Hiệp định Geneva với bài học đấu tranh ngoại giao bảo vệ chủ quyền Tổ quốc hiện nay

Thứ Sáu, 18/07/2014, 11:49
60 năm trước, tại thành phố Geneva, Hiệp định về đình chỉ chiến sự tại Việt Nam đã được ký kết. Hiệp định này, cùng với Tuyên bố chung của Hội nghị Geneva về Đông Dương, đã tạo thành một dấu mốc quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam nói chung và lịch sử ngoại giao Việt Nam hiện đại nói riêng.

Hội nghị Geneva 1954 đánh dấu lần đầu tiên ngoại giao Việt Nam bước lên vũ đài đám phán đa phương với sự tham gia của các cường quốc, để bàn về các vấn đề liên quan đến quyền cơ bản của chính dân tộc mình. Hiệp định Geneva khẳng định rõ sự tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam và việc rút hoàn toàn quân đội Pháp ra khỏi Việt Nam; tạo cơ sở pháp lý và nền móng để nhân dân ta tiếp tục đấu tranh bền bỉ đi tới thắng lợi, giành được hoàn toàn độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất đất nước 20 năm sau đó.

Đánh giá ý nghĩa Hiệp định này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng, ngày nay, khi cả dân tộc đang đồng lòng, nỗ lực tiến lên trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng, nhìn lại những thắng lợi của đàm phán Geneva,chúng ta đều thấy rõ đó chính là những viên gạch hết sức quan trọng, tạo thành nền móng vững chắc cho ngoại giao Việt Nam tiếp tục tiến xa hơn và giành được nhiều thành công hơn trong việc thực hiện ba mục tiêu: Giành và giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định để phục vụ phát triển đất nước; nâng cao vị thế của Tổ quốc trên trường quốc tế. Tới nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với hầu hết các quốc gia trên thế giới, có khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược với 13 nước và đối tác toàn diện với 11 nước khác, trong đó bao gồm toàn bộ các Ủy viên thường trực HĐBA LHQ, là thành viên của hầu khắp các tổ chức, diễn đàn quốc tế và khu vực quan trọng. 

Cùng với những thành tựu kể trên, hiện nay đất nước và dân tộc ta đang đứng trước những cơ hội lớn để tiếp tục hòa mình vào dòng chảy chung của thế giới, phấn đấu vì mục tiêu một Việt Nam phát triển bền vững, công bằng, dân chủ, văn minh. Đồng thời, những thử thách đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng đang ngày càng phức tạp và đa dạng. Chủ quyền và quyền chủ quyền của đất nước trên biển đang bị xâm phạm; môi trường hòa bình đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức; quá trình hội nhập quốc tế không phải hoàn toàn thuận lợi mà có nhiều khó khăn, cạnh tranh khốc liệt…

Trong bối cảnh nguy cơ, thách thức đan xen với nhiều vận hội mới, những bài học thắng lợi của ngoại giao Việt Nam kể từ Hội nghị Geneva và được khẳng định trong suốt 60 năm qua vẫn còn nguyên giá trị cho thời đại ngày nay. Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, bài học “nguyên tắc của ta thì phải vững chắc, nhưng sách lược của ta thì linh hoạt”  hay nói ngắn gọn là bài học “dĩ bất biến, ứng vạn biến” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn, luôn là phương châm cơ bản nhất của ngoại giao Việt Nam. Tại Hội nghị Geneva, ta đã có một số bước đi mang tính sách lược, nhưng luôn kiên định những quyền dân tộc cơ bản độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Cho tới nay, bài học này vẫn còn nguyên tính thời sự, nhất là khi tình hình quốc tế hiện đang có nhiều biến động, xuất hiện những nguy cơ đe dọa đến hòa bình và chủ quyền của đất nước. Lợi ích quốc gia dân tộc là trên hết, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc là bất khả xâm phạm. Các thế hệ ông cha đã hy sinh để có được giang sơn gấm vóc như ngày hôm nay; các thế hệ cháu con như chúng ta phải bảo vệ bằng được chủ quyền, quyền chủ quyền của đất nước.

Bài học từ đàm phán Geneva về độc lập, tự chủ, xử lý khôn khéo quan hệ giữa các cường quốc vẫn là một bài học đầy giá trị. Hội nghị Geneva vốn được tổ chức theo sáng kiến và chịu nhiều chi phối của các nước lớn, nhưng chúng ta đã luôn cố gắng bảo vệ lợi ích dân tộc và đã đạt được những kết quả tốt nhất phù hợp với thực lực và hoàn cảnh của mình. Bài học này vẫn tiếp tục là định hướng quan trọng hàng đầu cho ngoại giao Việt Nam, được thể hiện rõ qua phương châm đối ngoại của Đảng “thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển”.  Đặc biệt, trong tình hình hiện nay, khi khu vực Đông Nam Á đang là một trọng tâm cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, việc hiểu rõ và thực hiện khéo léo, hiệu quả bài học này là rất quan trọng. Ứng xử của chúng ta phải đảm bảo lợi ích quốc gia dân tộc, phù hợp với lợi ích chung, không để bị lệ thuộc, nhưng vẫn thúc đẩy được quan hệ đa dạng, sâu sắc, hiệu quả và thực chất với các đối tác. Trong tình hình mới, yêu cầu phát huy sức mạnh tổng hợp của các mặt trận kinh tế, văn hóa, thông tin, khoa học, công nghệ… càng thể hiện rõ, khi sự vận động của các yếu tố trong quan hệ quốc tế ngày càng đan xen phức tạp, sức mạnh mềm và an ninh mềm ngày càng chiếm phần quan trọng trong tổng hòa sức mạnh và an ninh quốc gia.

Hiện nay, chủ quyền và quyền chủ quyền trên biển của Việt Nam đang bị xâm phạm; luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982 và DOC của ASEAN chưa được tôn trọng đầy đủ; những hoạt động bình thường của ngư dân Việt Nam trên biển bị quấy nhiễu, đe dọa… Thế giới đang phê phán những hành vi kẻ cả, đơn phương dùng sức mạnh chèn ép các nước nhỏ yếu hơn trên Biển Đông. Nhìn nhận tình hình đó, khẳng định chính nghĩa thuộc về chúng ta, ngoại giao cần tiếp tục phát huy một bài học quan trọng khác đã được đúc kết trong 60 năm qua, đó là tranh thủ sự ủng hộ của dư luận quốc tế. Công tác thông tin đối ngoại phải nêu cao và làm cho quốc tế hiểu được chính nghĩa và lợi ích hợp pháp, chính đáng của dân tộc

T.K.
.
.
.