Khó khăn trong dạy phòng, chống tham nhũng
- Viện KSND tối cao tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng
- Thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống tham nhũng
- Công tác phòng, chống tham nhũng phải được đẩy mạnh hơn, hiệu quả rõ ràng hơn
Ông Nguyễn Minh Quý, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nguyên Hãn, Hải Phòng cho biết, trong quá trình giảng dạy nội dung phòng, chống tham nhũng, giáo viên gặp rất nhiều khó khăn về tài liệu và phương pháp giảng dạy, đặc biệt là lấy dẫn chứng, ví dụ minh họa cho học sinh.
“Những vấn đề tiêu cực, nhạy cảm sẽ ảnh hưởng lớn đến tâm hồn non trẻ của học sinh, lo sợ học sinh có suy nghĩ lệch lạc, dẫn đến mất niềm tin về thành phần cán bộ và xã hội. Ví dụ thực tế có thể làm học sinh hoang mang, lo lắng trước vấn đề tham nhũng của đất nước” - ông Nguyễn Minh Quý nói.
Các cơ sở giáo dục đào tạo còn gặp nhiều khó khăn trong công tác giảng dạy phòng, chống tham nhũng. Ảnh minh họa: Thiện Hoàng. |
Theo ông Nguyễn Minh Quý, chính vì khó khăn này mà nhà trường đã phải chỉ đạo trước khi lấy chuyện tiêu cực xã hội để làm ví vụ, thầy cô nên hỏi học sinh về những biểu hiện tiêu cực ở chính môi trường hằng ngày là gia đình, trường học, điều các em dễ nhận thấy và cần tránh xa. Ví vụ như việc quay cóp bài, nói dối thầy cô, chạy điểm trong các kỳ thi…
Bà Lê Thị Hoa, Học viện Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, cho biết tham nhũng là một vấn đề nhạy cảm, liên quan đến việc thực hiện chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, khi giảng những nội dung của môn học, việc phân tích, đánh giá quy định pháp luật và thực tiễn thực hiện quy định đó là rất khó khăn.
Theo bà Lê Thị Hoa, các nguồn tài liệu về phòng, chống tham nhũng trên mạng xã hội rất đa dạng, trong đó có cả những nguồn tài liệu không chính thống. Khi tiếp cận với những nguồn tài liệu này, sinh viên thường có sự so sánh, đánh giá và quay lại chất vấn đối với thực trạng tham nhũng và xử lý tham nhũng tại Việt Nam. “Vấn đề này nếu không được giải quyết tốt sẽ gây ra mất lòng tin, hình thành những suy nghĩ tiêu cực trong một bộ phận sinh viên” - bà Hoa nói.
Nhìn nhận khó khăn trong việc đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy, ở góc độ khác, PGS. TS Vũ Công Giao, Trường ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, tâm lý coi vấn đề phòng, chống tham nhũng là nhạy cảm vẫn còn. Giảng dạy, nghiên cứu phòng, chống tham nhũng vẫn là công việc tiềm ẩn rủi ro bị quy kết về quan điểm, lập trường.
“Điều này cản trở việc mở rộng các chương trình đào tạo hiện có, sự ngần ngại của lãnh đạo trong việc chuẩn y và sự lưỡng lự của các giảng viên trong việc tham gia” - PGS. TS Vũ Công Giao cho biết thêm.
Lãnh đạo Sở Bộ GD&ĐT Quảng Ninh, Sở Bộ GD&ĐT Hậu Giang cùng chung quan điểm là, đối với giáo dục phổ thông, nội dung phòng, chống tham nhũng được dạy chỉ trong 6 tiết trong vòng 3 năm. Trong khi đó, các tiết học này không độc lập thành môn mà tích hợp, lồng ghép với những môn học khác. Thực tế, thời gian để giáo viên tích hợp nội dung phòng, chống tham nhũng trong mỗi giờ dạy chỉ từ 5-7 phút nên chỉ mới gợi mở cho học sinh về những khái niệm về lĩnh vực này, mục đích môn học khó đạt được.
Đại diện lãnh đạo Sở Bộ GD&ĐT các tỉnh có mặt tại hội nghị đều có một nhận định chung là kiến thức của giáo viên về phòng, chống tham nhũng còn hạn chế, thiếu thông tin về những vụ án tham nhũng điển hình. Trong quá trình giảng dạy thiếu những ví vụ minh họa thực tế phù hợp với lứa tuổi học sinh. Trong khi đó, tài liệu phục vụ cho nội dung này rất hạn chế, nội dung học và dạy phòng, chống tham nhũng trở nên khô khan, xa rời với thực tế tiếp cận, lĩnh hội của học sinh.
Ông Nguyễn Minh Quý, đề xuất Bộ GD&ĐT cần có những bài giảng về nội dung phòng, chống tham nhũng cụ thể, rõ ràng. Trong đó đưa ra những tài liệu, ví dụ minh họa điển hình về những vụ việc tham nhũng đã được xử lý nghiêm. “Nên giảm tải một số bài học trong môn Giáo dục công dân thay vào đó là những bài có nội dung phòng, chống tham nhũng” - ông Quý đề xuất.
Thiếu tướng, PGS. TS Đỗ Ngọc Cẩn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND kiến nghị Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Công an cung cấp các báo cáo chuyên đề về thực tiễn công tác phòng, chống tham nhũng, những kinh nghiệm của nước ngoài trong lĩnh vực này, đặc biệt là kết quả xử lý tội phạm tham nhũng thời gian gần đây để các học viện, trường CAND cập nhật vào nội dung giảng dạy.
Theo bà Nguyễn Thị Báo, Chánh văn phòng Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đây là nội dung mới, mang tính thời sự và tương đối nhạy cảm, hơn nữa, thực trạng tham nhũng khá phức tạp nên việc lấy dẫn chứng, ví dụ minh họa cho học viên cũng gặp không ít khó khăn. Bà Báo kiến nghị Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ bổ sung thêm các tài liệu tham khảo liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng định kỳ hằng năm cung cấp cho các đơn vị giảng dạy về phòng, chống tham nhũng.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đề xuất chỉ nên quy định thời lượng tối thiểu, nội dung giảng dạy nên quy định phù hợp với từng cấp học. Chẳng hạn, cấp THPT chỉ nên dạy về đạo đức liêm chính (không tham lam, không lấy của người khác…), không nhất thiết phải dạy về luật phòng, chống tham nhũng.
Ông Huỳnh Phong Tranh, Tổng Thanh tra Chính phủ cũng có ý kiến tương tự, cần cân nhắc hài hòa giữa giảng dạy đạo đức liêm chính và pháp luật phòng, chống tham nhũng đối với đối tượng học sinh THPT trên cơ sở hoàn thiện tài liệu giảng dạy, khuyến khích giáo viên xây dựng giáo án phù hợp với đặc thù văn hóa vùng miền.