Khuyến khích cái nhìn rộng mở về vấn đề Biển Đông
- Hoa Kỳ phản đối các hành vi không tôn trọng chủ quyền trên Biển Đông
- Quan điểm của Việt Nam về tình hình Biển Đông rõ ràng, nhất quán
- Việt Nam kêu gọi cộng đồng Pháp ngữ lên tiếng về Biển Đông
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS. TS. Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao nhận định, những diễn biến hiện nay cho thấy Biển Đông vẫn tiềm ẩn nhiều nhân tố phức tạp theo nhiều chiều hướng khác nhau.
Đáng lo ngại là xu hướng quân sự hóa, đối đầu gia tăng căng thẳng vẫn đang tiếp tục, việc đe dọa hoặc sử dụng sức mạnh bất đối xứng giải quyết tranh chấp có xu hướng gia tăng. Điều đáng chú ý là các vấn đề của Biển Đông không chỉ là các vấn đề bó hẹp của khu vực Đông Nam Á, mà càng có nhiều vấn đề chung giữa Biển Đông với các vùng biển khác trên thế giới.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung phát biểu tại sự kiện. |
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung nêu rõ, Biển Đông án ngữ nhiều tuyến hàng hải quan trọng và nhộn nhịp hàng đầu thế giới. Là cầu nối giao thương giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương cũng như lục địa Châu Á và Châu Đại dương, trên 50% thương mại bằng đường biển của thế giới đi qua Biển Đông, lên tới 5.000 tỷ USD mỗi năm. Cũng vì vậy, an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông có ý nghĩa rất to lớn với thương mại toàn cầu và sự thịnh vượng chung của cả thế giới.
Từ đó, Thứ trưởng Lê Hoài Trung cho rằng: "Khi nói đến vấn đề Biển Đông không chỉ nói đến khác biệt, tranh chấp, những diễn biến phức tạp mà còn nói đến hợp tác, cả trên khuôn khổ song phương và đa phương. Riêng ASEAN đã có trên 12 cơ chế có liên quan đến hợp tác biển. Mặc dù lợi ích rất đa dạng nhưng cần ghi nhận những nỗ lực xây dựng trên cơ sở lòng tin và những nỗ lực thúc đẩy hợp tác giữa các nước trong và ngoài khu vực".
Các đại biểu chụp ảnh chung. |
Cũng theo Thứ trưởng Lê Hoài Trung, trong xu thế hướng ra đại dương, tăng cường hợp tác biển và đại dương toàn thế giới nói chung, trong xu thế hợp tác như vậy, chúng ta cũng phải thẳng thắn thấy và không khỏi lo ngại trước các thách thức nổi lên gần đây đối với hòa bình và ổn định ở Biển Đông, trong đó có các hoạt động nghiêm trọng vi phạm luật pháp quốc tế xảy ra trên các vùng biển khu vực, trong đó có vùng biển của Việt Nam.
Việc đơn phương diễn giải luật pháp quốc tế trái với chuẩn mực và lợi ích chung của cộng đồng quốc tế làm giảm lòng tin vào hiệu lực của hệ thống luật pháp quốc tế, xói mòn thượng tôn pháp luật và có thể trở thành các tiền lệ nguy hiểm đe doạ hoà bình, an ninh khu vực và quốc tế.
Sau 10 năm tổ chức (kể từ năm 2009), chuỗi Hội thảo Biển Đông đã trở thành một trong những diễn đàn an ninh khu vực uy tín, quy tụ các chuyên gia hàng đầu trên thế giới để thảo luận về các vấn đề có tầm quan trọng đối với hòa bình và phát triển như: an ninh biển, luật pháp quốc tế, kinh tế biển và sinh thái biển. Hội thảo Biển Đông 11, sẽ được nâng cấp thành sự kiện có quy mô nhất từ trước đến nay, với 6 phiên toàn thể và 6 bàn tròn, dự kiến quy tụ khoảng 50 diễn giả là các nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu, các quan chức cao cấp, cùng 200 - 250 quan chức, học giả và các nhà ngoại giao. Mục tiêu là hướng chuỗi Hội thảo Biển Đông thành một diễn đàn bán chính thức hàng đầu ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương nhằm tìm ra các giải pháp sáng tạo, góp phần cải thiện tình hình an ninh biển. Hội thảo năm nay được tổ chức trong không khí kỷ niệm 25 năm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển có hiệu lực và 25 năm Việt Nam phê chuẩn Công ước. Nhân dịp này, Hội thảo dành riêng một phiên để kiểm điểm quá trình hình thành và tầm quan trọng của văn bản được coi là Hiến chương của Đại dương sau một phần tư thế kỷ có hiệu lực. |