Kỳ họp Quốc hội thứ 7, khóa XIV dự kiến diễn ra hơn 20 ngày

Thứ Ba, 11/12/2018, 16:54
Sáng 11-12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành tổng kết kỳ họp thứ 6 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành nội dung làm việc

 Vẫn còn Bộ trưởng, trưởng ngành né tránh trách nhiệm cá nhân

Trình bày Dự thảo báo cáo tổng kết kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, Tổng Thư ký - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, sau 22,5 ngày làm việc, Quốc hội đã hoàn thành nội dung chương trình kỳ họp thứ 6 và để lại những dấu ấn quan trọng, tạo đà cho đất nước phát triển bền vững trong những năm sắp tới. 

Kết quả kỳ họp tiếp tục khẳng định trách nhiệm, sự nỗ lực, quyết tâm cao, ghi nhận những đổi mới trong công tác chuẩn bị và tiến hành kỳ họp của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan, bảo đảm hoạt động của Quốc hội ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch, gắn bó với Nhân dân, được Nhân dân giám sát chặt chẽ.

Tổng Thư ký - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng nêu một số hạn chế cần tiếp tục được lưu ý rút kinh nghiệm trong tổ chức kỳ họp thứ 6 đó là: Việc đóng dấu mật một số tài liệu chưa phù hợp với mức độ mật của nội dung, gây khó khăn trong việc bảo quản và sử dụng tài liệu. Có nội dung được chuẩn bị với chất lượng còn hạn chế. Chưa khắc phục triệt để việc chậm gửi tài liệu của một số dự án luật, dự thảo nghị quyết, ảnh hưởng đến việc nghiên cứu và quyết định của đại biểu Quốc hội.

Một số câu hỏi nằm ngoài phạm vi chất vấn; có đại biểu nêu chất vấn còn dài, không đi thẳng vào trọng tâm, thông tin đưa ra thiếu chính xác; có Bộ trưởng, Trưởng ngành trả lời chung chung, chưa đi thẳng vào vấn đề, né tránh trách nhiệm cá nhân...

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc

Dự kiến Chương trình kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, Tổng Thư ký - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết Công tác xây dựng pháp luật: 10,5 ngày; Các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác: 9,75 ngày. Như vậy, dự kiến Quốc hội làm việc 20,25 ngày; họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 20-5-2019, bế mạc vào ngày 17-6-2019. 

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp đổi mới, cải tiến để nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp. Đồng thời, tiếp tục phát huy tính tích cực, chủ động, đề cao hơn nữa trách nhiệm chuẩn bị nội dung, bảo đảm chất lượng, tiến độ, gửi tài liệu đúng thời gian theo quy định.

Tiếp tục đổi mới nội dung chất vấn

Phát biểu thảo luận tại phiên họp, đa số các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội nhất trí cao với các nội dung nêu trong Báo cáo đánh giá kết quả kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV và dự kiến chương trình kỳ họp thứ 7. Các đại biểu đánh giá kỳ họp thứ 6 là kỳ họp khá đặc biệt, diễn ra với tinh thần dân chủ, đổi mới, trách nhiệm và đạt nhiều kết quả tốt, được dư luận cử tri nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn được cử tri, nhân dân đánh giá cao, tuy nhiên trong kỳ họp tới cần cố gắng để khi tiến hành chất vấn theo hướng nhóm các vấn đề như kinh tế, xã hội, tư pháp, an ninh quốc phòng... để tập trung hơn. “Đặt ra 1 ngày các đại biểu hỏi về kinh tế thì Bộ trưởng sẽ trả lời, hôm sau hỏi về xã hội thì các Bộ trưởng trả lời. Kỳ sau cũng có thể đi theo các nhóm vấn đề hẹp hơn để tập trung cao hơn” – Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu ý kiến.

