Liên kết phát triển giữa TP Hồ Chí Minh với tiểu vùng Đồng Tháp Mười

Thứ Bảy, 21/10/2017, 19:36
Chiều 21-10, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức Chương trình gặp mặt giữa TP Hồ Chí Minh với 3 tỉnh tiểu vùng Đồng Tháp Mười (Đồng Tháp, Long An và Tiền Giang). Đồng chí Trương Hoà Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ dự buổi gặp mặt.

Lãnh đạo các tỉnh trong tiểu vùng Đồng Tháp Mười và TP Hồ Chí Minh, các sở ngành, doanh nghiệp đã đưa ra nhiều kiến nghị, giải pháp thực hiện Đề án liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Đồng Tháp Mười (gọi tắt đề án) và ý tưởng hình thành tour du lịch “Một hành trình 3 điểm đến”, kết nối TP Hồ Chí Minh với vùng Đồng Tháp Mười. 

Mục tiêu của đề án, phát huy các giá trị bản địa và hệ sinh thái ngập nước để tạo nền tảng, điều kiện gắn kết liên kết tiểu vùng Đồng Tháp Mười với TP Hồ Chí Minh. 

Đây là bước khởi đầu, triển vọng rất lớn mở ra sản phẩm du lịch sinh thái, trải nghiệm để thu hút du khách quốc tế và trong nước. Hiện nay, sản phẩm du lịch có nhiều điểm tương đồng, lặp lại nên các tỉnh cần tạo ra sản phẩm du lịch sâu sắc hơn, giữ chân du khách trải nghiệm nét văn hoá thiên nhiên và con người vùng Đồng Tháp Mười.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình phát biểu tại chương trình. 

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình chia sẻ, vùng Đồng Tháp Mười là đặc trưng của đất Phương Nam. Hành trang của người đi mở đất, khai phá và hình thành nét văn hoá riêng. Du lịch vùng Đồng Tháp Mười có những lợi thế, đặc trưng rất riêng. Các tỉnh cần phải phát huy lợi thế sẵn có, tạo ra đội ngũ con người, sản phẩm du lịch thật tốt để thu hút khách. 

Trong việc thực hiện đề án, Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng: vùng Đồng Tháp Mười có nét tương đồng tự nhiên, sản xuất nông nghiệp, khả năng chống chịu rủi ro. 

Các tỉnh cần chú trọng liên kết trong tái cơ cấu nông nghiệp; hỗ trợ, tạo điều kiện cùng nhau phát triển, xây dựng chuỗi ngành hàng thương hiệu, lúa gạo, trái cây thuỷ sản; phát triển hạ tầng giao thông, thuỷ lợi; quy hoạch vùng sản xuất hàng hoá nông sản; thương mại dịch vụ; công nghiệp; bảo vệ quản lý khai thác tài nguyên nước; liên kết kêu gọi đầu tư…

Đại diện TP Hồ Chí Minh và 3 tỉnh tiểu vùng Đồng Tháp Mười ký kết chương trình hợp tác.

“Liên kết phải đồng lòng, kỷ luật kỷ cương, đảm bảo thực hiện có hiệu quả chương trình đề án. Xây dựng chương trình dự án ứng phó biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, bảo vệ hệ sinh thái và không gây ô nhiễm môi trường”, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình lưu ý. 

Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, trong mối tương quan phải nhìn nhận rằng nếu không có vùng ĐBSCL (bao gồm Đồng Tháp Mười – PV), không có vùng Đông Nam Bộ thì TP Hồ Chí Minh cũng không thể phát triển được. Do vậy, TP Hồ Chí Minh phải thể hiện rõ vai trò đi đầu, tạo nguồn lực lớn để gắn kết cho tiểu vùng Đồng Tháp Mười phát triển. 

Đặc biệt trong lĩnh vực, du lịch, nông nghiệp cao, cơ sở hạ tầng... Các tỉnh trong tiểu vùng Đồng Tháp Mười cần phải có sự nỗ lực vươn lên, tạo động lực liên kết để thúc đẩy cùng nhau phát triển. Phát huy tiềm năng thế mạnh của vùng và khắc phục những hạn chế đang tồn tại.

Các doanh nghiệp đã khuyên góp hỗ trợ và trao số tiền tượng trưng là 57 tỷ đồng, xây dựng cầu giao thông nông thôn tại các địa phương vùng sâu, vùng xa và vùng căn cứ cách mạng tại 3 tỉnh tiểu vùng Đồng Tháp Mười.  

Dịp này, hưởng ứng đợt vận động của Thường trực Thành uỷ TP Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp đã khuyên góp hỗ trợ và trao số tiền tượng trưng là 57 tỷ đồng, xây dựng cầu giao thông nông thôn tại các địa phương vùng sâu, vùng xa và vùng căn cứ cách mạng tại 3 tỉnh tiểu vùng Đồng Tháp Mười.  

Văn Vĩnh
.
.
.