Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30: Nâng tầm ngoại giao Việt Nam

Thứ Sáu, 17/08/2018, 20:10
Chiều ngày 17-8, sau 5 ngày làm việc chính thức, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 với chủ đề "Ngoại giao Việt Nam: chủ động, sáng tạo, hiệu quả thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII", đã bế mạc dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.


Phát biểu bế mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đánh giá Hội nghị đã thành công tốt đẹp trên tất cả các mặt, nâng tầm ngoại giao Việt Nam. 

Phó Thủ tướng đã cảm ơn sự quan tâm, chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước cùng các ý kiến đóng góp quý báu của các đồng chí lãnh đạo các Bộ, ban, ngành và địa phương tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu bế mạc hội nghị.

Hội nghị  đã phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, tranh thủ được nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, trí tuệ của đông đảo đại biểu trong và ngoài ngành về các nội dung quan trọng của công tác đối ngoại, nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động đối ngọai.

Phó Thủ tướng cho biết Hội nghị đã đánh giá về kết quả triển khai công tác đối ngoại thời gian qua cũng như những biến chuyển của tình hình thế giới và khu vực, phân tích rõ các cơ hội và thách thức đối với Việt Nam, từ đó đề xuất các chính sách và biện pháp ứng phó trong tình hình mới.

Phó Thủ tướng cho biết lãnh đạo Đảng và Nhà nước đánh giá cao kết quả của công tác đối ngoại. Mặc dù tình hình thế giới và khu vực chuyển biến phức tạp, công tác đối ngoại đã góp phần quan trọng vào việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, làm sâu sắc hơn quan hệ với các nước, phục vụ hiệu quả cho sự nghiệp phát triển, nâng tầm ngoại giao đa phương, đưa vị thế Việt Nam lên một tầm cao mới…

Hội nghị đã thành công tốt đẹp trên tất cả các mặt, nâng tầm ngoại giao Việt Nam. 

Nâng tầm ngoại giao đa phương, trong đó hiện thực hóa vai trò nòng cốt, dẫn dắt và hòa giải của ngoại giao theo Chỉ thị của Ban Bí thư về nâng tầm đối ngoại đa phương, chuẩn bị cho việc đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN và ứng cử vào Hội đồng Bảo an Liên hợp Quốc; xây dựng nền ngoại giao từng bước hiện đại, theo đó sắp xếp lại tổ chức, bộ máy, đổi mới hơn nữa công tác cán bộ theo hướng hiện đại…

Cũng trong phiên bế mạc, Hội nghị đã thông qua Nghị quyết và Chương trình hành động, thể hiện sự nhất trí cao về triển khai kết quả Hội nghị ngoại giao 30 và cụ thể hóa quyết tâm của ngành ngoại giao trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XII.

Kéo dài từ ngày 13 đến 17-8, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 đã tập trung thảo luận, đánh giá tình hình thế giới, khu vực từ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 đến nay, các vấn đề đối ngoại có tác động lớn đến môi trường an ninh – phát triển của đất nước; tổng kết, kiểm điểm việc triển khai các nhiệm vụ đối ngoại của Đại hội XII và Chương trình hành động Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29; định hướng công tác đối ngoại trong 3 năm tới. Hội nghị cũng đã tổ chức hai phiên toàn thể có chủ đề “Đẩy mạnh ngoại giao phục vụ phát triển trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng” với sự tham dự và phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, và phiên toàn thể “Đối ngoại quốc hội trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng” với sự tham dự và phát biểu chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Trước đó, trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30, Bộ Ngoại giao đã tổ chức Tọa đàm giữa trưởng cơ quan đại diện và doanh nghiệp, và Hội nghị Ngoại vụ lần thứ 19 trong 2 ngày lần lượt 10 và 12-8.

An Nhiên - Duy Tiến
.
.
.