GDP tăng gấp đôi, ô nhiễm môi trường tăng gấp ba
Tổng kết công tác bảo vệ môi trường giai đoạn 2011-2015, ông Nguyễn Văn Tài - Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên - Môi trường) cho biết, tính đến cuối năm 2014 đã có 165 khu công nghiệp có hệ thống xử lí nước thải tập trung, 24 khu công nghiệp đang xây dựng, trong tổng số 209 khu công nghiệp đang hoạt động trên cả nước. Tổng công suất xử lí nước thải ước tính 630.000m3/ngày đêm.
Cho đến nay, đã có 392/439 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg cơ bản đã hoàn thành các biện pháp xử lí ô nhiễm triệt để, đạt tỉ lệ 89,3%.
Sau 5 năm thực hiện các dự án xử lí dioxin, hiện tại đã hoàn thành việc chôn lấp, cô lập hơn 7.500m3 đất ô nhiễm dioxin tại sân bay Phù Cát (Bình Định), đưa sân bay Phù Cát ra khỏi danh sách các điểm nóng dioxin cần xử lí ngay.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. |
Ngoài ra, việc xử lí dioxin tại sân bay Đà Nẵng cũng đã hoàn thiện được 45.000/80.000m3 bùn đất nhiễm dioxin; tại sân bay Biên Hòa đã xây dựng các công trình ngăn chặn tình trạng phát tán dioxin ra môi trường...
Trong giai đoạn 2011-2015, nguồn kinh phí cho sự nghiệp môi trường đạt 47.452 tỉ đồng, trong đó ngân sách Trung ương đạt 6.622 tỉ đồng, ngân sách địa phương đạt 40.830 tỉ đồng. Riêng trong năm 2015, tổng chi cho công tác bảo vệ môi trường đạt 11.400 tỉ đồng, tăng 14,2% so với năm 2014.
Tuy nhiên, công tác bảo vệ môi trường vẫn còn nhiều hạn chế: Chưa giải quyết triệt để các điểm nóng về môi trường; khai thác tài nguyên quá mức, thiếu bền vững; vi phạm pháp luật về môi trường ngày càng tinh vi, nghiêm trọng; bố trí kinh phí còn dàn trải, chưa ưu tiên các dự án xử lí ô nhiễm cấp bách; vẫn còn tình trạng không giải ngân hết, phải chuyển sang năm sau hoặc sử dụng nguồn ngân sách không đúng mục đích...
TS Đoàn Duy Khương - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, trong nhiều năm qua, Việt Nam dành quá nhiều sự tập trung cho phát triển kinh tế trong khi chưa quan tâm đúng mức đến bảo vệ môi trường. Phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ (chiếm 98% tổng số doanh nghiệp) chưa gắn liền hoạt động sản xuất, kinh doanh với bảo vệ môi trường. Với mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp thẳng tay cắt bỏ những chi phí liên quan đến yếu tố môi trường.
"Doanh nghiệp Việt đang thiếu trầm trọng năng lực kĩ thuật và tài chính để có thể triển khai sản xuất sạch hơn" - ông Khương nói.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu vừa là nội dung cơ bản của phát triển bền vững. Ngày nay, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước... đã trở thành những vấn đề toàn cầu.
Để giải quyết các thách thức về môi trường, Việt Nam cần đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng trưởng xanh; đẩy mạnh việc ứng dụng những công nghệ tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường; kiên quyết không cấp phép đầu tư cho những dự án tiềm ẩn tác động xấu tới môi trường; kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu để tránh biến Việt Nam thành "bãi rác công nghệ" của thế giới...