Góp ý vào nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng, chất vấn là đại biểu đặt câu hỏi, người nhận câu hỏi phải trả lời. Trả lời không được thì người đặt câu hỏi có thể hỏi lại. Như vừa qua cần rút kinh nghiệm về việc có những đại biểu không đặt câu hỏi nhưng lại bình luận, cuối cùng người nhận câu hỏi không trả lời, lại được người khác đứng lên trả lời hộ. “Tôi đề xuất, nếu chất vấn thì người hỏi, người trả lời. Nếu trả lời chưa đúng, người hỏi được đứng lên hỏi lại. Còn không hỏi mà vào bình luận thì không nên” – ông Nguyễn Khắc Định nêu ý kiến.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh thì nêu quan điểm, hỏi nhanh đáp gọn là tốt nhưng chỉ dành cho Bộ trưởng 3 phút để trả lời mỗi câu hỏi thì chưa nói được hết những vấn đề cần nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 6 đã diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn và trách nhiệm, tăng sự tranh luận sâu sắc giữa các đại biểu Quốc hội, làm rõ nhiều vấn đề. Chủ tọa phiên chất vấn kiên quyết, sắc sảo, uyển chuyển, tạo sự gắn kết giữa các vị đại biểu Quốc hội với các Bộ trưởng, Trưởng ngành trong việc đưa ra giải pháp, được cử tri đánh giá cao.

Kết luận nội dung làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, kỳ họp thứ 6 có tính lịch sử, thành công và để lại dấu ấn quan trọng. Công tác nhân sự làm rất đúng trình tự, quy định, định hướng chính trị. Tài liệu liên quan chuẩn bị kỹ, cung cấp đầy đủ tài liệu cần thiết. Chất vấn đạt kỷ lục cả số người chất vấn và trả lời chất vấn.

Chủ tịch Quốc hội cũng đồng ý đưa ra quy tắc là khi đại biểu hỏi thì người bị chất vấn trả lời, còn người không có liên quan thì người điều hành không mời.

Cũng trong sáng nay, 100% các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành quyết định về việc bổ sung kinh phí mua bù gạo dự trữ quốc gia và mua bù thuốc thú y dự trữ quốc gia và thông qua Dự thảo Nghị quyết.

Hoạt động triển lãm phục vụ nhiệm vụ chính trị và quảng bá hình ảnh

Chiều 11-12, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc ban hành Nghị định về hoạt động triển lãm.

Bộ trưởng Bộ Văn hoá, thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, triển lãm là một trong những hoạt động quan trọng không thể thiếu để tuyên truyền, phổ biến, quảng bá các nội dung chính trị, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các nội dung để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. 

Đối với các Bộ, Ban, Ngành, tỉnh, thành phố, việc tổ chức triển lãm vừa là một kênh hữu hiệu để tuyên truyền, phổ biến, phục vụ nhiệm vụ chính trị, vừa là một hình thức để quảng bá, giới thiệu thông tin, hình ảnh, tư liệu chuyên ngành và địa phương. Đối với các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước, triển lãm cũng là một hình thức được tổ chức thường xuyên nhằm mục đích công bố, phổ biến, giới thiệu, quảng bá tác phẩm, sản phẩm, thông qua đó tạo sự liên kết, hình thành và định hướng tư tưởng, nội dung, thẩm mỹ, văn hóa đối với công chúng.

Việc ban hành Nghị định về hoạt động triển lãm sẽ góp phần bổ khuyết hệ thống văn bản quy định về hoạt động triển lãm; là căn cứ để cơ quan quản lý nhà nước cũng như tổ chức, cá nhân thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm cụ thể trong hoạt động triển lãm.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, dự thảo Nghị định gồm có 4 chương 20 điều. Trong đó, Chương I là những quy định chung (gồm 9 điều: từ Điều 1 đến Điều 9); Chương II quy định về cấp giấy phép tổ chức triển lãm (gồm 5 điều: từ Điều 10 đến Điều 14); Chương III là nội dung về thông báo tổ chức triển lãm (gồm 4 điều: từ Điều 15 đến Điều 18); Chương IV là Điều khoản thi hành (gồm 2 điều: từ Điều 19 đến Điều 20).

Thẩm tra dự thảo Nghị định, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết, Ban soạn thảo Nghị định đã nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra của Ủy ban để hoàn thiện hồ sơ dự án Nghị định. Theo đó, Ban soạn thảo đã bổ sung nội dung Báo cáo thực trạng hoạt động triển lãm, Báo cáo đánh giá tác động của dự thảo Nghị định về hoạt động triển lãm; bổ sung phiếu ghi ý kiến của thành viên Chính phủ và tổng hợp ý kiến thành viên Chính phủ vào hồ sơ dự án Nghị định.

Qua thảo luận, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ và nội dung báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, cho rằng hồ sơ và nội dung dự thảo Nghị định đã rất đầy đủ và hoàn thiện.                                                   

         


Phương Thuỷ
.
.
.