Gắn kết hợp tác Mekong với các mục tiêu của ASEAN

Thứ Ba, 14/07/2020, 18:32
Ngày 14/7, tại Hà Nội, “Diễn đàn ASEAN về phát triển tiểu vùng: Gắn kết hợp tác Mekong với các mục tiêu của ASEAN” đã chính thức diễn ra dưới hình thức trực tuyến với sự tham gia của đại diện các nước ASEAN và các đối tác. Đây là hoạt động trong khuôn khổ Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh sự cần thiết của việc gắn kết tương hỗ giữa Mekong và ASEAN, theo đó cho rằng ASEAN cần đặt trọng tâm ưu tiên tăng cường kết nối, phát triển bền vững và bao trùm, cũng như nâng cao vai trò của ASEAN trong hợp tác tiểu vùng, trong đó có hợp tác Mekong. 

Trên cương vị chủ trì phiên thảo luận, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng khẳng định vai trò chiến lược của tiểu vùng Mekong và cũng như sự phát triển của một khu vực Mekong hòa bình, thịnh vượng và bền vững sẽ giúp củng cố vị thế của ASEAN trong cấu trúc khu vực, và xây dựng cộng đồng ASEAN.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh phát biểu khai mạc diễn đàn.

Trong khuôn khổ diễn đàn, các đại biểu đã thảo luận vai trò của các hành lang kinh tế tiểu vùng trong thực hiện kết nối khu vực và tăng cường gắn kết kinh tế giữa ASEAN và các đối tác; các thách thức trong thúc đẩy phát triển bền vững và thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững 2030 tại khu vực Đông Nam Á; các biện pháp cần thực hiện để khắc phục khó khăn.

Các đại biểu cũng chỉ rõ vai trò của các đối tác phát triển trong việc thúc đẩy hợp tác tiểu vùng; các biện pháp để tăng cường gắn kết giữa các khuôn khổ hợp tác tiểu vùng với nhau và với các kế hoạch chung của ASEAN như Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN 2025 (MPAC), Sáng kiến ASEAN về hội nhập (IAI). 

Diễn đàn được tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Hội nghị cũng đã nghe tóm tắt báo cáo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN - Đông Á (ERIA) về sự phát triển của tiểu vùng Mekong. Theo đó, hợp tác trong khuôn khổ tiểu vùng Mekong là một sáng kiến thành công nhất trong ba thập kỷ qua, đóng góp to lớn cho phát triển kinh tế và tiến trình xóa đói giảm nghèo trong khu vực. 

Tuy vậy, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, khu vực Mekong cũng đang phải đối mặt với những hệ lụy nghiêm trọng. Để vượt qua thách thức này, các nước Mekong cần có những thay đổi nhằm bắt kịp xu thế mới của kinh tế thế giới, tận dụng tốt hơn thành tựu khoa học kỹ thuật, đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và sự phổ biến ngày càng sâu rộng của kỹ thuật số. 

Trên cơ sở các nghiên cứu của mình, ERIA đề xuất để đạt phát triển bền vững, các nước Mekong cần điều chỉnh chính sách theo hướng ưu tiên các lĩnh vực trọng tâm như kết nối, công nghiệp hóa, phúc lợi xã hội và phát triển bền vững.

Phát biểu kết luận diễn đàn, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng khẳng định với vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ cùng các thành viên ASEAN và các đối tác thúc đẩy cách tiếp cận đa lĩnh vực, đa đối tác, đa tầng nấc vì một Cộng đồng ASEAN đoàn kết, tự cường, thích ứng.

An Nhiên
.
.
.