Huy động thêm nguồn lực xã hội xây dựng nông thôn mới

Thứ Sáu, 06/05/2016, 09:13
Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM) cả nước (viết tắt là Chương trình) có nhiều thành tựu, song cũng còn nhiều khó khăn, hạn chế nhất định. Xây dựng NTM cần nguồn vốn lớn, do đó việc huy động thêm nguồn lực từ người dân là rất cần thiết.


Nợ đọng còn nhiều

Theo ông Trần Văn Môn, Phó Chánh văn phòng điều phối (VPĐP) NTM Trung ương, sự chênh lệch về kết quả thực hiện NTM giữa các vùng miền ngày càng có khoảng cách. Tỷ lệ đạt chuẩn vùng Đông Nam Bộ là 46,4%, đồng bằng sông Hồng là 42,8% thì vùng núi phía Bắc là 9,1% và Tây Nguyên là 15,5%. Còn ĐBSCL là 18,4%, thấp hơn mặt bằng chung của cả nước (23,1%). 

“Phát triển sản xuất có chuyển biến nhưng còn manh mún, khó áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật và xây dựng cánh đồng lớn, thiếu mô hình liên kết theo chuỗi, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Thiếu cơ chế phân bổ, giám sát và theo dõi các nguồn vốn thực hiện chương trình…”, ông Môn nhận xét.

Điều đáng quan tâm nhất là môi trường nông thôn ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng nhưng cho đến nay vẫn còn thiếu mô hình xử lý môi trường hiệu quả, có khả năng nhân rộng (xử lý vấn đề về rác thải, nước thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi, khắc phục ô nhiễm ở các làng nghề…).

Cầu được bê tông hoá từ một xã NTM ở TP Cần Thơ.Ảnh: Ngọc  Trinh

Tại hội thảo gần đây được tổ chức ở TP Cần Thơ, ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Chánh VPĐP NTM tỉnh Quảng Nam phân trần: “Nguồn vốn hằng năm phân bổ trực tiếp cho chương trình còn hạn chế, bình quân 2 tỷ đồng/xã/năm nhưng một số tiêu chí hạ tầng, Trung ương quy định tỷ lệ cao. Chẳng hạn như tiêu chí cơ sở vật chất văn hoá 100% nhà văn hoá - khu thể thao đạt chuẩn, 70% kênh mương được bê tông hoá, 50% hộ dân sử dụng nước sạch… nên bắt buộc các xã phải tìm mọi cách để thi công đạt chuẩn, đạt mục tiêu đề ra, từ đó một số nơi để xảy ra nợ đọng”.

Phải có nhân dân cùng làm

Trong năm 2016, cả nước cần huy động được khoảng 263.127 tỷ đồng từ các nguồn lực để thực hiện chương trình. Trong đó, ngân sách Trung ương bố trí khoảng 7.374 tỷ đồng. TP Cần Thơ đã công nhận 12/36 xã đạt chuẩn NTM, 20 xã đạt từ 15-19 tiêu chí, 4 xã đạt từ 10-14 tiêu chí và không còn xã nào dưới 12 tiêu chí. Theo ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, đội ngũ cán bộ được đào tạo thường xuyên nhưng chủ yếu là kiêm nhiệm, thay đổi liên tục nên khó khăn trong công tác vận hành xây dựng NTM.

Ngoài ra, vốn đầu tư dàn trải ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ hoàn thành các tiêu chí. Việc huy động và phân bổ nguồn vốn để thực hiện các tiêu chí là vấn đề nan giải. “Trong giai đoạn 2016-2020, mỗi huyện, xã cần lập kế hoạch cụ thể trong cân đối nguồn vốn. Mỗi huyện cần đề ra số xã phấn đấu đạt trong năm nay, các xã này còn tiêu chí nào chưa đạt? Huy động vốn thế nào? Nguồn vốn nào địa phương có thể cân đối được? Kế hoạch huy động vốn trong doanh nghiệp, dân đóng góp được bao nhiêu?... Đây là những cơ sở quan trọng để thành phố chủ động trong bố trí nguồn lực xây dựng NTM cho phù hợp”, bà Bùi Ngọc Vỵ, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư TP Cần Thơ thông tin.

Theo nhiều lãnh đạo VPĐP NTM các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, để có nguồn lực lớn làm NTM cần phát huy phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” vào cơ chế đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế xã hội nông thôn.

Tại tỉnh Đồng Tháp, từ năm 2012 đã ban hành văn bản và thực hiện quy chế này để xây dựng kết cấu hạ tầng của các xã, phường, thị trấn và có sự đóng góp tự nguyện của nhân dân. Thuận lợi hơn khi có sự ra đời của Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường tỉnh Đồng Tháp. Đến nay, hội đã góp phần đáng kể trong việc thực hiện tiêu chí xây dựng giao thông nông thôn khi vận động, tổ chức thi công hơn 260 cầu bê tông cốt thép và trên 300km đường nông thôn với số vốn, công sức huy động lên trên 160 tỷ đồng.

  Tính đến hết tháng 2-2016, cả nước có 1.761 xã (chiếm 19,7%) đạt chuẩn NTM, bình quân tiêu chí/xã là 12,9 tiêu chí (tăng 2,9% tiêu chí so với đầu năm 2015). Ở cấp huyện, toàn quốc có 17 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhân đạt chuẩn, hiện nay có 7 đơn vị cấp huyện đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng công nhận. 

Mục tiêu của chương trình, đến năm 2020, số xã đạt chuẩn NTM khoảng 50%; mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất 1 huyện đạt chuẩn NTM; bình quân cả nước đạt 15 tiêu chí/xã, không còn xã dưới 5 tiêu chí; nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, thu nhập tăng 1,8 lần so với năm 2015.

Văn Vĩnh - Như Anh
.
.
.