Hành vi tung tin thất thiệt đổi tiền: Cần truy nguồn bịa đặt để xử lý

Thứ Năm, 25/04/2013, 08:33
Việc tung tin bịa đặt về đổi tiền và phát hành tờ tiền mệnh giá cao không phải dịp này mới xuất hiện. Những năm trước cũng đã có tiền lệ này gây tâm lý hoang mang trong dư luận nhưng không có cá nhân, tổ chức nào bị truy rõ trách nhiệm để xử lý.

Gia tăng hành vi tung tin bịa đặt

Ngày 22/4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam ra thông cáo khẳng định NHNN Việt Nam không có chủ trương đổi tiền và không có bất kỳ một sự thay đổi nào với đồng tiền đang lưu hành hiện nay.

Việc NHNN thông báo công khai trước công luận về vụ việc nói trên xuất phát từ những tin đồn xuất hiện trên mạng Internet và trong dư luận về việc cơ quan này sắp tiến hành đổi tiền lần thứ hai, kể từ năm 1986. Trong mấy ngày gần đây, rộ lên tin đồn NHNN đổi tiền và phát hành tờ tiền mới có mệnh giá 1 triệu đồng. Nguyên do được những kẻ tung tin đồn viện dẫn là đổi tên nước sang "Việt Nam Dân chủ Cộng hòa" thì tờ tiền đang ghi "CHXHCN Việt Nam" cũng phải đổi theo, đồng thời với đó là phát hành tờ tiền mới mệnh giá 1 triệu đồng.

Đây không phải là lần đầu tiên những tin đồn kiểu này xuất hiện. Những thông tin tương tự đang có xu hướng lan truyền với mật độ cao hơn trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thường rơi vào các nhóm: tung tin đồn về việc lãnh đạo ngân hàng nào đó bị khởi tố, bắt giam; tung tin về đổi tiền, phát hành tờ tiền mệnh giá cao; tung tin ngân hàng, tổ chức tín dụng bị đổ bể... Những thông tin kiểu như vậy thường có độ lan truyền rất mạnh, gây tâm lý hoang mang, lo lắng trong dư luận do tài chính, ngân hàng liên quan trực tiếp quyền, lợi ích của mọi người dân, tổ chức. Đặc biệt, đổi tiền là vấn đề hệ trọng quốc gia, thông tin về vấn đề này gây hệ lụy nghiêm trọng tới đời sống kinh tế, xã hội cũng như tâm lý người dân.

Qua nghiên cứu những tin đồn thất thiệt nhằm vào hệ thống tài chính, ngân hàng, cho thấy có những quy luật sau:

Đối tượng tung tin bịa đặt thường nhằm vào thời điểm có những sự kiện dễ viện dẫn liên đới. Chẳng hạn, khi tỷ giá ngoại tệ so với đồng Việt Nam biến động, khi kinh tế suy thoái, khi các ngân hàng gặp khó khăn. Năm 2008, khi lạm phát ở mức cao, những kẻ tung tin bịa đặt nói rằng đồng tiền mất giá nên NHNN buộc phải đổi tiền và phát hành tờ tiền mệnh giá cao. Hay như hiện nay, đối tượng tung tin bịa đặt lợi dụng thông tin về đổi tên nước CHXHCN Việt Nam thành Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để tung tin đổi tiền. Đối với những người thiếu hiểu biết, khi nghe những thông tin này dễ tin là thật và suy diễn. Hay như khi tung tin thất thiệt lãnh đạo Ngân hàng BIDV bị bắt giam hồi tháng 2, đối tượng tung tin cũng nhằm vào những diễn biến phức tạp trên thị trường tài chính, ngân hàng.

Điểm nữa, việc tung tin thường được bịa đặt từ "nguồn tin đáng tin cậy". Để nhằm tạo độ nóng và sức nặng truyền tải thông tin để người nghe tin là thật, những thông tin đưa ra thường được nói từ "nguồn chính thống", đó là những cán bộ giữ trọng trách trong các cơ quan chức năng, nhất là bịa tin từ NHNN. Đây là kiểu tung hỏa mù rất nguy hiểm, vì người nghe khi không nắm được tin gốc, thường tin rằng đã là người có vị trí, quyền hạn như vậy nói ra thì "tất phải đúng". Thông tin bịa đặt do có sức nóng và sức nặng từ "nhân vật nặng ký" khiến có độ lan tỏa rất nhanh, nhiều khi chỉ trong một buổi đã lan tận hang cùng ngõ hẻm, gây tâm lý hoang mang, nhiễu loạn thị trường.

Chính vì hệ lụy nghiêm trọng từ những thông tin bịa đặt trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng như vậy, việc cơ quan chức năng (ở đây là NHNN hoặc lãnh đạo các ngân hàng có tin bị bịa đặt) cần phải kịp thời đưa ra thông tin chính thống trước công luận. Chẳng hạn, ngày 22/4, trước những thông tin bịa đặt đổi tiền, NHNN đã ra thông báo bác bỏ tin đồn trước công luận. Hay hồi tháng 2 vừa qua, Tổng cục An ninh và lãnh đạo BIDV công khai bác bỏ tin đồn lãnh đạo ngân hàng này bị khởi tố, bắt giam.

