Hoàn thiện quy định pháp luật để hạn chế tình trạng “báo hóa” trang thông tin điện tử

Thứ Tư, 20/05/2020, 17:18

Ngày 20/5, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013 và Nghị định 27/2018 của Chính phủ quy định về quản lý, cung cấp sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.



Thực tế cho thấy, sau 7 năm thực hiện, Nghị định 72/2013/NĐ-CP đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, những khoảng trống cần được hoàn thiện như tình trạng “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, “báo hóa” mạng xã hội và những thách thức trong quản lý các nền tảng và dịch vụ xuyên biên giới.

Căn cứ vào chương trình công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ TT&TT năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ TT&TT đã giao Vụ Pháp chế phối hợp với Cục Phát thanh-Truyền hình và Thông tin điện tử và các đơn vị liên quan xây dựng và hoàn thiện hồ sơ lập đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013 và Nghị định 27/2018 để lấy ý kiến dư luận. 

Theo ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh-Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ TT&TT, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 72 và Nghị định 27 có một số điểm mới đáng chú ý so với quy định hiện hành.

Cụ thể, dự thảo quy định mỗi trang tin điện tử tổng hợp chỉ được tổng hợp về 1 trong các lĩnh vực khoa học-công nghệ, kinh tế, văn hóa, thể thao, giải trí, quảng cáo, an sinh xã hội và phù hợp với ngành nghề đăng ký kinh doanh, chức năng của tổ chức doanh nghiệp. Trang tổng hợp địa phương nào tổng hợp địa phương đó, hạn chế tổng hợp những thông tin tiêu cực của địa phương khác. 

Đối với tổ chức, doanh nghiệp không phải là cơ quan báo chí, dãy ký tự tạo tên miền không được giống hoặc trùng với cơ quan báo chí, không sử dụng những từ ngữ có thể gây nhầm lẫn với cơ quan báo chí như Báo, Tạp chí, Tin tức, New, Times, Online, Daily… Có cơ chế phối hợp chặt chẽ để loại bỏ ngay các nội dung vi phạm khoản 1 điều 5 Nghị định này chậm nhất sau 3 ngày kể từ khi phát hiện hoặc có yêu cầu của Bộ TT&TT hoặc cơ quan cấp phép. 

Đối với mạng xã hội, dự thảo Nghị định sửa đổi cũng quy định, mạng xã hội nội có lượng người sử dụng tương tác từ 1 triệu người/tháng trở lên hoặc có người sử dụng đã đăng ký sử dụng thường xuyên từ 10.000 người/tháng trở lên thì phải có giấy phép thiết lập mạng xã hội do Bộ TT&TT cấp. Đối với mạng xã hội có lượng tương tác thấp, chỉ cần cấp xác nhận thông báo. 

Tuy vậy, Bộ TT&TT sẽ gắn công cụ đo trên cả mạng xã hội có lượng tương tác lớn và tương tác thấp để theo dõi lượng người sử dụng thường xuyên. Đặc biệt, chỉ mạng xã hội đã được cấp phép mới có quyền thu phí sử dụng dịch vụ dưới mọi hình thức, mới được cung cấp dịch vụ livestream… 

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn phát biểu tại Hội thảo

Đối với các nền tảng cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, dự thảo Nghị định cũng quy định, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài khi cung cấp thông tin công cộng qua biên giới có người sử dụng tại Việt Nam hoặc có truy cập từ Việt Nam phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam.

Các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam có quyền thực thi các biện pháp cần thiết đảm bảo chính sách phát triển, quản lý thông tin trên mạng theo quy định tại Nghị định này trong trường hợp tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài không hợp tác với Bộ TT&TT trong việc phối hợp xử lý thông tin vi phạm quy định tại Khoản 1, Điều 5 Nghị định này…

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Thảo luận tại Hội thảo, đa phần các ý kiến đều ghi nhận những nỗ lực của các đơn vị soạn thảo trong việc xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi để phù hợp hơn với thực tiễn và nâng cao hiệu quả quản lý. Tuy vậy, một số ý kiến đề xuất, đối với trang thông tin tổng hợp, nếu để tồn tại, nên chăng chỉ cần yêu cầu hoạt động phù hợp với lĩnh vực ngành nghề đăng ký kinh doanh, ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nếu chia tách chỉ được tổng hợp 1 trong 7 lĩnh vực sẽ rất khó thực hiện, khó quản lý trong thực tế do sự đan xen giữa các lĩnh vực. Chẳng hạn như lĩnh vực an sinh xã hội, quá rộng và có thể bao trùm, giao thoa trong 6 lĩnh vực còn lại… 

Đối với mạng xã hội trong nước, một số ý kiến cho rằng, quy định phải định danh 2 lớp mới được tương tác sẽ gây khó khăn cho các mạng xã hội nội trong việc thu hút người dùng. Trước mắt, chỉ cần yêu cầu xác thực bằng số điện thoại, sau này sẽ tăng thêm các điều kiện khác khi có lượng người dùng đông. Cùng với đó, cần bổ sung thêm các quy định xử phạt đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới để tăng sức răn đe và đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa mạng xã hội trong nước và ngoài nước. 

Đặc biệt, cần rà soát, xem xét quy định chỉ mạng xã hội đã được cấp phép mới được cung cấp dịch vụ livestream có phù hợp với các quy định khác hay không, có hạn chế quyền của người dùng mạng xã hội không. Nên chăng, vẫn cho phép livestream đối với các trường hợp đặc biệt như thiên tai, bão lũ, tai nạn giao thông…

 Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TTTT Phạm Anh Tuấn đề nghị các cơ quan đơn vị, đặc biệt là đối tượng chịu tác động của Nghị định 72 và Nghị định 27 cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát để đóng góp ý kiến hoàn thiện Dự thảo sửa đổi sát với thực tế, đảm bảo tính khả thi trong quá trình thực hiện và giải quyết được các vấn đề vướng mắc hiện nay. 

Ban soạn thảo sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp, tiếp tục hoàn thiện nội dung dự thảo và lập hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 72 và Nghị định 27, đảm bảo tiến độ hoàn thành và gửi hồ sơ sang Bộ Tư pháp thẩm định trong tháng 6-2020, trình Chính phủ phê duyệt vào cuối năm 2020.


Huyền Thanh
.
.
.