Học viện Báo chí và Tuyên truyền kỷ niệm 55 năm ngày thành lập
- Năm 2017, xét tuyển vào Học viện Báo chí và tuyên truyền có gì mới?
- Xây dựng Học viện Báo chí và Tuyên truyền thành đại học trọng điểm
Đến dự Lễ kỷ niệm các đồng chí: Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; lãnh đạo các bộ, ban, ngành ở Trung ương và địa phương, các cơ quan báo chí, các tổ chức quốc tế, các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, giảng viên, công nhân viên, học viên, sinh viên của Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Học viện Báo chí- Tuyên truyền tiền thân là Trường Tuyên giáo Trung ương thành lập ngày 16-1-1962 trên cơ sở hợp nhất 3 trường: Trường Tuyên huấn, Trường Nguyễn Ái Quốc phân hiệu II và Trường Đại học nhân dân.
Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao tặng học viện khung ảnh kỉ niệm chân dung chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN |
Sau 55 năm xây dựng và phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền không chỉ là một trường Đại học, mà còn là một trong số những cơ sở đào tạo có uy tín trong hệ thống các trường Đảng của cả nước với 320 cán bộ, giảng viên, trong đó có 109 giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ, 211 thạc sỹ và hàng chục cán bộ đang theo học các chương trình thạc sỹ, tiến sỹ trong và ngoài nước.
Học viện đã đào tạo, bồi dưỡng gần 70.000 cán bộ lý luận, chính trị, tư tưởng-văn hóa, công tác Đảng, báo chí-truyền thông, trong đó có hàng nghìn cán bộ nghiên cứu, giảng dạy lý luận Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho hệ thống các trường Đảng, các trường Đại học, cao đẳng, hàng nghìn phóng viên, biên tập viên, cán bộ quản lý ở các nhà xuất bản, các báo, tạp chí, đài phát thanh, truyền hình trong cả nước.
Hiện nay, Học viện đang đào tạo 28 ngành, chuyên ngành bậc đại học, 19 ngành, chuyên ngành đào tạo bậc cao học và 4 ngành đào tạo trình độ tiến sỹ; trong đó có những chuyên ngành đạo tạo đầu tiên hoặc duy nhất tại Việt Nam như công tác tư tưởng; phát thanh- truyền hình; quan hệ công chúng; quảng cáo; thông tin đối ngoại…với quy mô đào tạo mỗi năm hơn 2.000 sinh viên đại học chính quy tập trung, gần 2.000 sinh viên đại học vừa học vừa làm cho các ban, ngành, đoàn thể của Trung ương và địa phương; hơn 500 học viên cao học và hơn 50 tiến sỹ/năm.
Các đại biểu dự buổi Lễ. Ảnh: Lao động |
Đội ngũ cán bộ do Học viện đào tạo, bồi dưỡng có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, năng lực chuyên môn cao, có những đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng. Học viện đã triển khai nghiên cứu gần 4.000 đề tài các cấp, biên soạn hàng trăm giáo trình, tài liệu tham khảo, tổ chức chức nhiều hội thảo… được đánh giá cao.
Đặc biệt, Học viện là cơ sở đào tạo đầu tiên trong hệ thống các trường Đảng tiên phong liên kết đào tạo quốc tế khi triển khai chương trình quốc tế ngành quảng cáo, quan hệ công chúng và truyền thông với Đại học Middlesex của Vương quốc Anh…
PGS.TS Trương Ngọc Nam, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện, cho biết thời gian tới, Học viện sẽ tiếp tục đổi mới căn bản nội dung chương trình, phương pháp dạy và học đáp ứng yêu cầu thực tiễn và hội nhập; tăng cường nguồn lực, nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học; xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên có năng lực đáp ứng nhiệm vụ trong giai đoạn mới; đẩy mạnh hiệu quả hợp tác quốc tế; tranh thủ mọi nguồn lực để hiện đại hóa cơ sở vật chất.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh ghi sổ lưu niệm của trường. Ảnh: Lao động |
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh biểu dương và chúc mừng những thành tích nổi bật mà các thế hệ nhà giáo, nhà khoa học, cán bộ, viên chức của Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã đạt được.
Phó Chủ tịch nước đề nghị Học viện cần coi trọng đào tạo, bồi dưỡng cho sinh viên phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, có bản lĩnh chính trị vững vàng; tiếp tục đổi mới căn bản nội dung chương trình, phương pháp dạy và học, phát huy tối đa tính chủ động trong học tập; xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên có đủ phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu chính trị của Học viện; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học phục vụ trực tiếp cho công tác giảng dạy; góp phần cung cấp những luận cứ khoa học cho việc hoạch định, hoàn thiện đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, phát triển các chương trình nghiên cứu khoa học, từng bước hội nhập với khu vực và trên thế giới…