Hội Nông dân Việt Nam hội nhập và phát triển với nhiều cơ hội mới
- Hội Nông dân Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới
- Bộ Công an và Hội Nông dân Việt Nam tăng cường phối hợp phòng, chống tội phạm
Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII có sự tham gia của 999 đại biểu chính thức đại diện cho hơn 10 triệu hội viên, nông dân trong cả nước. Đại hội diễn ra từ ngày 11 đến 13-12 với chủ đề "Dân chủ - Đoàn kết - Đổi mới - Hội nhập - Phát triển".
Đại hội có nhiệm vụ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VI, nhiệm kỳ 2013-2018; tập trung thảo luận, cho ý kiến vào các dự thảo Báo cáo chính trị, Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VI; Đề án nhân sự BCH, Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VII, nhiệm kỳ 2018-2023; Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam (bổ sung, sửa đổi).
Đồng thời, hiệp thương bầu BCH Hội Nông dân Việt Nam khóa VII, nhiệm kỳ 2018-2023. Cùng với những kết quả nổi bật đã đạt được, các tham luận và ý kiến đại biểu thẳng thắn đề cập đến những hạn chế của công tác Hội và phong trào nông dân trong nhiệm kỳ khóa VI (2013-2018), từ đó, góp ý xây dựng phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp khắc phục trong nhiệm kỳ tới (2018-2023).
Trong phiên làm việc đầu tiên, Đại hội đã hiệp thương bầu Đoàn Chủ tịch gồm 25 đồng chí, cử đoàn thư ký; thông qua Chương trình làm việc của Đại hội và Quy chế Đại hội, báo cáo kết quả kiểm tra tư cách đại biểu; thông qua chương trình làm việc của Đại hội; trình bày Tờ trình về việc bổ sung, sửa đổi Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam; thông báo các trung tâm thảo luận và hướng dẫn thảo luận.
Phát biểu khai mạc ngày làm việc thứ nhất, đồng chí Thào Xuân Sùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khoá VI khẳng định: Hội Nông dân Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới, trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng hoàn thiện; cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư và Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đang tạo ra nhiều cơ hội cũng như những thách thức gay gắt với nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta.
Tình hình đó, đòi hỏi Hội Nông dân Việt Nam phải luôn thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: "Nông dân ta chí khí rất anh dũng, kinh nghiệm rất nhiều, lực lượng to. Điều đó đã tỏ rõ trong thời kỳ cách mạng và kháng chiến. Nếu lãnh đạo tốt thì khó khăn gì họ cũng khắc phục được, việc gì to lớn mấy họ cũng làm được".
Đồng chí Thào Xuân Sùng nhấn mạnh: Cơ hội và thách thức đó đòi hỏi Hội Nông dân phải tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động theo hướng kết hợp chặt chẽ công tác tuyên truyền, vận động nông dân với tăng cường các hoạt động tư vấn, hỗ trợ dịch vụ, dạy nghề cho nông dân; tham gia xây dựng, phản biện xã hội, giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội ở nông thôn”; xây dựng Hội Nông dân và giai cấp nông dân trong sạch, vững mạnh để làm tốt vai trò chủ thể trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; tăng cường bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nông dân, dựa vào nông dân và vì nông dân; mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác quốc tế vì mục tiêu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Đó là những vấn đề Đại hội sẽ tập trung thảo luận làm rõ và thống nhất các giải pháp để giải quyết một cách có hiệu quả.
* Trước đó, sáng cùng ngày, trước khi chính thức bước vào phiên làm việc, 999 đại biểu đại hội đã vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ tại Đài tưởng niệm Bắc Sơn (Hà Nội). Trong chương trình đại hội, chiều và tối cùng ngày, sẽ diễn ra Hội thảo về Xuất khẩu nông sản và Lễ tôn vinh “Nhà khoa học của Nhà nông”.