Khai mạc Hội nghị WEF ASEAN về Khởi nghiệp Sáng tạo trong thời đại 4.0

Thứ Ba, 11/09/2018, 07:05
Trong khuôn khổ Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) về ASEAN 2018, sáng nay (11-9), Diễn đàn mở của Hội nghị WEF ASEAN về khởi nghiệp sáng tạo trong Cách mạng công nghiệp 4.0 chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội. Với sự tham dự của khoảng 1.200 đại biểu quốc tế, Diễn đàn do Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ và Chủ tịch Điều hành WEF đồng chủ trì. 

Với chủ đề: “ASEAN 4.0 có dành cho tất cả?” (ASEAN 4.0 for all?), phiên thảo luận dự kiến sẽ tập trung bàn về những cơ hội kinh doanh mới trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, với thành phần thảo luận là lãnh đạo các bộ, ngành như tài chính, giao thông vận tải; đại diện các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp... 

Diễn đàn cũng tạo cơ hội để các sinh viên cập nhật thông tin về những đột phá công nghệ định hình ASEAN 4.0; giới doanh nghiệp trong và ngoài nước tiếp cận cơ hội kết nối trực tiếp với các lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu trong khu vực ASEAN và thế giới để cùng đưa ra nhiều ý tưởng quan trọng đảm bảo rằng tiềm năng, cơ hội được đem tới bởi các doanh nghiệp khởi nghiệp và tinh thần khởi nghiệp sẽ tạo ra một tương lai tươi đẹp hơn cho mọi người. 

Phiên thảo luận của Diễn đàn mở có chủ đề “ASEAN 4.0 có dành cho tất cả?”
Ảnh: Internet. 

Theo chương trình nghị sự, sáng 12-9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ đồng chủ trì phiên khai mạc toàn thể cùng Chủ tịch Sáng lập WEF Klaus Schwab và có bài phát biểu tại phiên toàn thể của Hội nghị WEF ASEAN. 

Kéo dài 3 ngày (từ 11 đến 13 - 9) với chủ đề “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, Hội nghị gồm  60 phiên thảo luận với năm trọng tâm chính xuyên suốt bao gồm:Xác định tầm nhìn mới cho ASEAN về hội nhập khu vực; Tìm kiếm các mô hình kinh tế mới và quản trị trong kỷ nguyên số; Tìm kiếm động lực và các mô hình kinh doanh mới cho các nước ASEAN trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0; Doanh nghiệp với cách tiếp cận mới đối với quản trị toàn cầu và khu vực; Phát triển cơ sở hạ tầng thông minh, đào tạo kỹ năng, việc làm, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0. 

Cùng với đó, các doanh nghiệp được cập nhật chuyên sâu về nền kinh tế Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu và ASEAN; tìm hiểu cơ hội kinh doanh mới trong các lĩnh vực trọng điểm thu hút đầu tư và hợp tác quốc tế tại Việt Nam, đồng thời trao đổi cơ hội, kinh nghiệm đầu tư, kinh doanh trong nhiều lĩnh vực và nắm bắt xu hướng mới, tầm nhìn mới về hoạt động kinh doanh trong khu vực để phát triển kế hoạch, hoạch định chiến lược một cách phù hợp. 

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam(VCCI), động lực mới cho tăng trưởng kinh tế chính là kết nối và sáng tạo. Việt Nam là điểm kết nối giữa nền kinh tế thế giới với ASEAN và Việt Nam cũng là trái tim của khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.  

Do đó, việc đăng cai tổ chức WEF ASEAN không chỉ là một trong 3 sự kiện đối ngoại quan trọng của Việt Nam trong năm 2018 mà còn thể hiện tinh thần đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và các nước ASEAN, cũng như mối quan hệ với các đối tác đối thoại của ASEAN và các nước khác gồm: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia, Canada, New Zealand, EU… 

Ông Vũ Tiến Lộc khẳng định: "Việt Nam đang nỗ lực trở thành nền kinh tế sáng tạo, gắn liền với tinh thần khởi nghiệp. Là một trong 20/60 nền kinh tế được khảo sát là có chỉ số tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tinh thần khởi nghiệp tại Việt Nam đang lên rất cao và khởi nghiệp sáng tạo đã trở thành điểm nổi bật của nền kinh tế Việt Nam. Nếu xây dựng được hệ sinh thái khởi nghiệp, kết nối và đổi mới sáng tạo, Việt Nam có quyền hy vọng nguồn vốn đầu tư nước ngoài sẽ trở lại mạnh mẽ hơn và tạo làn sóng mới về kinh tế-đầu tư".


H.Chi - L.Đan
.
.
.