Không “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang

Thứ Năm, 29/08/2013, 13:09
“Phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang, tách lực lượng vũ trang ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là một trong những âm mưu, thủ đoạn trong chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phản động đối với cách mạng nước ta.

Thời gian gần đây, lợi dụng việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, một số người đã đưa ra quan điểm lực lượng vũ trang “chỉ để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và phục vụ nhân dân”; “phải trung thành với Tổ quốc và nhân dân chứ không phải  trung thành với bất kỳ tổ chức nào”(?!)...

Đây là những luận điệu vô căn cứ, phản khoa học và không đúng với thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam.

Dưới góc độ lý luận, lịch sử ra đời và phát triển của lực lượng vũ trang trên thế giới cho thấy, lực lượng vũ trang bao giờ cũng có mối quan hệ hữu cơ với giai cấp và Nhà nước sinh ra nó, mang bản chất của giai cấp thống trị xã hội.

Lực lượng vũ trang là lực lượng chính trị đặc biệt của Nhà nước để bảo vệ sự tồn tại của Nhà nước đó. Lực lượng vũ trang xuất hiện và tồn tại gắn liền với chính trị, phụ thuộc vào chính trị, chính trị quy định bản chất, chức năng, nhiệm vụ, các mối quan hệ cơ bản và mọi hoạt động của lực lượng vũ trang. Bất cứ giai cấp, Nhà nước nào khi tổ chức ra lực lượng vũ trang cũng đều quan tâm xây dựng, củng cố bản chất giai cấp của nó và làm cho lực lượng này phục tùng, bảo vệ quyền lợi chính trị, kinh tế của giai cấp tổ chức ra nó.

Có thể khẳng định, mọi giai cấp, mọi nhà nước tổ chức ra lực lượng vũ trang đều tập trung chăm lo xây dựng mặt chính trị, đều hướng việc xây dựng lực lượng vũ trang theo chính trị của giai cấp thống trị. Từ đó, hình thành các kiểu lực lượng vũ trang khác nhau với các hình thức chính trị khác nhau. Song, chính trị của kiểu lực lượng vũ trang nào cũng đều phản ánh lợi ích cơ bản của giai cấp và Nhà nước đã sinh ra, nuôi dưỡng nó. Không thể có lực lượng vũ trang “siêu giai cấp”, “đứng ngoài chính trị”.

Trong bất cứ hoàn cảnh lịch sử nào, lực lượng vũ trang không bao giờ tách rời chính trị, vì chính trị quyết định sự thành bại của giai cấp thống trị; những mưu toan đòi “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang về thực chất là nhằm chuyển hóa bản chất giai cấp của lực lượng vũ trang sang lập trường của giai cấp khác.

Dưới góc độ thực tiễn, trong suốt quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn kiên định nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội nhân dân và Công an nhân dân. Bảo vệ và giữ vững nguyên tắc Đảng lãnh đạo Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là vấn đề có ý nghĩa quyết định bản chất giai cấp công nhân của Quân đội nhân dân và Công an nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Lịch sử gần 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân và Công an nhân dân cho thấy, Đảng lãnh đạo là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, được nhân dân thương yêu, đùm bọc và giúp đỡ, lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân ngày càng phát triển và trưởng thành, luôn một lòng, một dạ tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, đoàn kết, tận tụy trong công tác; dũng cảm, mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu, đập tan mọi âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, giữ vững hòa bình, ổn định chính trị, đảm bảo an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội.

Quân đội nhân dân và Công an nhân dân đã thực sự là chỗ dựa tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân; làm tốt vai trò tham mưu với Đảng, Nhà nước về các chủ trương, đường lối, chiến lược bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; chủ động phòng ngừa, tấn công làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình”, bạo loạn, lật đổ của các thế lực thù địch, phản động, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của đất nước.

Vì những lý do nêu trên, tôi đồng tình với quy định nêu tại Điều 70 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992: “Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổ quốc và nhân dân, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, cùng toàn dân xây dựng Nhà nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế”.

Đây là vấn đề có tính nguyên tắc, đảm bảo vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với lực lượng vũ trang nhân dân.

Với niềm tin sâu sắc vào sức mạnh và ý chí của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, vào tương lai tươi sáng của đất nước, lực lượng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân nguyện sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, kiên định mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ nhân dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa; giữ vững ổn định chính trị - xã hội; kiên quyết đập tan mọi âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, phản động hòng “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa

Tạ Đức Thắng
.
.
.