Người dân cần tỉnh táo trước tin đồn

Về phía người dân, trước những thông tin thất thiệt như vậy cũng cần trang bị cho mình những kiến thức nhất định để không bị trở thành nạn nhân của tin đồn. Chẳng hạn, việc đổi tiền là vấn đề hệ trọng, để đổi phải trong điều kiện cho phép và có quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng. Hiện nay, kinh nghiệm đổi tiền, cơ quan phát hành sẽ đưa vào lưu thông song song tiền cũ và tiền mới với mệnh giá tương đương, sau đó dần rút loại tiền cũ ra khỏi lưu thông. Đến thời điểm thích hợp sẽ tuyên bố chấm dứt lưu hành tiền cũ. Ví dụ như việc thay thế tiền cotton bằng tiền polymer được NHNN thực hiện thời gian vừa qua cũng theo phương thức như vậy. Với cách làm như thế sẽ không có ảnh hưởng gì tới quyền lợi cũng như hoạt động giao dịch của người dân.

Tiền đồng Việt Nam đang lưu thông ổn định, không có chuyện đổi tiền.

Thực tế, mỗi cuộc đổi tiền nếu xảy ra sẽ có ảnh hưởng rất lớn tới nền kinh tế, đòi hỏi một sự chuẩn bị kỹ càng và công phu với sự đồng ý của cơ quan lãnh đạo cao nhất cùng với sự tham gia của nhiều cơ quan chức năng. Một đề án như vậy sẽ đòi hỏi thời gian chuẩn bị, triển khai rất dài. Đơn cử như để đáp ứng việc đổi tiền thì NHNN phải chuẩn bị một lượng tiền mặt rất lớn, tương ứng lượng tiền mặt đang lưu hành. Trong khi đó, theo NHNN, Việt Nam là quốc gia có tỉ lệ tiền mặt trong lưu thông rất cao, thậm chí để in được lượng tiền mặt như thế thì phải mất vài năm. Chi phí cho thực hiện kế hoạch đổi tiền như thế là vô cùng lớn. Do đó không thực hiện dễ như nhiều người suy diễn.

Điều quan trọng nhất, để thực hiện đổi tiền cần căn cứ vào rất nhiều yếu tố, đó là điều kiện kinh tế - xã hội có phù hợp không, cơ cấu đồng tiền còn hợp lý không? Hay bộ tiền có bị làm giả quá nhiều không khiến người dân mất lòng tin vào đồng tiền? Căn cứ cơ sở đó cho thấy, điều kiện kinh tế hiện nay ổn định, cơ cấu đồng tiền hợp lý, lạm phát được kiềm chế (đồng tiền không mất giá); tiền có tính bảo an cao, số tiền bị làm giả tuy có nhưng tỷ lệ rất thấp... Những cơ sở đó cho thấy không có căn cứ để đổi tiền. Về đổi tên nước "Việt Nam Dân chủ Cộng hòa", đây chỉ là những kiến nghị trong quá trình lấy ý kiến dự thảo sửa đổi Hiến pháp, chưa phải là quyết định chính thức. Do đó, không thể suy diễn việc đổi tên nước dẫn tới đổi tiền như thông tin lan truyền...

Điểm nữa, trước tình hình thông tin suy diễn, bịa đặt xảy ra như hiện nay gây nhiều hệ quả xấu, ngoài việc kịp thời đưa ra thông tin công khai để dư luận nắm được, cơ quan chức năng cần sớm áp dụng các biện pháp truy nguồn thông tin, xác định đối tượng tung tin bịa đặt để xử lý theo quy định. Hiện, những thông tin bịa đặt dạng này chỉ có thể xử lý theo tội "vu khống" quy định tại Điều 122 BLHS, tuy nhiên lâu nay cơ quan tiến hành tố tụng chỉ xử lý đối với hành vi vu khống một cá nhân, tổ chức cụ thể, còn khách thể bị vu khống là Nhà nước, xã hội (như vu khống đổi tiền) thì việc truy xét, điều tra, xử lý vẫn còn bỏ ngỏ.

"Tôi xin khẳng định rằng đây là thông tin bịa đặt. Có thể thông tin này xuất phát từ việc góp ý Hiến pháp về thay đổi tên nước. Từ đó một số người suy diễn rằng sẽ phải in lại đồng tiền, như thế là NHNN sẽ đổi tiền. Về phía NHNN khẳng định lại là không có chuyện đổi tiền trong thời điểm hiện nay. NHNN cũng khuyến cáo người dân bình tĩnh, yên tâm sử dụng đồng tiền do NHNN Việt Nam phát hành. Không có bất kỳ một sự thay đổi nào với đồng tiền đang lưu hành hiện nay" - ông Nguyễn Chí Thành, Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ NHNN Việt Nam.

Đ.Trường
.
.
.