuối cùng là Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 (Yên Viên-Ngọc Hồi). Hiện Bộ GTVT đang làm việc với Vụ Công nghiệp và Vụ Hợp tác quốc tế-Văn phòng Chính phủ để có văn bản trả lời về triển khai thực hiện dự án tuyến 1. Giai đoan 2 đang thực hiện công tác điều chỉnh dự án theo sự cho phép của Bộ GTVT. Tuy nhiên hiện đang tạm dừng do chờ ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục triển khai dự án tuyến số 1 Ngọc Hồi-Yên Viên.
Trước những khó khăn, vướng mắc nói trên, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ xem xét giải quyết vướng mắc đối với từng dự án cụ thể được báo cáo chi tiết. Bên cạnh đó, do một số dự án công tác GPMB vẫn còn vướng mắc cục bộ, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án, cụ thể dự án cao tốc Bến Lức-Long Thành; đường dẫn hầm Hải Vân (phía Đà Nẵng); Dự án Cao Bồ-Mai Sơn, Cam Lộ-La Sơn, một số dự án đường Hồ Chí Minh (đoạn Hoà Liên-Tuý Loan, Lộ Té-Rạch Sỏi…).
Đặc biệt là đối với công tác GPMB 8 dự án PPP cao tốc Bắc Nam phía Đông để đảm bảo mặt bằng sạch bàn giao cho dự án để triển khai thực hiện ngay sau khi lựa chọn được nhà đầu tư hoặc được Quốc hội thông qua theo hình thức đầu tư công. Mặc dù Bộ GTVT đã có nhiều văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố có dự án đi qua quan tâm giải quyết, tuy nhiên tiến độ GPMB tại một số dự án còn chậm. Đối với các dự án đường sắt đô thị, Bộ GTVT cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính hỗ trợ, xem xét sớm có ý kiến thẩm định chủ trương vay lại nguồn vốn vay của Chính phủ.
Thông tin từ Bộ GTVT cho hay, trong số 48 công trình trọng điểm thì đường bộ có 34 dự án, đường sắt có 6 dự án, hàng hải-đường thuỷ nội địa có 4 dự án, hàng không có 4 dự án. Tính đến nay đã đưa vào khai thác, sử dụng 24 dự án. Còn lại 24 dự án trong đó chưa khởi công 12 dự án (8 dự án cao tốc Bắc-Nam, đường sắt đô thị Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo; 2 dự án cảng hàng không và dự án Mỹ Thuận-Cần Thơ) và 12 dự án đang triển khai thi công gồm: 7 dự án đường bộ (Đường Hồ Chí Minh giai đoạn 2, Cao tốc Bến Lức-Long Thành, Cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận, Hầm đường bộ Đèo Cả, Hầm Cù Mông, Hầm Hải Vân, Dự án cao tốc đoạn Cam Lộ-La Sơn, Dự án cao tốc đoạn Cao Bồ-Mai Sơn và cầu Mỹ Thuận), 5 dự án đường sắt ( gồm Tuyến số 1 Bến Thành-Suối Tiên; Tuyến số 2 Bến Thành-Tham Lương; Cát Linh-Hà Đông; Nhổn-Ga Hà Nội; tuyến Yên Viên-Ngọc Hồi). |